Chuyên gia nói về nguy cơ lây lan virus của ca tái nhiễm SARS-CoV-2 tại Hà Nội

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Ngày 7/9, Hà Nội có thêm ca mắc COVID-19 là ông N.T.P, 53 tuổi, ở phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy. Đáng chú ý người đàn ông này từng mắc COVID-19 ngày 8/11/2020 tại Nga. Vậy khả năng lây nhiễm sang người khác của bệnh nhân này ở mức nào là điều nhiều người băn khoăn.

Chuyên gia nói về nguy cơ lây lan virus của ca tái nhiễm SARS-CoV-2 tại Hà Nội - 1

Điều tra dịch tễ cho thấy ngày 3/9 ông P đi tiêm vắc xin tại số 21 Trung Liệt (quận Đống Đa). Ngày 6/9, ông đưa người nhà đi khám tại Phòng khám đa khoa Medlatec Tây Hồ, được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính. Hiện tại, ông không triệu chứng. Vào trưa 31/8, tại ngõ 102 Nguyễn Đình Hoàn nơi ông P. sinh sống ghi nhận trường hợp mắc COVID-19.

Theo kết quả xét nghiệm mà Sở Y tế Hà Nội công bố sáng nay thì tải lượng virus của ông P. tại thời điểm phát hiện dương tính là rất thấp (Ct value là 36). Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, với tải lượng virus (Ct value) thấp như khi phát hiện dương tính thì nguy cơ lây lan của trường hợp này rất thấp nhưng không thể chắc chắn trước đó, có thời điểm nào tải lượng virus của ông P. cao hay không. Vì thế bác sĩ Cấp cho rằng cơ quan chức năng vẫn phải tiến hành truy vết và xét nghiệm những người tiếp xúc với F0 này trong 10-14 ngày trước đó.

Ông Cấp không loại trừ khả năng sau lần mắc bệnh năm ngoái, cơ thể bệnh nhân P. có sẵn "tế bào nhớ", khả năng đáp ứng của cơ thể với virus mạnh nên tải lượng virus thấp, không có triệu chứng bệnh và ít có khả năng lây lan bệnh.

Tái nhiễm là trạng thái một bệnh nhân đã khỏi hẳn bệnh, sau đó một thời gian nhiễm lại bệnh đó lần thứ 2. Còn tái dương tính là trạng thái một bệnh nhân đang trong quá trình tiến triển của bệnh, đã có những giai đoạn xét nghiệm âm tính, sau đó lại xuất hiện những lần xét nghiệm dương tính sau đó.

Bác sĩ Cấp cho biết: “Trong những trường hợp bệnh nhân có xét nghiệm RT-PCR dương tính với virus SARS-CoV-2 sau khi đã âm tính nhiều lần, thầy thuốc phải chỉ định làm nhiều lần xét nghiệm, phối hợp các xét nghiệm khác như: xét nghiệm kháng nguyên, kháng thể, nuôi cấy virus… tổng hợp cùng các yếu tố lâm sàng và dịch tễ khác để khẳng định bệnh nhân chưa khỏi hoặc xác nhận bệnh nhân đã khỏi bệnh, tái dương tính hay tái nhiễm”.

Theo bác sĩ Cấp, cơ sở chắc chắn nhất để khẳng định một bệnh nhân tái nhiễm virus SARS-CoV-2 là khi bệnh nhân đó từng nhiễm COVID-19 đã đủ tiêu chuẩn xác định khỏi bệnh, một thời gian dài sạch virus. Sau đó, bị nhiễm bệnh lại và nuôi cấy virus có mọc lại (virus hoạt động). Tức là lần nhiễm sau bệnh nhân đó mang virus sống chứ không phải mảnh xác virus tồn lưu từ lần nhiễm trước. "Thực tế, nếu một trường hợp nhiễm lần 2 sau khi khỏi bệnh lần đầu trên 9 tháng thì mặc nhiên coi đó là tái nhiễm", bác sĩ Cấp nói.

Tuy nhiên, có một số trường hợp có thời gian mang virus rất dài tới 174 ngày, nên cơ sở thứ 2 để khẳng định một người có tái nhiễm hay không vẫn phải căn cứ vào nuôi cấy virus, giải trình tự gene, nếu hai lần nhiễm mà mắc hai chủng khác hẳn nhau thì chắc chắn đó là tái nhiễm.

Cũng theo bác sĩ Cấp, một số nghiên cứu khác cũng cho thấy diễn biến bệnh và tỉ lệ diễn biến nặng ở những người tái nhiễm cũng không khác biệt so với người mới nhiễm lần đầu.

“Cơ thể thường sinh ra kháng thể với virus sau khi khỏi bệnh. Nhưng cơ thể có giữ được mức độ kháng thể giúp bảo vệ cơ thể lâu dài hay không theo lại tùy theo từng loại virus và từng cá thể người bệnh”, bác sĩ Cấp cho biết thêm.

Xác định yếu tố nguy cơ tái nhiễm SARS-CoV-2

Một nhóm các nhà khoa học từ Đại học Y khoa Thủ đô và Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc, gần đây đã khám phá các yếu...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Minh ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN