Chuyện khó nói ở phòng khám nam khoa
Ở phòng khám đa khoa có không ít bí mật, ở các Trung tâm Nam học lại còn nhiều bí mật hơn. Dù phái mạnh chiếm một nửa dân số thế giới và có tiếng là trụ cột nhưng bệnh tật chả chừa cánh đàn ông – những người âm thầm sống chung với những nỗi niềm "bệnh không biết tỏ cùng ai”.
Trăm điều khó nói
Căn phòng nhỏ chỉ chừng 10m2 nằm khiêm nhường tại môt góc của BV Việt Đức (Hà Nội) với 4 bác sỹ làm việc nhưng là nơi khám, chữa bệnh cho "một nửa thế giới”.
Bác sĩ Hoài Bắc khám bệnh cho một bệnh nhân nam
Chúng tôi có mặt tại Trung tâm Nam học của BV Việt Đức một ngày đầu tuần. Cũng cùng chung cảnh quá tải như các khoa, phòng khác, Trung tâm Nam học nườm nượp người ra, kẻ vào. Tuy nhiên, nếu để ý sẽ thấy những bệnh nhân có mặt tại phòng khám này "phục sức” khá khác thường. Quá nửa số bệnh nhân sử dụng khẩu trang vì muốn "giấu mặt” hơn vì giữ vệ sinh hô hấp. Thậm chí để chắc chắn không ai quen nhận ra, trong khi chờ bác sỹ gọi tên, một số anh em đội luôn mũ bảo hiểm cho "chắc ăn”.
Sau một chút vận động hành lang, một bệnh nhân xấp xỉ 50 tuổi (giấu tên) đồng ý nói chuyện với chúng tôi. Anh bảo, đến khám là vì nửa năm trước đi công tác ở Đồ Sơn. Sau một hồi nhậu say bí tỉ, tỉnh dậy mới tá hỏa nhận ra người nằm cạnh chả phải "cơm nguội” nhà mình. Từ đó trở đi anh mắc chứng đau lưng, lại đau tinh hoàn. Anh đã mua thuốc để... tự chữa bệnh lây qua đường tình dục, nhưng mãi không đỡ. Sợ vợ phát hiện, sợ bệnh nặng hơn khi vừa đau vừa ngứa ở vùng nhạy cảm, quá nhiều nỗi lo khiến anh mấy tháng nay "không làm ăn được gì”.
Về bệnh tình của đa số bệnh nhân đến Trung tâm Nam học này, Th.S, BS Nguyễn Hoài Bắc bảo: mỗi người một bệnh nhưng đa số bệnh nhân đến khám nam khoa lần đầu nhất định không chịu cởi đồ ra, hoặc luôn miệng yêu cầu "đóng cửa” chỉ vì sợ... "có ai nhìn thấy, xấu hổ...”. Có người bước qua tuổi 20 từ lâu nhưng vẫn "mày râu vẫn nhẵn nhụi” nên nhờ các bác sỹ cho một liều thuốc mọc râu. Người thì đã cưới vợ được cả năm nay nhưng "không làm ăn được gì”. Khó đủ đường khó và nói chung, khó nói.
"Khoảng trống” sức khỏe sinh sản nam
Bác sĩ Bắc cho rằng, trong vấn đề sức khỏe sinh sản (SKSS) chúng ta đang trống một mảng lớn, đó là chăm lo SKSS nam giới. Chẳng hạn, trong khi tỉ lệ nam - nữ bị vô sinh tương đương nhau, tỉ lệ nam giới nhiễm HIV, nam giới bị bệnh lây truyền qua đường tình dục luôn cao hơn nữ giới…, nhưng dường như chúng ta mới chỉ quan tâm đến chị em mà thôi.
Có rất nhiều lý do khiến mảng nam học chưa được quan tâm. Trước hết do tâm lý của người bệnh. Có lẽ vì nghĩ mình "phái mạnh” nên cách xử lý với bệnh tật của nam khác hơn so với nữ. Nếu chị em thấy "khó ở” tại một số bộ phận trong cơ thể, họ không ngại ngùng mà đi khám phụ khoa ngay. Trong khi đó nam giới do tâm lý ngại tìm đến cơ sở chữa những bệnh chỉ mình mình biết, nhiều người đã khiến bệnh tật trở nên khó chữa hơn. Đó là chưa kể do mặc cảm với gia đình và bạn bè, không ít nam giới tự tìm những nhà thuốc đông y hay các phòng khám tư không đảm bảo chất lượng. Nghiêm trọng hơn khi can thiệp bằng phẫu thuật không đúng cách gây viêm nhiễm, biến chứng…
Một lý do khác đáng quan tâm không kém, Giám đốc Trung tâm Nam học BV Việt Đức Nguyễn Phương Hồng cho hay: đó là tìm không ra nơi "gửi trọn niềm tin” điều trị bệnh nam. Giờ thì lác đác có một vài tỉnh có phòng khám Nam học. Ngay BV Việt Đức dù rất muốn thành lập khoa Nam học cũng chưa đủ điều kiện. Rất ít phòng khám chuyên khoa cho đàn ông, quá ít bác sỹ chuyên ngành Nam học, trong khi đó bệnh nhân luôn đến khám trong tình trạng không thể giấu hơn được nữa… Đó là những nguy cơ khiến sức khỏe của cánh mày râu giảm sút đáng kể, đặc biệt là SKSS.