Chuyên gia dinh dưỡng "bật mí" chuyện ăn uống của bệnh nhân COVID-19 ở Bắc Giang

Sự kiện: Tin tức COVID-19

“Với các bệnh nhân COVID-19 nặng, nếu chỉ điều trị bằng thuốc mà không kết hợp tăng cường dinh dưỡng sẽ dễ dẫn tới tình trạng suy dinh dưỡng, suy kiệt, chậm phục hồi và kéo dài hơn thời gian nằm viện”, ThS.BS Nguyễn Trung Huy, Khoa dinh dưỡng BV Trung ương Huế chia sẻ.

Xin chào ThS.BS Nguyễn Trung Huy! Là bác sĩ dinh dưỡng duy nhất của đoàn BV Trung ương Huế chi viện Bắc Giang lần này, anh có thể chia sẻ cụ thể hơn về công việc được không?

Bác sĩ dinh dưỡng chủ yếu là chăm lo chế độ dinh dưỡng ăn uống cho tất cả bệnh nhân trong bệnh viện, chế độ bệnh lý và đặc biệt là vệ sinh an toàn thực phẩm. Cùng với đó, chúng tôi tư vấn cho bệnh nhân về chế độ ăn bệnh lý, một số vấn đề thực phẩm và vẫn phải nhấn mạnh vệ sinh an toàn thực phẩm.

Xin anh cho biết với riêng các bệnh nhân COVID-19, đặc biệt là những ca bệnh nặng, việc can thiệp dinh dưỡng đầy đủ, đúng lúc đóng vai trò như thế nào?

Với các bệnh nhân COVID-19, nhiều nhóm giải pháp được thực hiện để  giúp điều trị bệnh nhân trong đó dinh dưỡng là biện pháp quan trọng  giúp cho người bệnh phục hồi, nâng cao thể trạng. Như BN91 là điển hình trong kết hợp nhiều biện pháp từ nội khoa, hồi sức tích cực, nhiều chuyên khoa cùng phối hợp, trong đó dinh dưỡng đã đồng hành trong quá trình hồi phục của bệnh nhân này.

Thực tế, nếu bệnh nhân nặng chỉ điều trị bằng thuốc, không kết hợp tăng cường dinh dưỡng sẽ dễ dẫn tới tình trạng suy dinh dưỡng, suy kiệt, chậm phục hồi và kéo dài thời gian nằm viện. Do đó, các bệnh viện phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng lâm sàng giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi của người bệnh.

Do đặc thù của bệnh nhân này liên quan đến phổi nên chế độ khác với các bệnh khác. Chúng tôi luôn tính toán cẩn thận kcal/kg cân nặng bệnh nhân để tính năng lượng cần thiết. Từ đó cung cấp thực phẩm giàu năng lượng, đặc biệt là giàu đạm, các loại khoáng chất, vitamin,...

BS Nguyễn Trung Huy (Khoa dinh dưỡng BV TW Huế) chi viện Bắc Giang

BS Nguyễn Trung Huy (Khoa dinh dưỡng BV TW Huế) chi viện Bắc Giang

Việc thực hành chăm sóc dinh dưỡng (cụ thể là cách ăn uống) với những ca bệnh COVID-19 nặng có thể hình dung như nào, thưa anh?

Các bệnh nhân COVID-19 nặng phải thở máy, lọc máu thì ăn uống thông qua sonde - ống thông dạ dày. Chúng tôi chủ yếu chế biến súp theo chế độ riêng với từng ca bệnh để đảm bảo năng lượng, đảm bảo các yếu tố phục vụ dinh dưỡng.

Những Bác sĩ dinh dưỡng không cần trực tiếp giúp bệnh nhân ăn mà chỉ định hướng vòng ngoài, còn vòng trong sẽ do các điều dưỡng phụ trách giúp bệnh nhân ăn đủ dinh dưỡng. Các điều dưỡng cũng phải đảm bảo quy trình vận chuyển thức ăn tại các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19, đặc biệt là khu vực các ca bệnh nặng.

Các ca bệnh nặng có nhiều cấp độ khác nhau vì thế quá trình sàng lọc bệnh nhân để đưa ra chế độ dinh dưỡng phù hợp cũng rất quan trọng. Như thế, việc bác sĩ dinh dưỡng tiếp xúc vòng ngoài liệu có trở ngại gì không ạ?

Việc sàng lọc bệnh nhân chủ yếu do bác sĩ điều trị theo dõi, đánh giá. Bác sĩ dinh dưỡng sẽ căn cứ từ những đánh giá đó, cộng với việc theo dõi trực tiếp qua hệ thống camera, cũng như trao đổi qua bộ đàm để kết luận lại bệnh nhân và từ đó xác định tình trạng dinh dưỡng và đưa ra nhu cầu năng lượng cho bệnh nhân. Nói chung chúng tôi không gặp bất lợi gì.

Đội ngũ y, bác sĩ BV Trung ương Huế được giao tham gia điều trị các ca bệnh nặng ở Trung tâm hồi sức tích cực tại BV Tâm thần Bắc Giang. Cơ sở này mới đi vào hoạt động 4 ngày, chắc vẫn còn gặp những vướng mắc, khó khăn?

Thực sự thì chúng tôi không gặp khó khăn gì trong vấn đề phối hợp với các đơn vị chi viện khác đang hỗ trợ tại đây như BV Hữu Nghị, BV Đà Nẵng... Hiện tại cơ sở đã cơ bản đi vào nề nếp, ổn định.

Tuy nhiên, cái khó của bộ phận dinh dưỡng là vấn đề nhân lực. Thực tế là Khoa dinh dưỡng của Bệnh viện Tâm thần Bắc Giang hầu như không có. Chúng tôi - bác sĩ BV Trung ương Huế ra đây và gần như truyền lại tất cả những kiến thức, quy trình nấu súp, nấu cháo, vận chuyển thức ăn,... truyền đạt lại cho đội ngũ tại chỗ để trong thời gian tới họ có thể chủ động, sẵn sàng tiếp nhận chăm sóc bệnh nhân khi tất cả đội chi viện rút đi.

Do đợt chi viện này từ Khoa dinh dưỡng BV Trung ương Huế chỉ có một mình tôi, nên  tôi bận rộn hơn một chút. Tôi phải tự làm rất nhiều việc, vừa thực hành vừa chỉ dẫn vừa điều phối việc vận chuyển thức ăn cho đúng quy trình.

BS Nguyễn Trung Huy (Khoa Dinh dưỡng, BV TW Huế) chia sẻ về công việc khi chi viện Bắc Giang

Đến thời điểm hiện tại, số lượng ca bệnh nặng đang được theo dõi chăm sóc như thế nào tại Trung tâm ICU cơ sở BV Tâm thần, thưa anh?

Tính đến tối 7/6, Trung tâm hồi sức tích cực 101 giường đã tiếp nhận 18 bệnh nhân, trong đó có 2 bệnh nhân đặc biệt đang thở máy. Chúng tôi lên chế độ dinh dưỡng súp phù hợp. Còn 16 ca bệnh còn lại đang được ăn cháo đủ dinh dưỡng.

Hiện tại chưa đánh giá được gì nhiều nhưng có thể nói các y bác sĩ BV Trung ương Huế đang hỗ trợ hết mình cho Bắc Giang.

Được biết, trong đoàn Huế lần này có nhiều người từng đi chống dịch nhiều đợt và có lần mấy tháng chưa về?

Tôi cũng nằm trong số đó. Tôi đi lần đầu là BV Dã chiến Hòa Vang (Đà Nẵng) gần 1 tháng. Lần 2 là cùng với nhiều anh em đồng nghiệp, tôi cũng tự nguyện đi Bắc Giang lần này. Với tôi, đây như một chuyến công tác bình thường, không cảm giác sợ hãi hay lo lắng vì mình là bác sĩ, quen tiếp xúc với bệnh nhân, với các loại bệnh nặng - nhẹ.

Chưa biết "cuộc chiến" này kéo dài bao lâu, có thể 1 tháng hoặc 2 tháng nhưng chắc chắn một điều là đến khi Bắc Giang hết dịch chúng tôi mới về. Chưa hết dịch là chưa về!

Xin cảm ơn chia sẻ của BS Nguyễn Trung Huy!

Nguồn: [Link nguồn]

106 ca COVID-19 tiên lượng nặng, 9 ca phải can thiệp tim phổi nhân tạo

Trong số 106 trường hơp mắc COVID-19 tiên lượng nặng có 82 tiên lượng rất nặng và 3 trường hợp tiên lượng tử vong.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Mai ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN