Có 1 trường hợp đến TP.HCM từ vùng dịch Ebola
Trong hơn 24 giờ triển khai máy đo thân nhiệt và tờ khai y tế mẫu mới dành riêng cho công tác giám sát dịch bệnh Ebola, TP.HCM ghi nhận có 3 hành khách đến từ Châu Phi, trong đó có 1 trường hợp đến từ vùng dịch.
Sáng 12/8, đoàn công tác Sở Y tế TP.HCM đã có buổi kiểm tra các hoạt động giám sát dịch bệnh của Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Triển khai sớm tờ khai y tế tại TP.HCM
Bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Trưởng khoa Xét nghiệm, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế (Sở Y tế TP.HCM) - cho biết, từ 0g ngày 11/8, việc áp dụng tờ khai y tế mẫu mới của Bộ Y tế dành cho công tác giám sát bệnh Ebola đã được tiến hành tại khu vực cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất. Dù phải đến ngày 15/8 tới mới là thời điểm triển khai do bộ chỉ đạo.
Máy đo thân nhiệt từ xa đang quét qua hành khách vừa xuống máy bay tại khu vực cửa khẩu Tân Sơn Nhất. Ảnh: Đ.Anh
Theo bác sĩ Tâm, ngoài 2 máy đo thân nhiệt từ xa được đặt tại 2 cửa tiếp nhận hành khách, quy trình giám sát còn có lực lượng công an cửa khẩu hỗ trợ phân luồng. Khi làm thủ tục nhập cảnh cho khách, nếu phát hiện hành khách nào đó trong vòng 21 ngày vừa qua có đến, đi từ 1 trong 4 nước vùng dịch gồm Guinea, Liberia, Sierra Leone và Nigeria, lập tức hành khách đó được yêu cầu đến khu vực kiểm tra y tế.
Tại đây, hành khách sẽ phải điền vào tờ khai y tế theo mẫu của Bộ Y tế và được kiểm tra y tế. Sau đó, nếu không có vấn đề gì, hành khách mới được tiếp tục làm thủ tục nhập cảnh thông thường.
Nếu phát hiện có dấu hiệu nghi ngờ, hành khách sẽ được đưa ngay vào khu vực cách ly tại sân bay. Tại cửa khẩu Tân Sơn Nhất hiện đã có 2 khu cách ly, 1 tại khu vực kiểm tra y tế và 1 ngay cửa xuống máy bay.
“Sau khi cách ly, chúng tôi tiến hành các biện pháp kiểm tra theo các tiêu chuẩn của Bộ Y tế để xem có phải là một ca đáng nghi ngờ Ebola không. Nếu đúng nghi ngờ Ebola, sẽ tiến hành cách ly triệt để. Sau đó, chuyển về Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới để khám, điều trị”, ông Tâm nói.
Qua giám sát từ đêm 11.8 đến nay, đã có 3 hành khách đến từ Châu Phi, trong đó 2 người từ Angola và 1 người từ Nigeria - quốc gia đang bị dịch Ebola hoành hành. Bác sĩ Tâm cho biết đã kiểm tra khá kỹ hành khách đến từ Nigeria và không phát hiện bất cứ dấu hiệu nghi ngờ nào liên quan đến Ebola.
Khách từ vùng dịch đến thành phố không nhiều
Theo Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế, hiện không có chuyến bay thẳng từ Châu Phi sang TP.HCM. Thông thường các chuyến bay từ lục địa đen phải quá cảnh tại Trung Đông. Như vậy, các hành khách quá cảnh hay đến từ Trung Đông, đều phải thực hiện 2 tờ khai y tế tại khu vực cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất.
Một tờ khai giám sát hội chứng viêm đường hô hấp cấp xuất phát từ vùng Trung Đông (MERS-CoV, tờ khai có màu trắng) đã triển khai từ đầu năm và tờ khai giám sát Ebola (màu vàng) mới đây. Qua giám sát hội chứng MERS-CoV, ghi nhận mỗi ngày có trung bình khoảng 750 người đến TP.HCM từ Trung Đông. Khu vực 4 nước Tây Phi đang có dịch chỉ ghi nhận vài người…
Kiểm dịch viên y tế thuộc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TP.HCM chia 3 ca trực 24/24h giám sát Ebola tại cửa khẩu Tân Sơn Nhất với 5 người/kíp trực. Ảnh: Đ.Anh
Sau khi kiểm tra, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM đánh giá, các hoạt động giám sát tại cửa khẩu Tân Sơn Nhất đang dừng lại ở “tình huống 1”, tức chưa có ca bệnh xuất hiện tại Việt Nam. Do đó, nhiệm vụ trọng tâm hiện nay của ngành y tế là tập trung giám sát để phát hiện một cách sớm nhất có thể các ca nghi ngờ và có biện pháp cách ly cũng như các biện pháp tiếp theo phù hợp.
“Chúng ta đang triển khai 2 máy đo thân nhiệt từ xa và qua kiểm tra cho thấy 2 máy hoạt động tốt. Hiện số lượng du khách và người Việt học tập, làm việc ở 4 quốc gia có dịch đến thành phố chúng ta không nhiều. Hôm qua đến giờ chỉ có 1 hành khách. Sáng nay (12.8) cũng không có trường hợp nào. Tuy nhiên, chúng ta không chủ quan. Theo đánh giá của chúng tôi, các biện pháp hiện nay đã tương đối có thể đáp ứng được yêu cầu giám sát chặt chẽ, phát hiện được sớm khi có ca bệnh, ca nghi ngờ”, ông Hưng cho biết.
Về các trường hợp có thể chưa thể phát hiện được bằng máy đo thân nhiệt, chẳng hạn như bệnh nhân đang trong thời kỳ ủ bệnh, không có triệu chứng, chưa sốt, ông Hưng cho rằng chỉ còn cách phải cứ đến tận khu dân cư. Muốn giám sát tốt, phát hiện sớm các trường hợp này, phải tăng cường công tác truyền thông.
Ngành y tế đã có tài liệu truyền thông gửi về cho các quận huyện để thông tin cho người dân biết diễn biến, biểu hiện, đường lây truyền như từ người bệnh sang người lành qua máu, dịch tiết, cách phòng chống bệnh Ebola. Ngoài ra, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế cũng đã có tài liệu gửi cho các đại lý vé máy bay cũng như các cửa khẩu khác của thành phố nhằm khuyến cáo hành khách chuẩn bị đi đến những nước có dịch hoặc người xuất phát từ khu vực có dịch về Việt Nam, để họ có được thông tin cần thiết liên quan đến bệnh Ebola.