Chuyên gia mách cách cực đơn giản phòng bệnh hô hấp cho trẻ lúc giao mùa
Thời tiết giao mùa là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn, virus phát triển và tấn công trẻ.
Bác sĩ Nguyễn Thành Nam, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong mấy ngày qua, khi thời tiết chuyển lạnh, lượng bệnh nhi đến khám vì các bệnh hô hấp tăng cao. Mỗi ngày, Khoa tiếp nhận từ 400 - 500 bệnh nhân, trong đó, số bệnh nhi đến khám vào buổi tối lên tới khoảng 100 - 150 trẻ.
Trong tổng số bệnh nhi đến khám, quá 60% là các bệnh liên quan đến bệnh đường hô hấp, viêm phổi…Đặc biệt viêm phổi ở trẻ nhỏ diễn biến rất nhanh. Vì thế, với những bệnh nhi ngoại trú, bác sĩ yêu cầu cha mẹ phải theo dõi sát diễn biến của trẻ, nhất là trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi, trẻ sơ sinh diễn biến bệnh cực kỳ nhanh.
Có đến 60% trẻ đến khám và nhập viện liên quan đến bệnh đường hô hấp, viêm phổi.
PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ cách phòng bệnh hiệu quả cho trẻ khi thời tiết giao mùa.
Giữ ấm cho trẻ
TS. Nguyễn Tiến Dũng cho biết, với kiểu thời tiết “đỏng đảnh” như hiện nay, buổi sáng lạnh, nếu trẻ đi học, cha mẹ có thể mặc áo thun, một áo khoác mỏng cho trẻ để đến trường trẻ tự cởi. Với trẻ nhỏ ở trong nhà, nên mặc bộ quần áo thun dài tay là đủ. Cha mẹ có thể thử bằng cách sờ người, chân tay trẻ ấm là đủ. Cửa sổ cũng cần được hé mở để lưu thông không khí.
Lưu ý giấc ngủ, bữa ăn của trẻ
Khi phát hiện trẻ có biểu hiện bất thường như ăn uống, bú kém, bỏ bữa, ăn ít, sốt không rõ ràng, hay nôn trớ, giấc ngủ không ngon thì cha mẹ cần lưu ý có thể bé đang bị bệnh và cần đưa trẻ tới bệnh viện để được thăm khám đầy đủ, điều trị theo lộ trình của bác sỹ, không nên chữa bệnh theo mạng internet để tiền mất, tật mang.
PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ cách phòng bệnh hiệu quả cho trẻ khi thời tiết giao mùa.
Hướng dẫn trẻ giữ vệ sinh, rửa tay thường xuyên
Cha mẹ cần hướng dẫn trẻ rửa tay thường xuyên bằng xà phòng để không lây bệnh sang các thành viên khác. Cha mẹ cần hướng dẫn trẻ lớn có ý thức giữ vệ sinh chung, phòng tránh hiện tượng nhiễm chéo bệnh ngay trong cùng một gia đình.
Không tự ý dùng kháng sinh
Trẻ bị viêm đường hô hấp trong đó có viêm họng thì hầu hết các trường hợp viêm họng không dùng kháng sinh vì 90% là do virus. Dùng kháng sinh rất có hại cho em bé nên chị phải lựa chọn, đợt nào nghi do vi khuẩn thì dùng kháng sinh, đợt nào thấy không phải do vi khuẩn thì không nên dùng.
Không cần vệ sinh mũi nếu không có biểu hiện bệnh
PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng, cho biết, nếu trẻ không có biểu hiện gì về bệnh thì không việc gì phải nhỏ nước muối suốt vì bản thân mũi khi không bị bẩn đã có cơ chế tự làm sạch rồi, không cần tác động thứ gì. Nhưng với trẻ đang bị viêm mũi, dùng nước muối biển để xịt là một biện pháp trợ giúp mũi đẩy sạch vi khuẩn khỏi mũi họng và với trẻ chưa biết xì mũi thì cần dùng hút mũi 2 đầu để hút dịch mũi ra.
Không tự ý dùng khí dung
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng phê phán việc phụ huynh tự đặt khí dung cho con tại nhà bởi đường ống khí dung nếu không được tiệt trùng theo tiêu chuẩn quốc tế (như tại bệnh viện) thì sẽ thực sự là 1 ổ nhiễm khuẩn. Theo đó, cứ khí dung là con sẽ ốm suốt, chưa kể có thể có những bất thường xảy ra như ngay những giây đầu tiên đã có thể gây phản ứng bất thường làm bé ngừng thở ngay.
Tăng cường dinh dưỡng, chăm sóc đúng
Cho trẻ ăn uống dinh dưỡng đầy đủ, gồm cả vi chất. Tăng cường ra quả. Sau nữa cần tiêm chủng phòng bệnh cho đầy đủ, có rất nhiều vắc-xin phòng các bệnh liên quan đến đường hô hấp. …
Người già và trẻ em khi mắc bệnh viêm phổi thường có triệu chứng bệnh âm thầm, phức tạp nhưng thường diễn tiến nhanh...