Chuyển rét đậm, giao mùa, người dân cần làm gì để sống khỏe và an toàn trước COVID-19?

Sự kiện: Sống khỏe

Thời tiết chuyển mùa Đông - Xuân thuận lợi cho sự phát triển, lây lan dịch bệnh, nhất là trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán 2022 sắp tới… người dân tuyệt đối không được chủ quan.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt một số nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 ở cơ sở vào ngày 22/12, GS.TS Phan Trọng Lân nhận định, đến nay, tình hình dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên số ca mắc cộng đồng và tử vong tiếp tục có xu hướng gia tăng nhanh ở nhiều địa phương.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nguyên nhân chủ yếu do sau khi thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP và Quyết định 4800/QĐ-BYT, các hoạt động xã hội trở lại bình thường; mầm bệnh đã lưu hành trong cộng đồng; biến chủng Delta với tốc độ lây lan nhanh, nguy cơ cao biến thể xâm nhập vào Việt Nam; xuất hiện tâm lý chủ quan, không thực hiện quy định phòng, chống dịch, đặc biệt không đeo khẩu trang nơi công cộng; miễn dịch của những người tiêm vaccine giai đoạn đầu giảm dần theo thời gian, trong khi người mới tiêm cần thời gian sinh miễn dịch…

Trước tình hình đó, Bộ Y tế đã đề nghị tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt giám sát phát hiện sớm, điều trị giảm bệnh nặng, tử vong và đẩy mạnh tốc độ tiêm vaccine do thời tiết chuyển mùa Đông - Xuân thuận lợi cho sự phát triển, lây lan, nhất là trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán 2022 sắp tới…

Người dân không nên lo sợ dịch COVID-19 mà bỏ qua hoặc không đi khám và đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch. Ảnh minh họa

Người dân không nên lo sợ dịch COVID-19 mà bỏ qua hoặc không đi khám và đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch. Ảnh minh họa

Trước đó, trao đổi với PV KH&ĐS, GS.TSKH Phùng Đắc Cam, chuyên gia đầu ngành vi sinh lâm sàng Việt Nam, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết, nguy cơ bùng phát các dịch bệnh mùa đông xuân rất lớn khi chúng ta quá chú trọng và lo sợ bệnh Covid-19 mà bỏ qua phòng các bệnh nguy hiểm khác.

Thời tiết mùa Đông Xuân là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus gây bệnh phát triển, làm tăng nguy cơ gây bệnh, lây lan trong cộng đồng và bùng phát bệnh truyền nhiễm.

Các bệnh thường gặp trong giai đoạn này là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa như bệnh tay chân miệng, sởi, rubella, ho gà, não mô cầu, thủy đậu, các bệnh cúm, tiêu chảy, liên cầu lợn... Vì vậy, chúng ta cần phải đẩy mạnh các phương pháp phòng tránh bệnh mùa đông xuân trước khi có nguy cơ trở thành đại dịch.

Chúng ta vẫn chưa quên dịch bệnh bạch hầu mới xảy ra năm 2020 ở Tây Nguyên với 191 người mắc bệnh và 5 người tử vong. Chưa kể đến dịch cúm, dịch tiêu chảy do Rota virus, dịch ho gà, viêm não... năm nào cũng chiếm số lượng lớn các giường bệnh tại các viện nhi, khoa nhi trên cả nước, với nhiều biến chứng nguy hiểm và tỷ lệ tử vong cao.

Nguy hiểm hơn, 2 năm trở lại đây do lo sợ dịch Covid-19 nên nhiều gia đình bỏ qua hoặc không đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch. Đây sẽ là mối nguy rất lớn để "dịch chồng dịch" trong mùa đông xuân năm nay.

Vaccine là biện pháp hữu hiện nhất để phòng chống dịch. Vì vậy, các bà mẹ cần lưu ý đưa con tiêm chủng đầy đủ các vaccine phòng bệnh theo đúng lịch.

Tiêm phòng là biện pháp hữu hiện nhất để phòng chống dịch. Ảnh minh họa

Tiêm phòng là biện pháp hữu hiện nhất để phòng chống dịch. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, với đặc điểm khí hậu mùa đông xuân, chúng ta cần chú ý đến tình trạng vệ sinh cá nhân, dinh dưỡng và đảm bảo sức khỏe cho con mình. Khi có bệnh thì cần đi khám, không tự mua thuốc điều trị, dùng lại đơn thuốc cũ, nhất là đối tượng trẻ em, diễn biến bệnh rất nhanh, dễ xảy ra biến chứng nguy hiểm.

Khi bị ốm, cần chủ động theo dõi và nhận diện những dấu hiệu bất thường của cơ thể. Và nên chủ động đi khám chữa kịp thời, đừng vì lo lắng dịch bệnh Covid-19 mà bỏ qua "thời điểm vàng" chẩn đoán xác định bệnh.

Cách phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân hiệu quả

Để chủ động phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân, người dân cần chủ động:

- Thực hiện nghiêm Khuyến cáo 5K của Bộ Y tế: Khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ và khai báo y tế.

- Tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch (đối với các bệnh có vaccine phòng bệnh như sởi, rubella, ho gà, não mô cầu, thủy đậu, cúm…).

- Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu.

- Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp như sởi, rubella, ho gà, não mô cầu, thủy đậu, cúm…, nếu cần thiết phải tiếp xúc nên đeo khẩu trang.

- Đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín, uống chín, ăn uống đủ chất, đủ dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng. Ăn cân đối các nhóm dưỡng chất như tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.

- Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày. Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh gia đình, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.

- Khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh truyền nhiễm cần thông báo ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Nguồn: [Link nguồn]

Việt Nam chuẩn bị tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi

Sau khi có hướng dẫn của Bộ Y tế, các tỉnh, thành phố sẽ triển khai tiêm cho đối tượng từ 5-11 tuổi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo M.A ([Tên nguồn])
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN