Chuyện về quả tim 4 lần ngừng đập
Thật hiếm gặp trường hợp nào phải chịu bốn lần mổ tim hở trong vòng chưa đầy chín tháng, trong đó lần cuối cùng tim ngưng đập nhiều lần và cuối cùng vẫn vượt qua.
Có thể xem đó là một cuộc tái sinh, vì trong hành trình với kết cục có hậu này, bệnh nhân luôn có những chỗ dựa chắc chắn: những thầy thuốc hết lòng vì bệnh nhân, và đặc biệt là một người mẹ thân yêu.
Chuyện người con
Một ngày cuối tháng 11.2012, gặp Nguyễn Thế Doanh trong bộ trang phục trắng bệnh nhân đi dạo một mình trong sân viện Tim TP.HCM, tôi không nghĩ đó là người đã vật lộn với thần chết nhiều lần trong vài tháng qua. Chỉ vào miếng băng to trước ngực, anh nói với tôi: “Vết mổ đây này, nó còn hơi nhức và chưa khép miệng được dù bác sĩ đã khâu bằng chỉ thép. Nhưng không sao, từ từ nó cũng lành vì bác sĩ nói xương chỗ đó mủn do lồng ngực của em bị cưa đi cưa lại quá nhiều lần”.
Năm nay 28 tuổi, năm 18 tuổi Doanh lặn lội từ Hải Dương vào Sài Gòn sinh sống bằng nghề phụ xe. Tự nhận mình là dân làm nông, “khoẻ như trâu”, chưa lần nào trong đời phải nằm viện, vì thế anh rất bất ngờ khi trong một lần đi khám bệnh, bác sĩ nói anh bị bệnh tim. Không tin, anh đến viện Tim TP.HCM khám, bác sĩ ở đây nói anh hở van động mạch chủ, có lẽ hậu quả của một đợt thấp tim. Ngày 20.2.2012, anh lên bàn mổ, ca mổ diễn ra bình thường, bác sĩ bỏ chiếc van tim bệnh và thay bằng một van tim cơ học.
Nhưng lạ thay, diễn tiến sau đó lại không như mong muốn. Cứ mỗi lần đi đứng, anh luôn có cảm giác mệt, nặng ngực và hụt hơi. Bác sĩ cho kiểm tra nội soi, tối hôm đó bệnh viện thông báo hôm sau anh phải mổ lại. Vừa trải qua một cuộc mổ trước đó vài tuần, nay phải lên bàn mổ lại, Doanh thật sự hoang mang và sợ hãi.
Hai mẹ con anh Nguyễn Thế Doanh tại viện Tim TP.HCM. Ảnh: Thu Vân
Lần mổ thứ hai bác sĩ cũng thay van tim vì chiếc van lần trước xộc xệch muốn rơi ra. Giả thiết đặt ra là màng trong tim bị nhiễm trùng, vì thế van không có điểm tựa chắc chắn để bám vào. Mổ xong, bác sĩ sử dụng những kháng sinh mạnh nhất cho anh trong tám tuần liên tục. Sau lần mổ này, anh có vẻ khá hơn và các bác sĩ cũng tin mọi chuyện đang đi đúng hướng.
Nhưng trớ trêu thay, số phận chưa buông tha Nguyễn Thế Doanh. Vài bữa trước ngày xuất viện như kế hoạch, anh lại làm mệt. Đi kiểm tra, bác sĩ không tin vào mắt mình nữa khi chiếc van vừa thay trước đó lại muốn rơi ra. Doanh nói: “Thú thật, khi nghe bác sĩ nói phải mổ lại lần thứ ba tôi hoàn toàn rụng rời chân tay, chỉ biết buông xuôi”. Lý giải cho thất bại lần này, các bác sĩ cho rằng do hiện tượng viêm màng trong tim chưa được giải quyết triệt để, nên van tim vẫn không bám được. Cuộc mổ diễn ra khó khăn hơn. Thoạt đầu bác sĩ muốn gắn cho anh một chiếc van tim sinh học, nhưng do bất thường ở tim khá nặng, kích cỡ van không phù hợp, nên đành sử dụng van cơ học.
Một trường hợp kỳ lạ
Giữa năm nay, sau bốn tháng trời ròng rã nằm viện với ba lần mổ, Doanh được bác sĩ cho xuất viện, chỉ cần tái khám định kỳ. Tháng sau đó, do quá nhớ nhà, đặc biệt là người vợ sắp sanh, anh quyết định về Bắc thăm gia đình.
Nhưng số phận lại đùa giỡn với anh. Ngày người vợ nhập viện lâm bồn cũng là ngày anh xuất hiện lại những cơn mệt tim. Hai ngày sau, anh tức tốc đáp máy bay vào TP.HCM nhập viện vì triệu chứng ngày một nặng. Ở viện Tim, kết quả siêu âm cho thấy van tim đã bung ra 20%! Sau nhiều ngày theo dõi, sức khoẻ của anh ngày một xấu, tỷ lệ với độ bám dính của chiếc van tim vào thành tim. Bác sĩ chuyển anh vào hồi sức cho thở máy, đồng thời tiến hành hội chẩn. Lần này nguyên nhân nhiễm trùng bị loại trừ, các bác sĩ hướng đến nguyên nhân van tim không tương hợp với cơ thể.
Bác sĩ Nguyễn Minh Trí Viên, một thành viên của nhóm điều trị, giải thích: “Cơ thể đào thải van tim gắn vào là chuyện rất hiếm. Tuy nhiên, từ khi hành nghề đến nay, đây là lần thứ ba tôi ghi nhận chuyện này và cũng là trường hợp duy nhất ở viện Tim từ trước đến nay. Để giải quyết, người ta chỉ còn cách làm phẫu thuật Bentall”.
Phẫu thuật Bentall được áp dụng để thay toàn bộ gốc động mạch chủ, van động mạch chủ và động mạch chủ lên, đồng thời cắm lại động mạch vành. Dù nhiều công đoạn như thế, nhưng một ca mổ thường kéo dài chưa đến năm giờ. Thế nhưng trong trường hợp này, những điều khác thường vẫn luôn đeo đuổi. Bác sĩ Viên nói: “Chỉ nội chuyện mở ngực bệnh nhân chúng tôi đã mất bốn giờ vì lồng ngực được mở ra đóng lại nhiều lần nên các cấu trúc viêm dính rất phức tạp”. Đó là một ca mổ đầy thách thức, tim giãn lớn làm chiếc van tim hai lá hở ra, bệnh nhân gần như bị phù phổi cấp và suốt quá trình mổ trái tim đã ngừng đập nhiều lần, khiến các bác sĩ phải tiến hành sốc điện để làm tim đập trở lại. Ca mổ kéo dài hơn 12 giờ, huy động đến 13 người cho máu, nhưng vẫn đi đến một kết cục tốt đẹp: bệnh nhân được điều trị thành công, lần này là thành công thật sự!
Chuyện người mẹ
Ngày tôi vào tìm Doanh, biết tôi viết báo, một người dặn tôi: “Anh nhớ kể về mẹ Doanh nha. Mẹ già hiền lắm, nuôi con thấy thương, ai chứng kiến cũng muốn rơi nước mắt”. Đúng là một người mẹ hiền. Ngồi trước mặt tôi, nước mắt của bà Trần Thị Hảo, mẹ của Doanh, cứ chực trào ra còn đôi vai gầy thỉnh thoảng run run khi nghe tôi hỏi về những ngày nuôi con bệnh của bà. Bà nói: “Doanh là con trai duy nhất, hai chị em gái lập gia đình và ra riêng. Ông nhà tôi bận làm việc, vợ nó bụng mang dạ chửa, vì thế tôi phải từ quê vào đây chăm con”.
Hành trình 1 tỉ đồng Theo một bác sĩ của viện Tim, tổng chi phí cho bốn lần mổ, thay van, điều trị và nằm viện của Doanh xấp xỉ 1 tỉ đồng. Chia sẻ hoàn cảnh khó khăn của anh, viện Tim đã miễn giảm phần lớn chi phí. Đầu tuần này, anh cho biết sau một tháng xuất viện, sức khoẻ anh đã hoàn toàn ổn định. |
Năm nay 62 tuổi, đây là lần đầu tiên xa nhà dài nhất trong đời bà Hảo, người trước đó quanh năm suốt tháng chỉ biết đến những sào ruộng ít ỏi được hợp tác xã chia cho. Dù luôn tỏ ra cứng cỏi để làm điểm tựa cho con đi qua hành trình chữa bệnh, nhưng bà thú thật đôi lúc cũng quá đuối. Bốn lần con mổ, lần nào bà cũng trải chiếu nằm ngoài hành lang bệnh viện chờ bác sĩ thông báo tin tức, trong đó lần cuối cùng có lẽ là lần chờ đợi lâu nhất trong đời về nghĩa bóng. Ca mổ kéo dài từ tối đến sáng, bà không sao chợp mắt được, thắt ruột thắt gan, chỉ ngong ngóng tin tức con. Hừng sáng, bác sĩ gọi bà vào nói chuyện, bà có cảm giác như con có chuyện chẳng lành. “Khi nghe bác sĩ nói ca mổ đã thành công, tim tôi như vỡ ra, vui không tả xiết”, bà kể.
Thật lạ, ngày Doanh bình phục hoàn toàn, được bác sĩ cho xuất viện cũng tròm trèm chín tháng mười ngày, bằng thời gian một lần mang thai và sanh nở của người phụ nữ. Đó là một cuộc tái sinh, bởi nhân vật chính trong câu chuyện này – bệnh nhân Nguyễn Thế Doanh – có lẽ không trở về bình an nếu không có người mẹ bên cạnh để động viên, người mỗi ngày tồn tại nhờ những suất cơm từ thiện và mỗi tối trải chiếu nằm dưới đất để trông con.
Và cũng có một điểm tựa khác, đó là những nhân viên y tế hết lòng với bệnh nhân. Doanh trần tình: “Dù không phải ruột thịt máu mủ gì với em, nhưng nhân viên y tế ở đây ai cũng tốt. Trong lần mổ cuối, nhiều chị điều dưỡng nói, nếu cần họ sẽ sẵn sàng hiến máu cho em. Em sống được phải mang ơn họ suốt đời”.