Có nên đeo bao tay cho trẻ sau vụ bé sơ sinh phải tháo bỏ 2 đốt tay hoại tử?
Sợi chỉ len trong găng quấn vào ngón tay trỏ của bé, khi mẹ tháo găng thì mới phát hiện ngón tay đã hoại tử, tím đen từ khi nào...
"Bé đã được nhập viện điều trị ngay. Nhưng thật đau lòng, cuối cùng chúng tôi vẫn không cứu được mà phải phẫu thuật tháo bỏ 2 đốt ngón tay của bé" - BS. Đào Nguyễn Phương Linh, Bệnh viện Nhi đồng TP HCM chia sẻ.
Hair tourniquet là hiện tượng sợi tóc hoặc sợi chỉ (có trong găng tay trẻ) quấn quanh ngón tay, ngón chân của trẻ sơ sinh, có xu hướng thắt chặt hơn khi bé cử động và cản trở sự lưu thông máu.
Việc đeo bao tay cho trẻ sơ sinh theo các bác sĩ là không cần thiết
Các sự cố tương tự như vậy có thể xảy ra trong giấc ngủ của bé. Thủ phạm đứng sau là những sợi vải thừa ở viền chăn.
BS Nguyễn Cát Phương Vũ, Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng TP HCM cũng cho biết, "hair tourniquet" thường gây khó chịu hoặc thậm chí đau đớn cho bé. Khiến bé có thể khóc rất nhiều. Do đó, nếu thấy con có biểu hiện khác thường, người lớn nên xem xét các kẽ ngón tay, chân của bé để loại trừ trường hợp chỉ quấn quanh tay, chân con.
Nếu không phát hiện sớm, tình trạng này rất nguy hiểm. Hair tourniquet làm máu không lưu thông đến vùng bị quấn chặt. Do đó, trẻ sơ sinh có nguy cơ bị thương hoặc hoại tử phần cơ thể bị ảnh hưởng.
Có nên cho trẻ sơ sinh đeo bao tay, bao chân?
Rất nhiều gia đình Việt Nam có thói quen đeo găng tay, chân (bao tay) cho trẻ sơ sinh tới lúc trẻ đầy tháng, thậm chí hơn. Lý do được đưa ra là sợ bé lạnh tay chân, sợ bé cào trầy xước mặt.
Trong khi đó, theo BS Phương Linh, nhiệt độ phòng tốt nhất đối với trẻ sơ sinh đủ tháng là 28-30 độ C và non tháng là 30-32 độ C. Vậy ít khi nào chúng ta cần ủ ấm cho bé.
Thêm vào đó, dù dài, móng tay của em bé mới sinh rất mềm mại. Nếu bé có cào lên mặt thì cũng chỉ làm xước da, chứ không thể gây sẹo.
Tế bào da có cùng nguồn gốc với tế bào não. Các kích thích bên ngoài đến được và giúp phát triển não bộ là qua làn da của con người. Trẻ sơ sinh phát triển, học hỏi thông qua các giác quan, trong đó có xúc giác. Chạm vào mọi thứ, sờ nắn là cách tay bé cảm nhận khám phá thế giới, phát triển não bộ và có thể coi là cách hiệu quả nhất thời kì đầu đời.
Theo các bác sĩ, việc đeo bao tay đã đóng lại một trong số các cánh cửa khám phá thế giới, phát triển não bộ của trẻ.
Những lần đầu tiên, bé có thể sẽ cào vào mặt mình, làm xước da nhưng những vết thương đó sẽ không nghiêm trọng. Bé sẽ dần hiểu ra rằng, cào vào mặt sẽ khiến mình đau và dừng hành động đó. Thực tế là hầu hết các em bé không đeo bao tay chỉ cào mặt mình một vài lần và sau đó sẽ không cào nữa.
Với bao chân, bố mẹ cũng chỉ nên dùng cho con vào ngày lạnh, khi nằm phòng điều hòa còn bình thường để chân trần cho bé thoải mái quẫy đạp, va chạm. Những ngày hè không nằm điều hòa thì không nên đeo bao chân cho bé.
Để đề phòng hiện tượng hair tourniquet, bạn nên: * Buộc tóc gọn gàng * Chải đầu thường xuyên, nhặt những sợi tóc rụng cho vào thùng rác * Kiểm tra kỹ bao tay, bao chân của con xem có chỉ thừa không hoặc bạn có thể lộn trái rồi mới bao vào tay, chân cho con * Kiểm tra đều đặn các ngón tay, ngón chân của trẻ nhỏ để có thể sớm phát hiện khi có bất thường xảy ra. |
Uốn ván là một bệnh nhiễm trùng cấp tính do vi khuẩn gây ra, độc tố của vi khuẩn này là Clostridium tetani có tỷ lệ tử...