Có nên uống nhiều nước cam, nước dừa để phòng COVID-19?
Theo y học cổ truyền nước dừa, nước cam bổ mát có tính âm cao vì vậy mọi người không nên lạm dụng.
Có thể uống khoảng 300-500ml mỗi ngày (1-2 quả dừa)
Theo TS. Lương Y Phùng Tuấn Giang, Chủ tịch Viện nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam, nước dừa là một loại nước uống có tác dụng giải khát và cung cấp nhiều dinh dưỡng như đường tự nhiên, chất béo, acid amin, acid hữu cơ và các enzyme, các vitamin B1, B2, B3, B5, B6, B7, B9, vitamin C, chất béo, Calci, Magie, Phospho, Kali, Natri, Selen, đồng, kẽm... tốt cho sức khỏe.
Nước dừa. (Ảnh minh họa)
Với lượng nước và hàm lượng Kali dồi dào, nước dừa giúp cân bằng điện giải, giúp cải thiện hoạt động của hệ tuần hoàn, hệ thần kinh, hệ miễn dịch và cân bằng lượng chất lỏng trong cơ thể.
Vì vậy, nước dừa thường được dùng nhằm bổ sung nước và điện giải cho cơ thể trong trường hợp bài tiết mồ hôi quá nhiều, mất nước do sốt, tiêu chảy…
Theo y học cổ truyền, nước dừa vị ngọt mát, tính bình; quy các vào tỳ, thận và vị; tác dụng giải nhiệt, tiêu khát, lợi niệu, giải độc, chỉ huyết. Cùi dừa vị ngọt, tính bình; vào tỳ, thận và vị; tác dụng ích khí bổ dưỡng, nhuận tràng và lợi tiểu. Trị say nắng, say nóng, sốt khát nước, nôn mất nước, phù nề, tiểu ít, mụn nhọt lở ngứa, viêm da, chàm chốc, suy nhược...
Theo Hướng dẫn Chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại nhà của Bộ Y tế, nguyên tắc về chế độ dinh dưỡng cho người bệnh cần đầy đủ và cân đối các nhóm chất dinh dưỡng để duy trì thể trạng, thể chất bình thường, ngăn ngừa biến chứng, giúp người bệnh nhanh hồi phục.
Người nhiễm COVID-19 cần uống nhiều nước (40-45ml/kg cân nặng/ngày). Nên uống nước ấm và rải rác trong ngày, tránh tình trạng chỉ uống khi thấy khát. Và uống nước dừa cũng là thức uống tốt để bù nước và điện giải.
Tuy nước dừa là loại đồ uống bổ dưỡng, cung cấp khoáng chất, các chất điện giải và tăng cường miễn dịch nhưng cũng không nên uống quá nhiều. Có thể uống khoảng 300-500ml mỗi ngày (1-2 quả).
Theo y học cổ truyền nước dừa bổ mát có tính âm cao không nên lạm dụng. Đặc biệt là người hàn lạnh âm thịnh dương suy, miệng không khát nếu uống cho thêm vài lát gừng, và đường phèn đun lên để giảm tính hàn lương. Ngoài ra, không dùng nước dừa cho các trường hợp sau:
Người bị COVID-19 biểu hiện lạnh nhiều, mệt mỏi, đờm loãng nhiều, sợ gió, bụng đầy chậm tiêu…;
Người bị COVID-19 biểu hiện đang sốt cao tự nhiên mồ hôi ra đầm đìa, tay chân lạnh, hạ huyết áp…;
Người bị COVID-19 biểu hiện tiêu hóa kém, đầy bụng, sau khi ăn hay mệt mỏi;
Người có đường huyết cao, người hư nhược, già yếu…;
Người bị suy thận hoặc bị rối loạn điện giải.
Uống nước cam thế nào cho đúng?
Cam là loại trái cây mọng nước nên thường được vắt lấy nước uống, uống nước cam đúng cách sẽ giúp tăng sức khỏe, phòng chống dịch bệnh và hỗ trợ cải thiện các triệu chứng của bệnh nhân COVID-19.
Nước cam. (Ảnh minh họa).
Thời điểm tốt nhất để uống nước cam là từ 1 – 2 giờ sau bữa ăn sáng hoặc ăn trưa và cần uống ngay sau khi vắt vì nếu để lâu sẽ mất hết giá trị dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin C (chất chống oxy hóa, tăng đề kháng quan trọng có trong cam).
Nước cam chỉ nên uống khoảng 200ml mỗi ngày. Theo nghiên cứu, 200ml nước cam nguyên chất chứa khoảng 60mg vitamin C, tương đương 100% vitamin C nhu cầu của cơ thể trong 1 ngày. Vì vậy, uống quá nhiều nước cam sẽ gây dư thừa lượng vitamin C không cần thiết cho cơ thể. Còn với trẻ em, chỉ uống khoảng 100ml nước là đủ.
Với những người bị sốt cũng nên bổ sung nước cam để tăng cường hệ miễn dịch, chống lại tác nhân gây sốt, đào thải độc tố ra ngoài cơ thể, điều hòa thân nhiệt, kích thích tiêu hóa, cung cấp nước và chất điện giải.
Nước cam rất tốt, tuy nhiên, cần phải uống đúng cách và đúng thời điểm, nếu không sẽ gây ra những vấn đề về sức khỏe như:
- Uống khi đói: Có thể gây cồn cào, đau dạ dày;
- Uống ngay sau khi ăn no: Có thể gây khó tiêu, chướng bụng, ức chế quá trình tiêu hóa của thức ăn ăn trước đó;
- Uống vào buổi tối trước khi đi ngủ: Gây tiểu đêm làm ảnh hưởng đến giấc ngủ, làm tăng nguy cơ mắc sỏi tiết niệu;
- Uống nước cam với sữa: Sự kết hợp này sẽ khiến protein trong sữa phản ứng với acid tartaric và vitamin C có trong cam gây ảnh hưởng tới tiêu hóa, làm chướng bụng, đau bụng, tiêu chảy.
Một số trường hợp cần hạn chế uống nước cam như người bị viêm loét dạ dày - tá tràng; người bị suy thận, sỏi thận; người đang dùng một số loại thuốc tây y như thuốc kháng histamin, thuốc chẹn β giao cảm, thuốc ức chế bơm proton…
Thông thường, Oresol được dùng thay thế nước, chất điện giải bị mất trong các trường hợp cụ thể như tiêu chảy cấp, sốt cao, nôn mửa… nhưng lại có vị khó uống. Nhiều người, nhất là trẻ em thì lại càng khó hợp tác khi uống thuốc. Bởi vậy, lựa chọn nước cam, nước dừa là những loại nước trái cây tự nhiên bù nước và điện giải rất tốt và có thể thay thế. Tuy nhiên, cần lưu ý uống sao cho đúng cách, không nên lạm dụng uống quá nhiều, lưu ý đến những khuyến cáo nêu trên.
Để tăng sức khỏe, phòng chống COVID-19 cần phải chăm sóc sức khỏe chủ động, áp dụng nhiều phương pháp bảo vệ cũng như thuốc thang. Nước dừa, nước cam có tác dụng nhất định trong việc phòng chống COVID-19 nhưng không phải là một liệu pháp chữa bệnh thay thế hoàn toàn phác đồ điều trị theo y học cổ truyền và y học hiện đại.
Khi không may mắc bệnh, bệnh nhân cần phải liên hệ y tế để được hướng dẫn theo dõi cũng như nhập viện nếu cần thiết. Trong trường hợp F0 được hướng dẫn theo dõi y tế, cách ly tại nhà cần áp dụng thêm các biện pháp y học cổ truyền như dùng thuốc thảo dược, món ăn bài thuốc, xông thảo dược, món ăn bài thuốc, chườm nóng, tập khí công dưỡng sinh… để mau chóng hồi phục.
Theo các chuyên gia, khi mắc COVID-19, cơ thể người bệnh phải “chiến đấu” với virus cộng với việc lo lắng, căng thẳng, mất ngủ, mệt mỏi... nên việc bị đau đầu là điều...
Nguồn: [Link nguồn]