Có thể kéo dài thời gian tiêm giữa các liều vắc xin COVID-19?
Do nguồn cung cấp vắc xin hạn chế, dịch COVID-19 lại bùng phát đã dẫn đến khoảng cách giữa hai liều vắc xin COVID-19 bị kéo giãn ra xa hơn so với khuyến nghị tại một số nước. Các nhà khoa học đã nghiên cứu về điều này.
Các nước có thu nhập thấp và trung bình, phải đối mặt với sự bùng phát trở lại của các ca nhiễm COVID-19, đồng thời, nguồn cung cấp vắc xin vẫn bị hạn chế nghiêm trọng. Điều này đã dẫn đến khoảng cách giữa liều vắc xin đầu tiên và liều thứ hai kéo dài hơn so với khuyến cáo, làm dấy lên lo ngại về đáp ứng miễn dịch không đầy đủ.
Với vắc xin AstraZeneca, một trong những loại vắc xin được phân phối rộng rãi nhất trên toàn cầu, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị khoảng cách thời gian giữa liều đầu tiên và liều thứ hai là 8-12 tuần. Nhưng tại các nước nói trên, khoảng cách này có thể kéo dài hơn nhiều.
Thật may, một nghiên cứu mới từ Đại học Oxford(Vương quốc Anh) mới đây đã đưa ra sự đảm bảo rằng liều thứ hai của vắc xin vẫn có hiệu quả cao ngay cả sau khoảng thời gian lên đến 45 tuần.
Nghiên cứu cho thấy, trên thực tế, phản ứng miễn dịch của những người tình nguyện sau một thời gian trì hoãn kéo dài thậm chí đã vượt trội hơn so với phản ứng tại thời gian tiêm được khuyến cáo.
Hai liều vaccine AstraZeneca cung cấp 92% khả năng bảo vệ với các biến thể SARS -CoV-2 phổ biến hiện nay
Kết quả đáng khích lệ
Nghiên cứu phát hiện ra rằng việc trì hoãn kéo dài giữa các lần tiêm vắc xin có thể đem đến kết quả có lợi hơn: Nhiều kháng thể đối với SARS -CoV-2 hơn, và tăng cường phản ứng miễn dịch tế bào. Phát hiện này cũng trùng hợp với những dữ liệu thu thập được từ các loại vắc-xin khác ngoài vắc xin AstraZeneca .
Nghiên cứu cho thấy với một liều vắc xin duy nhất, mức độ kháng thể vẫn tiếp tục tăng lên đến 1 năm sau. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nói rằng, không loại trừ nguy cơ lây nhiễm SARS -CoV-2 trong khoảng thời gian kéo dài do kháng thể chưa đạt mức cao như với liều tiêm thứ hai. Tuy nhiên, theo đánh giá, kết quả này ”rất đáng khích lệ đối với những quốc gia có nguồn cung vắc xin COVID-19 hạn chế trong ngắn hạn” . Dù nghiên cứu chưa khẳng định thời gian kéo dài tối ưu là bao lâu để đảm bảo mức bảo vệ tốt cho người dùng nhưng, các nhà khoa học chắc chắn có thể dài hơn 3 tháng.
Khoảng cách khuyến nghị giữa 2 liều tiêm vắc xin là 8-12 tuần
Ảnh hưởng của liều "tăng cường"
Bên cạnh đó, nghiên cứu của các nhà khoa học Anh cũng chỉ ra rằng, 6 tháng sau liều vắc xin thứ hai, nếu tiêm bổ sung thêm liều thứ ba với cùng một loại vắc xin sẽ taọ sự tăng cường miễn dịch chống lại SARS-CoV-2, bao gồm cả các biến thể phổ biến nhất.
Liều thứ ba dẫn đến lượng kháng thể có khả năng vô hiệu hóa các biến thể alpha, beta và delta cao hơn so với mức thấy được sau liều thứ hai. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng, câu hỏi liệu mọi người có cần đến liều "tăng cường" thứ ba hay không vẫn còn rất nhiều vấn đề cần nghiên cứu sâu hơn. Cụ thể, nghiên cứu này mới chỉ thực hiện trên những người trẻ tuổi, nên một nghiên cứu tương tự trên người cao tuổi cũng đang được tiến hành.
Các dữ liệu mới nhất từ Anh cho biết, hai liều vaccine AstraZeneca cung cấp 92% khả năng bảo vệ chống lại nguy cơ bệnh nặng (phải nhập viện) với các biến thể SARS -CoV-2 phổ biến hiện nay. Hai liều vắc-xin Pfizer-BioNTech cung cấp khả năng bảo vệ 96%.
Sau cuộc họp báo về nghiên cứu này, chính phủ Vương quốc Anh đã ra thông báo, những người dễ bị tổn thương bởi COVID-19 thể nặng có thể được cung cấp một liều vắc xin tăng cường từ tháng 9 năm 2021.
Nguồn: [Link nguồn]
Đại diện Bộ Y tế cho biết, Việt Nam chuẩn bị tiếp nhận lô vắc-xin của Pfizer/BioNtech đầu tiên.