Chữa vô sinh: Chờ bác sĩ từ sáng đến khuya
Đã 7h tối nhưng trước của phòng của GS.TS Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương vẫn tấp nập hơn chục người bệnh cố ngồi chờ ông về để xin tư vấn cũng như cấp phép hồ sơ.
Xếp hồ sơ vài tháng cũng chưa đến lượt
Tháng 3 vừa qua, ông Nguyễn Văn Tân - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế cho biết ở Việt Nam cứ 100 đôi vợ chồng có đến 8 cặp vợ chồng vô sinh. Tỷ lệ này đang ngày càng gia tăng. Nhiều người còn e ngại về con số thống kê trên. Tuy nhiên, nếu đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương mới thấy việc đi chữa "đẻ" đông như đi hội. Không thể chờ dưới phòng khám, nhiều người lựa chọn lên hẳn phòng Giám đốc bệnh viện Phụ sản TƯ, ngồi chờ từ sáng đến tối để được tư vấn Hai mẹ con bác Nguyễn Thị Lạch (Kiến An, Hải Phòng) thở dài chán nản khi càng thấy có thêm người đến đợi Giám đốc Tiến về khám và tư vấn cho mình. Bác Lạch kể con gái cưới chồng đã 3 năm nhưng vẫn chưa có con. Hai vợ chồng đã khám nhiều nơi lắm rồi. Con gái bác bị dính vòi trứng, mổ 2 lần rồi nhưng vẫn chưa được.
Không thể chờ dưới phòng khám, nhiều người lựa chọn lên hẳn phòng Giám đốc bệnh viện Phụ sản TƯ, ngồi chờ từ sáng đến tối để được tư vấn
"Không cái nào khổ bằng chữa đẻ, vì nó không đẻ được mà 2 năm nay gia đình tôi phải nuôi và chữa bệnh cho nó" - bác Lạch kể. Được biết gia đình nhà thông gia với bác ở Chương Mỹ, Hà Nội. Nhà cũng có điều kiện nhưng họ cũng mệt mỏi vì chờ đợi con dâu sinh cháu. Sợ con không hạnh phúc nên nhà bác Lạch thường tự đưa con đi chữa bệnh.
Cầm bộ hồ sơ bệnh án trên tay, bác Lạch bảo "tôi dẫn nó đến xin bác Tiến ký cho chứ cứ đợi xếp hồ sơ dưới khoa thì lâu lắm". Hai mẹ con bác cứ vạ vật chờ PGS Tiến từ 9h sáng. Lúc sáng đến cũng không gặp. "Hôm trước lên chờ cả ngày cũng không đến lượt mình vào gặp ông ấy. Hôm nay phải xếp lốt từ sớm"- bác Lạch kể.
Không chỉ riêng mẹ con bác Lạch mà trước cửa phòng của PGS Tiến có đến hơn chục phụ nữ, mỗi người cầm trên tay một bộ hồ sơ bệnh án xin bác sĩ ký cho để mang xuống trung tâm hỗ trợ sinh sản làm thụ tinh trong ống nghiệm.
Khổ nhất là vợ chồng chị Mai Thị Lan quê ở Mỹ Đức, Hà Nội. Vợ chồng chị Lan lấy nhau đã hơn 10 năm. Chừng đó thời gian vợ chồng chị miệt mài đi chữa đẻ. Vừa thực hiện thất bại ở Bệnh viện Từ Dũ, vợ chồng chị lại ra Hà Nội. Chị Lan kể ngày nào cũng đứng chờ bác sĩ như thế này. Phải kiên trì lắm mới có thể đi đến thành công. Cùng xếp hàng với chị là anh Văn chồng chị. Chị Lan kể hai vợ chồng chị hết phương chữa rồi nên trông chờ cả vào lần này. Nếu lần này không thành công chị cũng từ bỏ. Gia đình khánh kiệt vì chữa đẻ rồi.
Chị Lan ba lần mổ, 4 lần thụ tinh nhân tạo, hai lần thụ tinh trong ống nghiệm nhưng vẫn không thành công. Gần đây nhất, chồng chị đi khám tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội bác sĩ khuyên anh cắt bao quy đầu và anh cũng đã cắt rồi nhưng nửa năm nay chưa thấy được. Nói về kích trứng và nuôi cấy tinh trùng anh chị làm đến mòn chân trong bệnh viện.
Những bệnh nhân săn bác sĩ Tiến đều than thở khổ nhưng vẫn phải chờ. Có người chờ đến 9 giờ tối mới được gặp bác sĩ. Ai may mắn thì chỉ đi một hai hôm chứ có người đi chờ bác sĩ cả tuần.
11h tối mới về đến nhà
PGS, TS Nguyễn Viết Tiến - ngoài chức Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương ông còn đương nhiệm Thứ trưởng Bộ Y tế. Vì vậy mà lịch họp hành, công cán của ông dày đặc. Mỗi ngày đi họp rồi công việc quản lý của Bộ xong ông lại trở về phòng làm việc của mình ở bệnh viện để thăm khám tư vấn cho các bệnh nhân.
Chưa khi nào Giám đốc bệnh viện Phụ sản Trung ương về nhà trước 11h đêm
Chia sẻ với chúng tôi, PGS Tiến kể ngày nào ông cũng về đến nhà 11h, có hôm về muộn hơn. Ban ngày công việc quản lý, tối ông dành cho chuyên môn. Mỗi khi thấy ông bước ra từ thang máy là người bệnh lại nhào theo ông. Nhìn cảnh đó mình không nỡ để bệnh nhân thất vọng. Có lẽ, đó là cái tâm quý và hiếm hoi của ông nên bệnh nhân chẳng ngại khi chờ đợi bằng được ông về.
Có hôm, ông nán lại họp với đồng nghiệp, hội chẩn ca bệnh khó hay tiếp các đoàn khách nước ngoài đến, 8h tối lại bắt tay vào công tác chuyên môn. PGS Tiến kể mỗi ngày ông chẳng có thời gian mà nghĩ đến việc gì, thậm chí cập nhật chút thông tin về xã hội, thị trường....
Gắn duyên mình với chuyên khoa hiếm muộn từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước, PGS Tiến cho biết ông đi học về đào tạo thụ tinh trong ống nghiệm tại Mỹ vào năm 1999. Sau những học hỏi đã đạt được từ khóa học năm đó, đến năm 2000, ông thử nghiệm thành công nhiều ca thụ tinh ống nghiệm tại Việt Nam.
Trước áp lực về bệnh hiếm muộn ngày càng cao, ông “chuyển giao” công nghệ cho các bệnh viện tuyến dưới, một số trường Đại học Y, Viện Quân y… và thành lập Trung tâm Hỗ trợ sinh sản ở Viện Phụ sản Trung ương. Đây là bước đột phá cho ngành sản Việt Nam những ngày đầu tiếp cận với phương pháp khoa học thụ tinh ống nghiệm.
Nhiều bệnh nhân đã sang Singapore hay sang Thái Lan nhưng đều không thành công rồi lại quay về Bệnh viện Phụ sản Trung ương làm thụ tinh trong ống nghiệm. Đến nay, số bệnh nhân đến bệnh viện ngày càng tăng. Chính vì vậy, trung tâm quá tải và chờ bác sĩ duyệt lâu nên bệnh nhân mới sốt ruột mang hồ sơ lên nhờ bác sĩ ký và tư vấn giúp. Nhiều bệnh nhân dù không được bác sĩ trực tiếp làm cho nhưng chỉ cần được nghe bác sĩ tư vấn thăm khám thôi cũng trở thành giây phút hiếm hoi của bệnh nhân.
Hàng ngày, tiếp hàng chục bệnh nhân vào buổi tối ngoài lịch bệnh viện ông còn chỉ đạo mổ các ca khó. Điều lạ, bệnh nhân đến với ông ai cũng coi ông như người nhà, nhà tư vấn miễn phí. Người ta chờ ông, làm phiền ông nhưng PGS Tiến không lấy công tư vấn của bệnh nhân. Có lẽ vì cái tâm với nghề nên thời gian làm việc của ông khiến nhiều người thực sự cảm phục.
Nhắc đến tên ông, các bệnh nhân đều thở dài "giá như ông ấy chỉ để dành cho bệnh nhân thôi. Ông giỏi chuyên môn vậy mà cứ đi họp thì cũng phí" - một bệnh nhân chờ gặp ông nói.