Cơ thể con người khi nào cần giải độc?

Tuy không hẹn nhưng thầy thuốc y học cổ truyền Đông - Tây đều khuyên bệnh nhân và ngay cả người chưa bệnh nên thỉnh thoảng dùng trà thảo dược để giải độc cho cơ thể.

Lý do rất dễ hiểu, sau nhiều đợt tích lũy độc chất do tiệc tùng, do ít vận động… thì cơ thể con người làm sao có thể khỏe được khi quá tải với nhiều thứ không phù hợp như thế? Hơn thế nữa, chủ động giải độc qua trục tiêu hóa và tiết niệu không chỉ khu trú trong ý nghĩa giải độc cho cơ thể, mà đó còn là hình ảnh cho thấy gia chủ chịu nhìn lại nếp sinh hoạt không lành mạnh của chính mình để từ đó thể hiện quyết tâm phục hồi sức khỏe bằng cách “xả xúpáp” cho cơ thể.

Phải nói ngay vì con người ta thường dễ bị hiểu lầm. Dùng cây thuốc giải độc để phòng chữa bệnh không đồng nghĩa với tuyệt thực! Người dùng phương pháp này vẫn ăn uống gần như bình thường và nhất là với lượng nước uống dồi dào hơn thường ngày. Giải độc cho cơ thể vì thế phải có bài bản hẳn hoi và dưới sự hướng dẫn của thầy thuốc chuyên khoa, nếu như đã có bệnh cần được theo dõi sát sao như cao huyết áp, thiểu năng mạch vành, tiểu đường, dị ứng…

Cơ thể con người khi nào cần giải độc? - 1

Liệu trình “giải độc” thay đổi từ vài ngày đến vài tuần tùy theo yêu cầu điều trị

Liệu trình “giải độc” thay đổi từ vài ngày đến vài tuần tùy theo yêu cầu điều trị, cơ tạng cá biệt và chỉ định rõ rệt của thầy thuốc quán triệt phương pháp này. Theo nhiều nhà nghiên cứu về phương pháp giải độc, nên áp dụng hình thức này 5-10 ngày khi phát hiện các dấu hiệu bệnh lý dưới đây:

- Khó tập trung tư tưởng khi làm việc.

- Mau mệt khi phải động não.

- Đãng trí, nhất là mất khả năng làm toán.- Mệt mỏi buổi sáng dù không thiếu ngủ.

- Đau đầu không có lý do mỗi tháng hơn 10 ngày.

-Buồn chán dù đang thành đạt.

- Dễ bị bội nhiễm dù không tiếp xúc với môi trường ô nhiễm

- Dị ứng với các món ăn trước đây chưa hề gây dị ứng.

- Mất ngủ dưới dạng đặt lưng là ngáy nhưng chỉ đến 1, 2 giờ sáng rồi thức trắng.

- Tăng cân dù không ăn béo, thậm chí kiêng cữ, nhưng càng kiêng càng phì.

Tình trạng trên, theo chuyên gia về phương pháp “nhịn ăn”, dễ xảy ra ở đối tượng có:

- Chế độ dinh dưỡng quá đơn điệu, hay thường gặp hơn nữa, cường điệu với chất đạm động vật, đường cát, thực phẩm công nghệ, thức ăn nhanh.

- Bữa ăn thất thường, ăn quá nhanh, ăn mỗi lần quá no, ăn quá trễ về đêm.

- Thói quen lạm dụng chất kích thích như cà phê, rượu bia, thuốc lá.

- Công việc văn phòng khiến ít vận động hàng ngày.

- Số giờ ngủ không đủ và nhất là thiếu giấc ngủ trưa.

- Thời gian biểu làm việc tự gây rối loạn nhịp sinh học vì biến đêm thành ngày hay ngược lại.

- Stress là bạn đồng hành thay vì niềm vui trong công việc.

- Xác suất ngộ độc hóa chất gia dụng, nông nghiệp, công nghiệp, dược phẩm cao hơn người khác.

Nếu tưởng chỉ hệ tiêu hóa như dạ dày, ruột… lãnh đòn vì gia chủ quá mạnh miệng với thịt mỡ, rượu bia thì tuy đúng nhưng chưa chính xác! Trục này đằng nào cũng có đầu ra. Hai cơ quan vì cúc cung phục vụ nên phải chịu trận đến kiệt sức do ngộ độc từ sai lầm trong khâu biến dưỡng chính là lá gan và trái thận! Bệnh hoạn khi đó không mời cũng đến!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo BS Lương Lễ Hoàng (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN