"Chuyện ấy" và thể thao có thể làm… gãy vòng tránh thai?

Tôi định đặt vòng tránh thai nhưng nghe nói nhiều người bị tuột, gãy vỡ vòng, nghi là do chuyện ấy hay vận động mạnh, nên rất lo vì vợ chồng tôi đều còn trẻ.

Bạn đọc T.T.C. (nữ, 27 tuổi, quận 8, TP HCM), hỏi: Chào bác sĩ, tôi năm nay 27 tuổi, vừa sinh 1 con trai đầu lòng được 5 tháng tuổi. Do điều kiện kinh tế, công tác, tôi dự định tránh thai khoảng 5-7 năm mới sinh cháu thứ 2. Chị tôi khuyên tôi nên đi đặt vòng tránh thai. Nhưng tôi cũng nghe nhiều trường hợp vòng tránh thai bị tuột khỏi vị trí, có trường hợp vòng bị gãy vỡ, đâm vào cơ tử cung... nên tôi khá lo lắng. Tôi còn trẻ, là người tập gym thường xuyên, "chuyện ấy" cũng đều đặn (chồng tôi bằng tuổi) nên lo không biết có khi nào vận động mạnh hay "chuyện ấy" quá mạnh, tư thế không phù hợp... có thể làm vòng tránh thai bị tuột hay gãy không?

"Chuyện ấy" và thể thao có thể làm… gãy vòng tránh thai? - 1

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thông, Khoa Sức khỏe sinh sản, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM, trả lời:

Vòng tránh thai (IUDs) là một biện pháp tránh thai có hiệu quả cao (tỷ lệ thất bại – có thai trong năm đầu sau đặt vòng chỉ là 0,8/100 ca), tiện lợi vì có tác dụng lâu dài sau một lần đặt (vòng TCu 380 được 10 năm ). Tuy nhiên, vẫn có một số tác dụng phụ gây khó chịu như đau bụng và ra kinh nhiều hơn trong vài tháng đầu, một số nhỏ bị rong kinh, cảm giác vướng dây vòng khi quan hệ tình dục …

Các biến chứng ít gặp của việc đặt vòng gồm có:

- Một số ít sau một thời gian đặt thì vòng bị tuột thấp, không còn đúng vị trí khi đặt (sát đáy tử cung) khiến vòng mất khả năng ngừa thai dẫn đến mang thai ngoài ý muốn. Vòng tuột thấp chỉ gây ra việc ngừa thai thất bại chứ không gây nguy hiểm gì khác, hay gặp ở những người có cơ địa co thắt cơ tử cung khi hành kinh hoặc những trường hợp tử cung có sẹo mổ cũ, khó đặt vòng. Nếu đã đặt thay vòng khác mà vẫn bị tuột thấp thì người phụ nữ nên đổi sang biện pháp tránh thai khác để ngừa thai an toàn hơn.

- Biến chứng vòng xuyên cơ, lạc chỗ : Biến chứng này khá hiếm nhưng thường gặp ở những trường hợp để vòng quá lâu trong tử cung sau khi hết hạn sử dụng (thông thường từ 5-10 năm tùy quy định của nhà sản xuất), sau khi đã mãn kinh. Toàn bộ vòng tránh thai hoặc một phần (nhánh vòng) bị xâm lấn dần qua cơ tử cung xuyên vào ổ bụng hoặc vào bàng quang gây đau bụng, cần phẫu thuật để lấy ra.

Như vậy, việc vận động mạnh hoặc quan hệ tình dục với nhiều tư thế như bạn nói không phải là nguyên nhân làm vòng tuột, gãy hoặc xuyên thủng tử cung như bạn lo lắng. Để phòng ngừa các biến chứng do nguyên nhân khác (như đã nêu trên), sau khi đặt vòng bạn cần tuân thủ hướng dẫn tái khám để kịp thời phát hiện và xử lý. Cần lưu ý thời hạn đặt vòng để lấy vòng ra.

Vòng tránh thai là biện pháp phù hợp với hoàn cảnh gia đình bạn hiện nay, vì vậy bạn nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn và thực hiện đặt vòng.

Làm ”chuyện ấy” mà không biết 12 điều sau thì chỉ là ”tay mơ”, có ngày ôm hận

Biết mình nên hay không nên làm gì trước khi "yêu" chính là chìa khóa vàng trong đời sống tình dục.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Thư ([Tên nguồn])
Sức khỏe tình dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN