Cô gái 29 tuổi hóa bà lão 70 là nạn nhân của corticoid
Nhìn khuôn mặt sần sùi, dị dạng, chảy xệ như bà lão 70 tuổi, không ai nghĩ rằng đây chỉ là một cô gái mới 29 tuổi vốn dĩ khá xinh đẹp và tràn đầy sức sống.
Thạch Thị Tha Ri chia sẻ câu chuyện của mình trong buổi hội thảo chiều 14/9
Biến dạng chỉ sau 4 tuýp thuốc
Trong hội thảo “Corticoid và những tác hại đối với sức khỏe, sắc đẹp phụ nữ” diễn ra vào chiều 14.9 do báo Khoa học và Đời sống tổ chức, Thạch Thị Tha Ri (29 tuổi, ngụ tại huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) đã chia sẻ câu chuyện của mình.
Cô cho biết, vào đầu năm 2015, khi đang mang thai đứa con thứ 2 được 4 tháng thì cô thấy ngứa vùng mặt và vài chỗ trên cơ thể mọc các mụn li ti. Thấy các triệu chứng ngứa ngày một nhiều, Tha Ri ra tiệm thuốc tây gần nhà thì được bán cho một loại thuốc bôi có giá khoảng 14.000đ để bôi cho hết ngứa. Cô đã bôi khoảng 4 tuýp thuốc trong 3 tháng liên tục. Thời gian đầu, gương mặt Tha Ri hết mẩn ngứa và có phần láng mịn, nhưng sau đó, khuôn mặt cô ngày càng bị dày cứng, lục cục, biến dạng, trông già nua như bà lão 70.
Mặc cảm trước khuôn mặt biến dạng của mình, Tha Ri trốn trong nhà không dám gặp ai, thậm chí chồng cô mặc dù rất thương vợ nhưng cũng phải la lên: “Trời ơi, nhìn bà tôi sợ quá”. Tha Ri không biết vì sao mặt mình biến dạng, chỉ nghĩ rằng do mang thai nên da bị lão hóa và chỉ cần sinh con xong là khuôn mặt sẽ trở về như cũ.
Cho đến tháng 6.2015, khi Tha Ri chuyển dạ sinh con, bác sĩ đỡ sinh mới phát hiện sự bất thường trên gương mặt của Tha Ri. Bà đã nhờ đến báo chí và một số bác sĩ da liễu can thiệp, giúp đỡ cho trường hợp của cô gái tội nghiệp.
BS Nguyễn Phúc Cẩm Anh (nguyên giảng viên Đại học Y dược TPHCM) trực tiếp điều trị cho Tha Ri cho biết, qua quá trình thăm khám, soi da và dùng các phương pháp thử, Tha Ri bị chứng lão hóa do hậu quả của việc lạm dụng thuốc bôi có chứa corticoid.
Tha Ri khi chưa dùng thuốc
Corticoid nguy hiểm như “ma túy”
Theo BS Nguyễn Phúc Cẩm Anh, corticoid là một chất chống viêm mạnh, có tác dụng chống dị ứng, chữa viêm các loại… được dùng dạng uống, tiêm mạch, tiêm bắp và chích tại chỗ, bôi da tại chỗ. Corticoid bôi da có đặc điểm tác dụng chống viêm, chống dị ứng rất mạnh, làm da mọng và trắng do tác dụng giữ nước. Những tác dụng trên làm cho người dùng làm đẹp rất thích và nhầm tưởng là sản phẩm tốt.
Corticoid là chất độc bảng B theo phân loại của Bộ Y tế, nếu dùng lâu dài thường gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm như giảm khả năng miễn dịch, gây nhiễm trùng cơ thể hay từng vùng nếu bôi da, rối loạn hoạt động nội tiết và các biến chứng như tiểu đường, hội chứng Cushing (mặt, cơ thể mập mạp nhưng tay chân rất gầy yếu), cao huyết áp, đặc biệt là hội chứng nghiện corticoid.
Theo BS Cẩm Anh, corticoid nguy hiểm như “ma túy” vì nó vừa là thuốc chống viêm mạnh hiệu quả nhanh nhưng chỉ điều trị triệu chứng, không điều trị nguyên nhân viêm; gây lệ thuộc thuốc và hiệu ứng phản hồi, do vậy khi dừng thuốc thì vấn đề da trở lại còn nặng hơn trước nhiều.
Ngoài ra, corticoid còn làm yếu hệ thống bảo vệ của da nên dễ bị nhiễm trùng da lan rộng; làm giảm đến mất khả năng sinh sản của tế bào da, gây tình trạng teo, da mỏng, chảy nhão. Làn da mỏng dễ bị tàn phá bởi yếu tố có hại từ bên ngoài như nắng, gió, bụi, ô nhiễm.
Corticoid còn gây hiệu ứng phản hồi khi ngưng thuốc, mụn nổi lên kịch phát, viêm da kích ứng, da tiết nhờn nhiều hơn trước; gây nám da lan rộng, gây giãn mạch làm da hay bị đỏ và nóng rát, da già cỗi sần sùi khi ngừng bôi vì thế, người dùng bị lệ thuộc vào corticoid và việc cai corticoid cũng khó như cai ma túy.
Gương mặt biến dạng của Thạch Thị Tha Ri sau 3 tháng sử dụng thuốc bôi có chứa corticoid
BS Cẩm Anh cho biết, thực tế, hiện nay, rất nhiều người có thói quen tự mua thuốc điều trị khi bị dị ứng, chàm. Ngoài ra, các loại mỹ phẩm làm trắng, đẹp nhanh hay các loại kem tự chế để trị nám, trị mụn nhanh… cũng được nhiều người chọn dùng. Hầu hết các loại mỹ phẩm này đều có chứa corticoid ở các mức độ khác nhau. Các cơ sở y tế, bệnh viện có khoa da liễu đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị biến chứng nặng nề do tự ý dùng thuốc.
Nếu bị biến chứng do corticoid thì hậu quả rất nặng nề, việc điều trị thường kéo dài từ 1-3 tháng. Nhiều trường hợp phải kéo dài từ 6 tháng – 1 năm để “cai nghiện corticoid”. Bên cạnh đó, việc điều trị corticoid đòi hỏi người bệnh phải kiên trì tuân thủ chỉ định của bác sĩ.
Theo BS Cẩm Anh, sử dụng corticoid cần phải có sự chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý mua thuốc dùng, càng không được lạm dụng chất này.
Với riêng trường hợp của Thạch Thị Tha Ri, sau điều trị 3 tháng, tuy kết quả điều trị rất tốt nhưng cô vẫn chưa thể lấy lại hình dạng gương mặt như cũ. BS Cẩm Anh cho biết, cô có thể lấy lại 90-100% hình dạng gương mặt, nhưng phải tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện của bác sĩ.