Chủng cúm chiếm ưu thế H3N2 nguy hiểm thế nào

Sự kiện: Dịch cúm
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Chủng A/H3N2 là tác nhân cúm phổ biến, lây lan nhanh, dễ gây dịch lớn và có độc lực cao, đặc biệt gây bệnh nặng ở nhóm nguy cơ.

Dịch cúm mùa năm nay đang diễn biến phức tạp và nghiêm trọng trên toàn cầu, được đánh giá là đợt dịch nguy hiểm nhất trong nhiều năm trở lại đây. Tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội, bệnh nhân mắc cúm nặng có xu hướng gia tăng. Bộ Y tế ghi nhận số ca cúm tăng từ cuối năm ngoái, tác nhân chủ yếu là virus A/H3N2, A/H1N1 và cúm B.

Theo TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, H3N2 và H1N1 là hai chủng cúm A thường xuyên hiện diện trong các đợt cúm mùa hàng năm, có khả năng lây lan nhanh giữa người và người.

Trong đó, chủng H3N2 độc hơn H1N1 và có khả năng gây biến chứng nặng ở nhóm nguy cơ cao như trẻ em, người có bệnh nền suy giảm miễn dịch. Nếu xếp về mức độ độc lực của virus cúm A, chủng H3N2 nhẹ hơn H5N1, H5N6, H7N9, H7N7 nhưng cao hơn H1N1, H9N2 và H7N3.

"Dù độc lực nhẹ hơn một số chủng khác, người ta vẫn phải kiêng dè H3N2 vì khả năng lây lan nhanh có thể gây ra dịch lớn", bác sĩ Hùng nói. Một trong nguyên nhân gây cúm nặng hiện nay là tỷ lệ nhiễm A/H3N2 có xu hướng tăng lên, góp phần làm bệnh nặng hơn ở các nhóm nguy cơ. Chủng này thường liên quan đến bệnh cảnh nặng hơn, đặc biệt ở người cao tuổi.

Ngoài cúm A, tác nhân cúm B cũng thường gây các vụ dịch lẻ tẻ, song không nặng như cúm A. Còn cúm C rất hiếm gặp, thường chỉ gây các triệu chứng nhẹ như sổ mũi, đau họng, tự khỏi sau một vài ngày.

"Trên lâm sàng, bác sĩ rất khó phân biệt được bệnh nhân nhiễm chủng cúm nào bởi triệu chứng ban đầu thường đều là viêm long đường hô hấp gây sốt cao đột ngột, đau đầu, nhức mỏi cơ thể, ớn lạnh, đau họng, ho khan, chảy nước mũi, nước mắt, chán ăn", bác sĩ Hùng nói.

Bác sĩ cho rằng bên cạnh lý do về chủng virus, dịch cúm năm nay diễn biến nghiêm trọng còn do miễn dịch cộng đồng vốn đã yếu đi sau giai đoạn phong tỏa và giãn cách xã hội phòng chống đại dịch Covid-19. Tỷ lệ tiêm vaccine cúm thấp, cộng thêm sự thay đổi nhanh chóng trong cấu trúc virus cúm đôi khi làm giảm hiệu quả của vaccine dù đã được cập nhật hàng năm, cũng đóng vai trò đáng kể trong việc gia tăng ca mắc.

Yếu tố môi trường và khí hậu cũng góp phần không nhỏ vào sự bùng phát dịch cúm. Biến đổi khí hậu, thời tiết lạnh, độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi cho virus phát triển và lây lan nhanh hơn. Tình trạng ô nhiễm không khí, đặc biệt là bụi mịn (PM2.5), làm tăng nguy cơ mắc cúm và khiến bệnh thêm trầm trọng. Một yếu tố đáng lo ngại khác là sự chậm trễ trong việc chẩn đoán và điều trị, khi nhiều người bệnh tự điều trị tại nhà, chỉ đến bệnh viện khi tình trạng đã nặng, dẫn đến nguy cơ biến chứng nghiêm trọng hơn. Đặc biệt, các trường hợp đồng nhiễm và bội nhiễm cũng gia tăng, khiến việc điều trị càng trở nên phức tạp.

Tiêm ngừa cúm cho trẻ tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: Giang Huy

Tiêm ngừa cúm cho trẻ tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: Giang Huy

Cúm mùa thường lây truyền qua giọt bắn khi người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện, qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mũi, họng của người bệnh hoặc qua tay, bề mặt bị nhiễm virus rồi chạm lên mắt, mũi, miệng. Virus cúm gây ra các triệu chứng như sốt cao, đau đầu, đau mỏi cơ, mệt mỏi, ho khan, đau họng, nghẹt mũi. Thời gian bệnh thông thường kéo dài từ 5-7 ngày ở người khỏe mạnh nhưng có thể kéo dài lâu hơn và nguy hiểm hơn ở nhóm nguy cơ cao.

Để phòng ngừa cúm mùa, nên tiêm vaccine cúm hàng năm, đặc biệt là các nhóm người dễ biến chứng như trẻ nhỏ, người già, người có bệnh nền. Bên cạnh đó, các biện pháp như đeo khẩu trang khi tới nơi đông người, rửa tay thường xuyên, che miệng và mũi khi hắt hơi, cũng rất cần thiết để hạn chế lây lan virus. Một lối sống khoa học, đảm bảo dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý cũng sẽ giúp nâng cao sức đề kháng, hỗ trợ cơ thể chống lại dịch bệnh hiệu quả hơn.

Khi có các triệu chứng nghi ngờ cúm như sốt cao, ho, đau đầu, đau ngực, cần nghỉ ngơi tại nhà, uống đủ nước để theo dõi tình trạng. Nếu xuất hiện các dấu hiệu nặng như khó thở, đau tức ngực, lơ mơ, hoặc tím tái, cần đến cơ sở y tế ngay để được kiểm tra và điều trị kịp thời, tránh nguy cơ biến chứng nguy hiểm. Nhóm nguy cơ cần thăm khám sớm ngay khi có dấu hiệu đầu tiên để được can thiệp đúng cách và giảm thiểu rủi ro.

Biến đổi của virus cúm, miễn dịch cộng đồng suy giảm sau Covid-19, chủng ngừa thấp, yếu tố môi trường và khí hậu, điều trị chậm trễ khiến dịch cúm năm...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Phương ([Tên nguồn])
Dịch cúm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN