Chuyên gia lý giải vì sao vắc-xin COVID-19 nhập về Việt Nam được tiêm ngay
“Tại sao vắc-xin ngừa COVID-19 khi nhập về Việt Nam lại bỏ qua bước thử nghiệm độ an toàn? Nếu tiêm ngay có sợ vắc-xin không thích ứng với người dân Việt Nam hay không?”, đây là một câu hỏi thắc mắc của nhiều người.
Tại buổi giao lưu trực tuyến ngày 24/2 do Bộ Y tế tổ chức, trước câu hỏi: Các vắc-xin mới khi nhập về Việt Nam đều phải tiêm thử nghiệm độ an toàn rồi mới tiêm đại trà cho người dân. Tại sao vắc-xin ngừa COVID-19 lại bỏ qua bước này? Nếu tiêm ngay có sợ vắc-xin không thích ứng với người dân Việt Nam hay không?
PGS.TS. Trần Đắc Phu, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc và nguyên liệu làm thuốc - Bộ Y tế, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam đã giải đáp thắc mắc.
Theo đó, lô vắc-xin COVID-19 nhập sáng 24/2 là vắc-xin của hãng dược AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford nghiên cứu và sản xuất, được đưa về Việt Nam là vắc-xin đã được Tổ chức Y tế thế giới tiền thẩm định. Về nguyên tắc, khi nhập vào Việt Nam có thể tiêm ngay được và thực tế vắc-xin này cũng đã được tiêm hàng chục nước trên thế giới.
Để thực hiện phòng, chống dịch khẩn cấp, Việt Nam có thể tiêm ngay cho các đối tượng có nguy cơ cao theo kế hoạch được Bộ Y tế phê duyệt nhưng trong quá trình tiêm cũng đã được Cục Quản lý dược- đơn vị cấp phép; Cục Y tế dự phòng - đơn vị triển khai; Cục Khoa học- Đạo tạo - đơn vị đánh giá lâm sàng phối hợp để theo dõi, giám sát, đánh giá để đảm bảo vắc-xin được triển khai tiêm một cách an toàn và có hiệu quả phòng, chống dịch cho người dân.
Cũng theo PGS.TS. Trần Đắc Phu, theo kế hoạch tiêm vắc-xin của Bộ Y tế hiện nay, danh sách người già là một trong những đối tượng thứ 7 được ưu tiên tiêm vắc-xin nhưng trước hết những người già ở vùng có nguy cơ cao (vùng dịch, TP lớn, nơi tập trung đông người cũng phải ưu tiên tiêm trước đối tượng người già ở nơi không có nguy cơ). Trong thời điểm trước mắt, Việt Nam chưa có đủ vắc-xin, chúng ta sẽ ưu tiêm tiêm vắc-xin cho đối tượng ở vùng nguy cơ trước sao cho hợp lý.
“Tất nhiên, về bản chất các vắc-xin này cũng an toàn, tuy nhiên trước khi tiêm vắc-xin cũng cần phải khám sàng lọc và Bộ Y tế cũng có những tiêu chí loại trừ những trường hợp mà không nên tiêm vắc-xin như người có tiền sử dị ứng với vắc-xin hoặc những những người có bệnh cấp tính mà không thể tiêm vắc-xin được”, chuyên gia cao cấp của Bộ Y tế cho hay.
Ngoài vắc-xin của Astra Zeneca này, Việt Nam có thể đàm phán để có được vắc-xin khác như của hãng Pfizer, Moderna, Sputnik V Nga và vắc-xin của Trung Quốc và Việt Nam cũng đang sản xuất vắc-xin Nano vax, Covivac.... Chúng ta mong muốn có đủ vắc-xin tiêm cho người dân Việt Nam trên cơ sở có nhiều loại vắc-xin khác nhau.
Để phòng bệnh cho một cộng đồng thì cộng đồng đó phải đạt được miễn dịch khoảng 60- 70% dân số trở lên. Như vậy, chúng ta phải có ít nhất 60- 70% dân số được tiêm vắc-xin ngừa COVID-19.
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với Thường trực...
Nguồn: [Link nguồn]