Có thể bị liệt nửa người, hôn mê vì say nắng
“Say nắng có thể thay đổi ý thức, lẫn lộn, mất định hướng và hôn mê, co giật, liệt nửa người”, ThS.BS Nguyễn Hữu Quân, Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo.
Trung tâm Dự báo khí tượng - Thủy văn Trung ương cho biết, từ ngày 25.5 trở đi, do ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng, nắng nóng bao trùm khắp cả nước. Đặc biệt, các tỉnh Trung Bộ nắng nóng khốc liệt hơn, có nơi lên tới 40,1 độ. Đợt nắng nóng lần này sẽ kéo dài đến hết tháng 5.
Trước thông tin này, các chuyên gia y tế lo ngại sẽ có người nhập viện vì say nắng, say nóng. Đặc biệt đối với những người lao động hoặc đi ngoài trời nắng nóng, nhiều tia nắng sẽ chiếu thẳng vào vùng cổ gáy gây nguy hiểm đến tính mạng.
Nguy cơ nhập viện vì say nắng, say nóng (ảnh minh họa).
ThS.BS Nguyễn Hữu Quân, Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, say nắng, say nóng có thể bị biến chứng như tăng men tim, thủng cơ tim, phù phổi, sặc, kiềm hô hấp, suy thận cấp, hoại tử ống thận cấp, hạ đường huyết, rối loạn đông máu, liệt nửa người, hôn mê, mất trí nhớ, thay đổi tính cách, thất ngôn, vàng da, hoại tử tế bào gan, suy gan...
Say nóng, say nắng do suy chức năng kiểm soát nhiệt từ nhẹ tới vừa thường kèm theo tăng nhiệt độ không khí và/hoặc kèm theo gắng sức thể lực dẫn tới mất muối và nước, tổn thương cơ quan đích cùng với tổn thương thần kinh và bí mồ hôi.
Bác sĩ Quân cho biết, say nóng có dấu hiệu mệt mỏi, yếu cơ, suy nhược, nôn và buôn nôn, đau đầu và đau cơ, hoa mắt, đau cơ và chuột rút, nhiệt độ trên 37 độ C. Còn say nắng có triệu chứng như: Thay đổi ý thức, lẫn lộn, mất định hướng và hôn mê, co giật.
Người bị say nắng, say nóng có thể do bệnh tim, bệnh da, bỏng rộng, mất nước nặng, rối loạn nội tiết, rối loạn thần kinh, mê sảng, sốt, tập luyện và lao động trong môi trường nóng; không có điều hoà hoặc thông khí, mặc quần áo không phù hợp (quá dày, bí, không thấm nước), thiếu sự thích nghi với khí hậu, không uống nước, môi trường nóng.
Bác sĩ Quân khuyến cáo, khi bị say nắng, say nóng, người dân nên làm mát ngay tức thì, đưa bệnh nhân ra khỏi môi trường nóng, cởi bỏ quần áo, chuyển tới nơi bóng râm, lên xe mát hay nhà lạnh, hỗ trợ đường thở, hô hấp, tuần hoàn bằng đặt đường truyền, thở ôxy, thông khí hỗ trợ nếu có chỉ định, chuyển ngay vào viện nếu nghi ngờ sốc, áp nước ấm trên người bệnh nhân sau đó dùng quạt để tăng quá trình bốc hơi...
ThS.BS Trương Thúy Vinh, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh không để trẻ chơi và đi ngoài nắng. Đặc biệt, cha mẹ phải cho trẻ mặc quần áo thoáng, dễ bay hơi nước, không hấp thụ nhiệt, hạn chế trực tiếp dưới ánh sáng mặt trời, uống đủ nước và điện giải…
Ngoài ra, người dân cũng nên mặc áo chống nắng, đội mũ khi đi ra ngoài nắng. Nên tích cực uống nước mát (không uống quá nhiều nước đá), duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn các thức ăn mềm, mát để đảm bảo sức khỏe. Cả người già và trẻ em đều không nên ở phòng điều hòa quá lạnh rồi chạy ra ngoài nắng đột ngột...
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])