Chuyên gia cao cấp của Bộ Y tế lí giải vì sao ổ dịch tại TP.HCM rất phức tạp
Đợt dịch COVID-19 này tại TP Hồ Chí Minh không phải đợt dịch lớn nhất nhưng phức tạp nhất. Virus đã âm thầm lây lan trong cộng đồng một khoảng thời gian từ lâu.
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, phát biểu kết luận họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống COVID-19 vào chiều (8/2), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Chủ tịch UBND TP.HCM, Hà Nội và các thành phố lớn cũng như các tỉnh đang có ổ dịch được áp dụng các biện pháp mạnh để ngăn chặn có hiệu quả dịch bệnh, ví dụ như giãn cách xã hội ở một số khu phố, quận, địa bàn có ca lây nhiễm…
Thủ tướng đánh giá cao, biểu dương ngành y tế, các lực lượng chức năng, các địa phương đã kịp thời áp dụng nhiều biện pháp mạnh mẽ, tổng lực, quyết liệt thực hiện chỉ thị của Thủ tướng với các biện pháp sáng tạo, đồng bộ. Các ổ dịch ở Hải Dương, Quảng Ninh cơ bản được kiểm soát.
Tuy nhiên, việc xuất hiện các ca mới ở TP.HCM là nghiêm trọng, mà theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Y tế, nếu xét nghiệm diện rộng thì số ca tại thành phố lớn này sẽ tăng trong những ngày tới.
Lý giải vì sao ổ dịch tại TP.HCM rất phức tạp, PGS.TS Trần Đắc Phu- nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng Bộ Y tế cho rằng đợt dịch COVID-19 này tại TP Hồ Chí Minh không phải đợt dịch lớn nhất nhưng phức tạp nhất. Virus đã âm thầm lây lan trong cộng đồng một khoảng thời gian từ lâu.
PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, không thể so sánh ổ dịch tại TP HCM nguy cơ cao hơn ổ dịch tại Hải Dương, Quảng Ninh. Tuy nhiên, có vài điểm cần lưu ý.
Thứ nhất đợt dịch COVID-19 tại TP.HCM lần này không phải đợt dịch lớn nhất tại đây nhưng phức tạp nhất. Lý do vì virus đã ra cộng đồng với nhiều ca mắc, gần 30 ca chỉ trong vòng 2 ngày. Đặc biệt, trong đợt dịch lần này, TP.HCM ghi nhận tình trạng một số trường hợp F1 âm tính nhưng F2 lại dương tính. Điều này chứng tỏ virus đã âm thầm lây lan trong một khoảng thời gian từ lâu. Virus đã lây lan trong cộng đồng, sân bay, nơi mọi người giao lưu, đi lại nhiều.
Thứ hai, TP.HCM cũng chưa tìm ra nguồn lây. Những ca bệnh được phát hiện ở khu dân cư đều dựa trên các trường hợp F1 của ổ dịch ở sân bay. Tuy nhiên, các trường hợp dương tính tại sân bay chưa chắc là đã bắt nguồn từ BN1979 (ca bệnh đầu tiên được phát hiện tại sân bay Tân Sơn Nhất).
Vì vậy, những trường hợp này chưa chắc đã phải là F của nhau. Điều này cũng khiến ổ dịch tại TP.HCM phức tạp hơn. Ổ dịch sân bay cũng chưa chắc là ổ chỉ điểm.
"Trong khi đó với ổ dịch tại Hải Dương, chúng ta có thể dự đoán dịch bắt đầu xuất hiện từ ngày 14-15/1. Chúng ta cũng đã sớm khoanh được vùng dịch là Công ty TNHH Poyun, sớm phong tỏa thành phố Chí Linh và Quảng Ninh là sân bay Vân Đồn. Việc khoanh trúng ổ dịch rất quan trọng, từ đó dễ ngăn chặn nguồn bệnh hơn", TS Phu nói.
TS Phu cũng cho rằng, không thể dự đoán được tình hình dịch tại TP HCM vì ẩn số nhiều nguy cơ, có khả năng sẽ có thêm nhiều ca mới lây lan đáng lo ngại tại đây.
Do đó, việc TP.HCM phải làm quyết liệt là xét nghiệm và truy vết. Một là để phát hiện những điểm nguy cơ phục vụ cho việc phong tỏa tránh lây lan. Thứ hai là để phát hiện những điểm nguy cơ khác nữa.
"Mặc dù tình hình dịch TP.HCM đang phức tạp nhưng người dân không nên quá hoang mang. Thay vào đó, theo dõi thông tin chính thống, tuân thủ tuyệt đối các biện pháp được khuyến cáo. Nếu chúng ta tuân thủ đúng, virus khó có thể xâm nhập. Dịch có thể xuất hiện ở bất kỳ địa phương nào, không riêng gì TP.HCM", ông Phu nhấn mạnh.
Chuyên gia khuyến cáo, điều quan trọng hiện tại là người dân cần tuân thủ nghiêm ngặt các biện phòng bệnh. Cụ thể, thực hiện đầy đủ thông điệp 5K: Khẩu trang, khử khuẩn, không tụ tập đông người, khai báo y tế... Hiện nay, chủ yếu virus lây qua hô hấp và tiếp xúc.
Trước đó, ngày 7/2, TP.HCM thông báo phát hiện 24 ca dương tính tại cộng đồng xuất phát từ việc truy vết nhóm công nhân làm nhiệm vụ bốc xếp hàng hóa tại Sân bay Tân Sơn Nhất. Điều đáng nói là trong số này nhiều trường hợp F1 dương tính song F2 lại âm tính. Vì rất có thể F1 trước đó có thể đã dương tính nhưng không có triệu chứng và đã lây sang F2 và hiện nay F1 đã khỏi.
Đến nay, ổ dịch tại Hải Dương cơ bản đã được kiểm soát. Bộ Y tế đang tiếp tục phối hợp với địa phương để...
Nguồn: [Link nguồn]