Chuyên gia dinh dưỡng mách cách ăn uống khỏe mạnh mùa sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Chế độ dinh dưỡng chăm sóc đóng vai trò cực kỳ quan trọng bởi lẽ khi sức đề kháng kém thì bệnh sẽ nặng hơn.
Dịch sốt xuất huyết (SXH) đang bùng phát trên cả nước với gần 60.000 người mắc bệnh. Bệnh này không loại trừ đối tượng nào cả. Các biến chứng thường gặp của SXH năm nay là tình trạng suy thận và tổn thương gan.
Điều đáng nói là SXH hiện chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu, do đó chế độ dinh dưỡng chăm sóc đóng vai trò cực kỳ quan trọng bởi lẽ khi sức đề kháng kém thì bệnh sẽ nặng hơn.
Bù nước khi bị sốt xuất huyết là rất quan trọng. Ảnh minh họa
Chia sẻ tại buổi giao lưu trực tiếp về “Ứng phó khẩn cấp với sốt xuất huyết”, ThS.BS. Lê Thị Hải (Nguyên giám độc Trung tâm tư vấn dinh dưỡng – Viện dinh dưỡng quốc gia) cho biết, việc chăm sóc dinh dưỡng có vai trò quan trọng nâng cao sức đề kháng với người bệnh nói chung, người bị SXH nói riêng. Bệnh nhân điều trị tại nhà cần chú ý chế độ dinh dưỡng, quan trọng nhất với người bị SXH cần phải uống nhiều nước. Uống nước rất quan trọng trong điều trị do đặc điểm của bệnh SXH là bệnh nhân sốt cao, dễ gây mất nước. Cách uống là mỗi lần vài ngụm, uống liên tục trong ngày.
Nên uống nước đun sôi để nguội, các loại nước trái cây, nước quả ép (như cam, bưởi, nước chanh, nước dừa) chứa nhiều khoáng chất và vitamin C tăng cường sức đề kháng, giúp thành mạch bền tốt hơn sẽ làm tình trạng bệnh giảm đi. Theo kinh nghiệm, có thể nghiền lá đu đủ, sau đó lọc chắt lấy nước uống cũng có tác dụng tốt cho bệnh nhân SXH. Người bệnh có thể ăn các loại trái cây giàu vitamin C như: dâu tây, ổi, kiwi, đu đủ, cam…
Lượng nước bù cho trẻ cần tính theo cân nặng, đối với cháu bé dưới 10kg thì lượng nước cần trong hàng ngày là 100ml trên một kg cân nặng. Đối với cháu bé trên 10kg thì mỗi cân nặng cộng thêm 50ml nước.
Người bị bệnh thường rất mệt mỏi không muốn ăn nên chế độ ăn cũng cần thay đổi. Kiêng những loại thức ăn nhiều mỡ béo, thực phẩm xào rán, có gia vị chua cay gây khó tiêu. Tuy vậy không nên kiêng khem quá mức, tốt nhất vẫn cần cân đối đầy đủ dinh dưỡng, nhất là thực phẩm cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất, kẽm. Thức ăn cần được chế biến lỏng, nhuyễn, dễ tiêu như cháo, súp…vừa giàu dinh dưỡng lại dễ hấp thu, có thể uống thêm sữa.
Đặc biệt với trẻ em bị SXH, cha mẹ chú ý kiên trì nấu nướng các món ăn thay đổi khẩu vị, nên hỏi trẻ để có món ăn hợp khẩu vị cho trẻ. Sữa với trẻ lúc này là quan trọng, nếu trẻ còn bú mẹ thì nên tiếp tục cho con bú, khi cho ăn uống nên chia nhỏ bữa ăn và nước uống ra, không nên cho ăn dồn dập. Tích cực bổ sung các món ăn giàu chất đạm từ trứng, thịt, sữa… thực phẩm giàu vitamin A, giàu kẽm (thịt bò, gà…). Để tăng sức đề kháng chống lại bệnh SXH, có thể nấu cháo cà rốt, thịt gà, uống nước quả cam, quýt, sinh tố…
SXH là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Bên cạnh việc chú ý đến chế độ dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng, các chuyên gia khuyến cáo, hiện đang là thời điểm gia tăng số ca SXH, người dân khi thấy có biểu hiện sốt cao đột ngột 39-40 độ C thì nên đi test nhanh sàng lọc sớm SXH, tránh để lâu bệnh dễ trở nặng.
Chia sẻ với phóng viên, Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai chỉ ra những sai lầm của người dân khi điều trị sốt xuất...