Chữa vô sinh: Đừng để quá muộn

Khoảng 15% cặp vợ chồng bị vô sinh nhưng mới chỉ 1-3% các cặp đi chữa trị. Và họ chỉ đến bệnh viện khi đã qua cửa nhiều ông bà lang, và đến bệnh viện khi đã quá muộn.

Đó là thông tin TS Vương Văn Vệ - Giám đốc Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội cung cấp.

“Tử” nghiệp

Tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, vợ chồng anh Thọ - chị Măng (Quỳnh Phụ, Thái Bình) rụt rè chia sẻ câu chuyện của mình với bác sĩ. Anh chị lấy nhau đã 5 năm nhưng chưa có con. Chị đã nhiều lần đi đến các thầy lang để bốc thuốc uống nhưng vẫn không có kết quả. Trong khi đó, cả nhà chồng chị đều đổ tại chị “bé nhỏ, gầy yếu” nên không thể có con.

Động viên mãi, chồng chị mới theo vợ lên bệnh viện khám. Kết quả: Tinh dịch đồ của anh Thọ rất xấu, hầu như không có tinh trùng khỏe, nếu có thì cũng méo mó, cụt đuôi, rất khó có con. Hỏi ra mới biết anh Thọ nghiện cả rượu lẫn thuốc lá - hai yếu tố không có lợi cho tinh trùng phát triển. Ngoài kê đơn, bốc thuốc, các bác sĩ khuyên anh tuyệt đối phải bỏ rượu và thuốc lá mới hy vọng có con một cách “tự nhiên”.

Chữa vô sinh: Đừng để quá muộn - 1

TS Vương Văn Vệ (giữa) tư vấn cho một phụ nữ bị hiếm muộn.

Chồng chị Hằng (thị trấn Phúc Yên, Vĩnh Phúc) làm nghề thợ rèn. Việc anh phải thường xuyên “áp sát” lò rèn nóng nực cũng là một trong những nguyên nhân khiến các “chiến binh” lay lắt. Bác sĩ phải dùng kỹ thuật hiện đại tìm những hạt giống khỏe để cấy cho vợ anh. Hiện chị đã có tin vui.

“Việc sử dụng các chất kích thích, rượu, thuốc lá và môi trường nghề nghiệp độc hại là nguyên nhân khiến cho sức chiến đấu của đàn ông yếu đi và tinh binh cũng què quặt, khiến nguy cơ vô sinh ngày càng lớn” – TS Vệ cho biết. Theo TS Vệ, tuy chưa có nghiên cứu chính xác nhưng việc sử dụng các hóa chất trên đồng ruộng, sử dụng thực phẩm không an toàn cũng khiến nông dân dễ bị vô sinh.

Sai lầm trong chữa trị

Hiện mỗi ngày Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội có từ 30-60 cặp vợ chồng đến khám hiếm muộn, chủ yếu ở ngoại tỉnh. Tuy nhiên, theo TS Vệ, các cặp vợ chồng sau 1-2 năm chưa có con thường đi tìm các thầy lang bốc thuốc Đông y uống, “cùng đường” họ mới đến bệnh viện. Chính vì thế, nhiều trường hợp đã muộn để có thể can thiệp.

“Những căng thẳng, mệt mỏi trong quá trình điều trị vô sinh có thể là con dao hai lưỡi, khiến cho cả nam và nữ khó thụ thai. Càng đi khám sớm, điều trị sớm thì cơ hội có được hạnh phúc làm cha mẹ càng lớn” .

Lương y Vũ Quốc Trung (Phòng khám hiếm muộn chùa Cảm Ứng, Hội Đông y Hà Nội) cho biết: “Việc uống thuốc Đông y chỉ phù hợp với những người sinh lý yếu, ít tinh trùng đối với đàn ông; lạc nội mạc, “lạnh” tử cung gây khó thụ thai đối với phụ nữ.

Còn các sai lệch về thực thể như lộ tuyến tử cung, tắc vòi trứng, tắc ống dẫn tinh… thì đều cần can thiệp ngoại khoa. Nếu các cặp vợ chồng vô sinh do bộ phận sinh sản bị khiếm khuyết mà uống thuốc Đông y sẽ không có kết quả.

Đối với các cặp vợ chồng đến chữa hiếm muộn, lương y Trung đều yêu cầu họ phải làm kiểm tra tổng thể về chức năng sinh sản của vợ chồng, làm tinh dịch đồ… để xem uống thuốc Đông y có hợp hay không mới nhận chữa.

TS Vệ cho biết, chữa vô sinh là một quá trình dài, cần cả sự kiên nhẫn và đồng tâm, “hợp lực” của cả hai vợ chồng. Người vợ và người chồng phải kiên nhẫn và động viên lẫn nhau. Đồng thời, nếu hai vợ chồng quan hệ tình dục bình thường, trong vòng 1 năm mà không thụ thai thì xem như hiếm muộn, nếu 2 năm không có con là vô sinh.

Vì thế, cần nhanh chóng đi làm xét nghiệm, chiếu chụp để biết rõ về bệnh tình, thực trạng của mình, lúc đó mới tìm thầy, tìm thuốc. Không nên uống bất cứ loại thuốc gì khi chưa biết nguyên nhân gây vô sinh của hai vợ chồng

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Linh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN