Chuyên gia Nhi khoa nêu những điều kiện để đưa trẻ trở lại trường học
PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, nhấn mạnh đến 4 yếu tố để đưa trẻ trở lại trường học.
Thứ nhất: Tiếp tục bao phủ vắc-xin, đặc biệt vắc-xin cho trẻ em đến tuổi đi học (từ 5 tuổi trở lên); Xây dựng giải pháp phòng ngừa không đặc hiệu thành văn hóa trong cộng đồng, ở gia đình và trong nhà trường; Nêu cao trách nhiệm của gia đình, cha mẹ quan tâm chăm sóc trẻ thường xuyên; Phối hợp giữa ngành Giáo dục và Y tế trong ứng phó linh hoạt với dịch bệnh COVID-19 ở nhà trường.
(Ảnh minh họa- NLĐ).
Thứ hai: Nếu học sinh có các triệu chứng của COVID-19 ở trường, giáo viên hoặc nhân viên nhà trường phải nhanh chóng hành động phối hợp với y tế địa phương. Nếu bạn cùng lớp hoặc giáo viên của con có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19, hãy theo dõi các triệu chứng của con và thực hiện theo các khuyến cáo tự cách ly của y tế địa phương. Trẻ bị hen suyễn, béo phì, tiểu đường và các bệnh nền khác, vẫn có thể đến trường; tuy nhiên còn phụ thuộc vào tình trạng bệnh hiện tại của trẻ, tiêm chủng, các biện pháp an toàn ở trường và tình hình COVID-19 trong cộng đồng nơi sinh sống.
Thứ ba: Với cha mẹ học sinh, PGS.TS Trần Minh Điển lưu ý cần bảo đảm tất cả các thành viên đủ điều kiện trong gia đình đều được tiêm chủng đầy đủ; nắm được các thông tin đầy đủ về quy định ứng phó với COVID-19 cụ thể tại trường học của con em mình; chuẩn bị tâm lý cho các cháu đi học và hướng dẫn dự phòng 5K cẩn thận. Nếu trẻ có bất kỳ dấu hiệu bệnh nào, như sốt, nghẹt mũi, đau họng hoặc ho, không nên cho con đến trường. Nếu con đã tiếp xúc với người nhiễm COVID-19, cần giữ trẻ tại nhà và theo khuyến cáo của y tế địa phương về việc tự cách ly.
Thứ tư: Xây dựng 5K thành “văn hóa phòng ngừa COVID-19” và lan tỏa 5K tới trẻ em, áp dụng 5K vào nhà trường; cùng với đó nhấn mạnh tầm quan trọng của tiêm vắc-xin phòng COVID-19 có thể giúp bảo vệ trẻ em tránh bị mắc COVID-19.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, qua 2 năm thực hiện phòng chống dịch, các hình thức dạy học đã được tổ chức hết sức linh hoạt, đem lại hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, các ý kiến cũng đồng thời nhận định, việc trẻ ở nhà, học online và trên truyền hình ảnh hưởng lớn đến tiếp thu kiến thức, kĩ năng giao tiếp xã hội, tâm sinh lý và đặc biệt sức khỏe tâm thần, thể chất của trẻ.
Bộ Y tế là đầu mối để tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết 128; sau đó ban hành Quyết định 4800/QĐ-BYT hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết 128.
Bộ Y tế đang chuẩn bị Quyết định mới thay thế Quyết định 4800 dưa trên những điều kiện khả quan mà chúng ta đã đạt được; như độ bao phủ vắc-xin 2 mũi trên cả nước đạt gần 100%, trẻ 12 đến dưới 18 tuổi đạt tỷ lệ bao phủ vắc-xin tương tự đạt miễn dịch cộng đồng, đồng thời sẵn sàng chuẩn bị tiếp nhận tổ chức tiêm vaccine cho trẻ 5-11 tuổi…
Cùng với tiền đề là miễn dịch cộng đồng thông qua bao phủ vắc-xin đã đạt được, chúng ta đã có kinh nghiệm quý giá từ hơn 2 năm phòng chống dịch; nhận thức của người dân được nâng lên trong việc tự bảo vệ mình và cộng đồng; sự sẵn sàng của thuốc điều trị; thanh thiếu niên cũng nắm được nguyên lý cơ bản về phòng chống COVID-19…
Đó là tiền đề hết sức cần thiết để tổ chức hoạt động dạy học một cách bình thường trong thời gian tới. Vấn đề là làm sao tạo điều kiện tốt nhất cho các em đến trường an toàn.
Nguồn: [Link nguồn]
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, ông ủng hộ việc mở cửa trường học trở lại bởi chúng ta đã có...