Có nên tiêm hormone ức chế con dậy thì sớm?

Sự kiện: Sống khỏe

Không ít trẻ mới 2 - 3 tuổi đã có dấu hiệu dậy thì sớm như: Kinh nguyệt, tuyến vú phát triển, xuất hiện lông mu… Tỷ lệ trẻ dậy thì sớm đang ngày một tăng.

Có nên tiêm hormone ức chế con dậy thì sớm? - 1

Khám dậy thì sớm ở trẻ

18 tháng tuổi xuất hiện kinh nguyệt

Mới đây, tại Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 TP.HCM tiếp nhận bệnh nhi 18 tháng tuổi được mẹ đưa đến trong tình trạng chảy máu âm đạo. Theo lời người nhà, trước đó, bệnh nhi cũng đã từng có dấu hiệu này, đưa đi khám nhiều nơi nhưng không xác định được bệnh, khiến gia đình hoang mang. Sau một tháng, trẻ tái xuất hiện chảy máu nên người mẹ nghĩ tới kinh nguyệt, vội đưa trẻ đến BV Nhi đồng 1. Qua khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng, các bác sĩ phát hiện bé dậy thì sớm không rõ nguyên nhân. Bé được điều trị bằng thuốc ức chế tăng trưởng hormone sinh dục nữ.

Còn tại BV Nhi T.Ư, một bé trai lên 3 cũng được mẹ đưa đến khám, bởi trẻ “vỡ giọng” với giọng nói ồm ồm như trẻ thành niên và xuất hiện lông mu. Qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện bé dậy thì sớm có nguyên nhân do khối u vùng hạ đồi (não) kích thích trục hạ đồi - tuyến yên - tuyến sinh dục hoạt động. Bé được chỉ định phẫu thuật lấy khối u và điều chỉnh hormone sinh dục nam.

"Những bé gái có dấu hiệu phát triển vượt trội tuyến vú, cha mẹ không nên quá lo lắng. Với trường hợp này, cha mẹ nên cho trẻ đi khám để loại trừ, nếu qua khám tuổi xương vẫn bình thường, tử cung, lông mu không phát triển thì đó không phải là dậy thì sớm”.

TS. Bùi Phương Thảo

Phó trưởng Khoa Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền, BV Nhi T.Ư

Theo TS. Bùi Phương Thảo, Phó trưởng Khoa Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền, BV Nhi T.Ư, hiện nay trẻ em gồm cả nam và nữ có tuổi dậy thì bắt đầu sớm hơn so với trước kia. Thường từ 8 tuổi với nữ, còn nam là 9 tuổi. Do vậy, nếu xuất hiện các dấu hiệu dậy thì trước độ tuổi đó sẽ được coi là dậy thì sớm và ngược lại, nếu nữ sau 13 tuổi, nam sau 14 tuổi mà chưa dậy thì, sẽ được coi là muộn. Khi trẻ có những dấu hiệu như vùng tuyến vú phát triển, bắt đầu có lông mu, thay đổi tâm lý, kinh nguyệt… với trẻ gái, còn với trẻ nam là vỡ tiếng, dương vật phát triển, xuất hiện ria mép, trứng cá, lông mu… thì cha mẹ nên cho trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám, điều trị sớm.

TS. Thảo cho biết: “Cách đây 2 - 3 năm, chỉ có gần 200 cháu được theo dõi bệnh dậy thì sớm, thì đến nay số bệnh nhân khám và theo dõi dậy thì sớm tại bệnh viện là 1.000 ca, đặc biệt có các ca chỉ 2 - 3 tuổi và chủ yếu là bé gái. Trong đó, 500 cháu đang phải tiêm hormone hàng tháng để “đình chỉ” dậy thì sớm.

Theo chia sẻ của BS. Thảo, ngoài những nguyên nhân khiến trẻ dậy thì sớm được xác định như: Bệnh lý tuyến thượng thận bẩm sinh, u buồng trứng, u tinh hoàn hay bệnh lý di truyền đặc biệt, u não… thì phần nhiều được xác định vô căn. “Các yếu tố khác như: Môi trường, dinh dưỡng, lối sống… cũng có thể tác động đến dậy thì sớm hơn ở trẻ. Ví như, trẻ thừa cân, béo phì thì nguy cơ dậy thì sớm cũng cao hơn”, BS. Thảo cảnh báo.

Không phải cứ dậy thì sớm là tiêm hormone

Theo TS. Thảo, đối với những trẻ dậy thì sớm (nữ dưới 6 tuổi và nam trước 9 tuổi)  thì nên tiêm hormone để ức chế dậy thì. Bởi, khi tiêm hormone làm kìm hãm dậy thì sớm sẽ có hai cái lợi. Về ngắn hạn, sẽ giúp ức chế phát triển các đặc tính sinh dục phụ như: Kìm hãm sự phát triển của tuyến vú, lông mu, khả năng có kinh nguyệt… từ đó giúp trẻ tập trung vào việc học, hòa đồng cùng bạn bè, tránh bị xâm hại tình dục. Còn về dài hạn, sẽ giúp trẻ phát triển chiều cao sau này. Thông thường, nếu điều trị bằng tiêm hormone, trẻ thường phải tiêm suốt quá trình điều trị đến năm 10 tuổi rưỡi. Quá trình tiêm hormone này cũng có những tác dụng phụ nhất định như: Đau đầu, bốc hỏa, viêm nhiễm chỗ tiêm… tuy nhiên, khi trưởng thành trẻ phát triển bình thường, không gây vô sinh hay ảnh hưởng tới buồng trứng đối với các bé gái.

Còn đối với những trường hợp 6-8 tuổi hoặc trên 8 tuổi, việc điều trị ức chế dậy thì cần cân nhắc vì ở tuổi này tiêm hormone cũng không cải thiện được chiều cao cho trẻ mà chỉ ức chế sự phát triển của tuyến sinh dục phụ. Ngoài ra, còn là vấn đề thời gian, kinh phí khi điều trị cho gia đình.

“Có một số trường hợp, dù các bác sĩ nội tiết đã hướng dẫn và tư vấn không cần thiết phải tiêm hormone ức chế dậy thì, nhưng gia đình vẫn tự ý ra ngoài tiêm thuốc ức chế dậy thì với hy vọng sau này chiều cao của con sẽ tăng lên. Việc dùng hormone ức chế dậy thì không đúng chỉ định sẽ khiến trẻ không có được quá trình dậy thì bình thường, ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý của trẻ”, BS. Thảo cho biết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vũ Anh (Báo Giao Thông)
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN