Chuyện y bác sĩ tình nguyện dấn thân trong mùa dịch Covid-19: Sáng ngời y đức
Những vấn đề như y đức xuống cấp, sự cố y khoa hay "chuyện phong bì" thì người ta luôn nhắc đến mà thường quên những gì các bác sỹ đã làm, nhất là trong mùa dịch.
Cộng đồng tưởng nhớ bác sĩ Trung Quốc Lý Văn Lượng tử vong do lây virus Corona lúc chăm sóc người bệnh.
Những ngày này, khắp nơi tràn ngập thông tin về dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (Covid-19) với những số liệu cập nhật ca tử vong và ca mắc bệnh tăng từng ngày. Trong số những ca tử vong có cả nhân viên y tế, bị nhiễm virus trong lúc chăm sóc cho người bệnh.
Phó Giáo sư Phạm Duệ - nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ trước những tin tức về dịch Covid-19, đối với những bác sĩ đã trải qua mùa dịch SARS cách đây 17 năm, những ký ức về dịch SARS lại ùa về.
Ở Việt Nam, dịch SARS xảy ra đầu tiên ở Bệnh viện Việt Pháp, nhờ thế Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sớm nhận diện bệnh và khoanh vùng, giảm bớt sự lây lan trong cộng đồng.
Việt Nam đã chiến thắng dịch SARS và được cả thế giới công nhận là nước đầu tiên khống chế thành công dịch SARS. Sau này, các chuyên gia của Nhật Bản còn sang Việt Nam tìm hiểu kinh nghiệm. Tuy vậy, dịch SARS cũng lấy đi của ngành y 4 nhân viên y tế của Bệnh viện Việt-Pháp, một chuyên gia của WHO tham gia chẩn đoán cho bệnh nhân đầu tiên nhiễm SARS tại Bệnh viện Việt-Pháp.
Phó Giáo sư Phạm Duệ cho biết lúc đó, Bệnh viện Bạch Mai thực hiện khoanh vùng cách ly sớm, không nhận bệnh nhân từ Bệnh viện Việt Pháp sang mà cử nhân viên của bệnh viện sang tăng cường, góp ý, tham gia điều trị tại Bệnh viện Việt Pháp.
Đồng thời, Bệnh viện Bạch Mai chuẩn bị khu cách ly để tiếp nhận các bệnh nhân người Việt lây nhiễm từ bệnh nhân đầu tiên đến từ Hồng Kông, lên sẵn phương án điều trị với các nguyên tắc: khoanh vùng cách ly, điều trị bệnh, giảm lượng virus trong không khí, hạn chế mở nội khí quản, chống nhiễm khuẩn bệnh viện.
Nhờ đó, tất cả các bệnh nhân nhiễm SARS vào Viện Các bệnh nhiệt đới (lúc đó còn trực thuộc Bệnh viện Bạch Mai) đều khỏi bệnh, các nhân viên y tế không ai bị lây bệnh.
Hai bác sĩ và hai y tá Việt Nam tử vong trong trận chiến với SARS năm đó không được công nhận liệt sĩ, thân nhân của họ cũng không được hưởng chế độ gì đặc biệt và việc chiến thắng dịch SARS nhanh chóng bị lãng quên. Thế nhưng, theo Phó Giáo sư Phạm Duệ, khi có sự cố y khoa gì đó, ngay lập tức người ta đặt vấn đề "y đức xuống cấp", thậm chí đay đi đay lại như mũi dao cứa vào tim những người làm ngành y.
Tuy nhiên, theo Phó Giáo sư Phạm Duệ, đó là cái nhìn một phía. Ông khẳng định y đức Việt Nam chưa bao giờ xuống cấp mà luôn luôn sáng ngời. Một số cá nhân, một vài hiện tượng tiêu cực đều bị đổ cho cái gọi là y đức xuống cấp, kể cả thiếu giường, thiếu thuốc, người ta cũng đổ lỗi cho nhân viên y tế.
Nhìn vào nỗ lực phòng dịch Covid-19 tại Việt Nam, Phó Giáo sư Duệ cho rằng cứ đến mùa dịch thì y đức Việt Nam lại thăng hoa, các bác sỹ lại bỏ qua những lời gièm pha để làm tốt nhất nhiệm vụ của mình.
Tiến sỹ Dương Đức Hùng - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai bộc bạch từ trước tới nay, người ta chỉ quan tâm tới mặt trái. Những vấn đề y đức xuống cấp, sự cố y khoa hay "chuyện phong bì" thì người ta luôn nhắc đến mà thường quên những gì ngành y đã làm.
Theo Tiến sỹ Hùng, để phòng chống dịch Covid-19, Bệnh viện Bạch Mai đã xây dựng đủ kịch bản có thể xảy ra. Kịch bản khi dịch ở nước bạn, dịch ở cộng đồng, thậm chí kịch bản điều trị khi dịch xảy ra ở chính Bệnh viện Bạch Mai.
Bệnh viện Bạch Mai đưa thông báo không bắt buộc nhân viên y tế lao vào tâm dịch mà tình nguyện đăng ký. Điều bất ngờ, danh sách đăng ký vào vùng dịch ngày càng dài hơn. Nhìn danh sách tình nguyện đó, ai cũng thấy ấm lòng.
Tiến sỹ Hùng cho biết các bác sĩ chọn hi sinh bởi đó là trách nhiệm với cộng đồng. Khi bước vào cổng trường y, ai cũng hiểu sứ mệnh của mình như thế nào. Họ sẵn sàng bỏ lại gia đình phía sau để dấn thân, tất cả vì bệnh nhân.
Có những bệnh nhân vào viện trong tình trạng sống chết trong gang tấc, bác sĩ sẵn sàng lao ra cứu họ mà trên người không hề có phương tiện bảo hộ nào. Khi cứu người bệnh, không ai nghĩ cứu để được khen thưởng, được cảm ơn, mà đó là sự hi sinh. Có thể bác sĩ biết rõ họ có thể lây nhiễm bệnh, mang bệnh về cho gia đình nhưng họ luôn làm hết mình vì trách nhiệm với cộng đồng.
Chỉ cần có biểu hiện mệt mỏi, đau người, những người ở Sơn Lôi đã được đưa đi cách ly như một ca nghi ngờ.
Nguồn: [Link nguồn]