Chữa mụn cóc kiểu này, không hoại tử tay mới là lạ

Sự kiện: Da liễu

Mụn cóc xuất hiện ở nhiều vị trí trên cơ thể làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ và gây nên những khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. Càng nguy hiểm hơn nếu tự ý chữa mụn cóc theo truyền miệng có thể gây hoại tử nặng.

Chữa mụn cóc kiểu này, không hoại tử tay mới là lạ - 1

Khi bị mụn cóc không nên tự ý chữa tại nhà dễ gây biến chứng nặng. Ảnh: T.L

Hoại tử tay vì mụn cóc

Mới đây, khoa Chấn thương chỉnh hình bỏng (Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An) đã tiếp nhận một bệnh nhân 6 tuổi bị hoại tử ngón tay vì mụn cóc. Qua thăm khám, phát hiện 3 đốt ngón tay của bệnh nhi đã hoại tử. Các bác sỹ đã nhanh chóng phẫu thuật cắt lọc hoại tử, điều trị vết thương.

Theo lời kể của gia đình, bé bị nốt mụn cóc ở tay lúc đầu rất nhỏ sau to dần, gia đình thấy ở trên mạng có đăng bán thuốc trị mụn cóc hiệu quả đã mua về cho cháu bé dùng. Sau khi dùng không lâu thì tay cháu bị tổn thương nặng nên đưa vào viện.

Trường hợp con chị Nguyễn Thị Sinh (ở Phú Thọ) cũng gặp phải biến chứng từ việc tự chữa mụn cóc. Ban đầu bé nhà chị có một nốt chai nhỏ bằng hạt đậu xanh. Con kêu ngứa nên hay gãi và nặn khiến mụn ngày càng to hơn và lan ra nhiều vị trí khác. Để giúp con loại bỏ mụn cóc, chị đã dùng đủ các mẹo dân gian truyền miệng từ lấy mề của con gà vừa mới mổ chà lên vết chai, dùng dầu quả mướp rồi dùng cả kìm cắt da để cắt… vẫn không hết mà tình trạng còn trầm trọng hơn khi có thêm nhiều nốt. Khi việc đi lại của con gặp khó khăn, chị đưa vào viện chữa. Mụn cóc tưởng nhỏ nhưng để xử lý tình trạng của bé đã rất mất thời gian và tốn kém.

BS Đinh Doãn Thạch, khoa điều trị Tổng hợp, Bệnh viện Da liễu Hà Nội cơ sở 2 cho biết, mụn cóc là bệnh không nguy hiểm do virus HPV xâm nhập. Mụn cóc có thể xuất hiện ở nhiều vị trí trên cơ thể làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ và gây nên những khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. Nhất là khi mụn phát triển to hoặc xuất hiện ở những vị trí như lòng bàn chân, gót chân, đầu ngón chân cái, bàn tay… sẽ gây đau, tạo cảm giác cộm khó chịu cho người bị.

Vì mụn cóc nhỏ nên đa phần mọi người ngại đến cơ sở y tế mà tự tìm các biện pháp để xử lý. Có nhiều cách chữa mụn cóc trong dân gian bằng mẹo như dùng lá tía tô, súp lơ, bắp cải, lô hội, khoai tây… nhưng chưa có cơ sở khoa học cho các phương pháp đó. Mọi người cần phải thận trọng, ngay cả việc mua các loại thuốc không rõ nguồn gốc để bôi, xử lý mụn cóc. Việc điều trị hạt cơm hiện cũng chưa có biện pháp nào đặc trị.

Khi áp dụng bất cứ một phương pháp nào mà khoa học chưa kiểm chứng phải cẩn thận. Có thể có người đã từng chữa khỏi bằng biện pháp dân gian nhưng không thể lấy đó làm căn cứ. Cùng một phương pháp chữa khỏi bệnh cho người này mà không hiệu quả với người kia tùy theo cơ địa.

Theo chuyên gia da liễu, PGS.TS Nguyễn Duy Hưng, mụn cóc tuy lành tính nhưng có thể sẽ gây ra những phiền phức nếu người bệnh tự ý điều trị sai cách. Sai lầm mà nhiều người khi bị mụn cóc mắc phải là thường tự lấy kim lể hoặc dùng dụng cụ không vô trùng để tự cắt mụn. Điều này vô tình gây nhiễm trùng tại các vết thương và làm tình trạng nặng hơn.

Phương pháp dân gian cũng có một số cách khá tốt như dùng tỏi để loại bỏ mụn cóc. Trong tỏi có chứa các hoạt chất như Azooene, dianllil disulfide và hoạt chất lưu huỳnh có khả năng tiêu diệt vi khuẩn, sát trùng khá hiệu quả. Tuy nhiên, bôi tỏi lên vùng bị mụn cóc không cẩn thận dễ gây bỏng da. Người bệnh chỉ nên sát tỏi vào nốt mụn không để lâu quá 10 phút.

Dễ lây lan qua tiếp xúc

BS Đinh Doãn Thạch cho hay, mụn cóc là do virus HPV nên có thể tự khỏi sau nhiều tháng, nhiều năm. Nhưng mụn cóc càng để lâu càng có khuynh hướng lây lan nhiều hơn nên cần việc điều trị sớm. Mụn cóc có thể tự lây lan trên bản thân người bệnh, từ bộ phận này sang bộ phận khác hoặc cho người khác.

Khi mụn cóc đã lây lan nhiều, việc điều trị cần được thực hiện nhiều lần mất nhiều thời gian. Tốt nhất khi có các nốt mụn cóc, mọi người nên khám chuyên khoa da liễu để được các bác sỹ hướng dẫn điều trị, đặc biệt là ở những vị trí nhạy cảm để tránh xảy ra những biến chứng đáng tiếc.

Trước khi chỉ định phương pháp điều trị, các bác sỹ sẽ cân nhắc trên các tiêu chí như loại mụn cóc, vị trí, mức độ gây khó chịu, tình trạng miễn dịch của da… Để điều trị mụn cóc hiện đang có một số phương pháp phổ biến. Nếu mụn cóc nhỏ dưới 0,5 cm có thể bôi acid salicylic và acid lactic 15 - 35% hàng ngày và băng kín hoặc nitơ lỏng, đốt điện, laser. Nếu mụn cóc to có thể gây tê để cắt, tiêm bleomycin tại chỗ hoặc tiêm interferon trong trường hợp mụn cóc khó điều trị.

Các chuyên gia khuyến cáo, mụn cóc dễ lây lan và có thể tái phát sau điều trị, tái khám khi thấy xuất hiện hạt mụn cóc mới càng sớm càng tốt. Từ một vài mụn cóc ban đầu chúng có thể lây sang những vùng da lân cận hay những vùng da bị tiếp xúc trực tiếp như cào, gãi, nắm tay... và tạo ra nhiều mụn cóc nhỏ li ti. Ngoài ra, nếu chúng ta dùng chung đồ với người có mụn cóc như khăn mặt, khăn tắm, giầy dép, quần áo… cũng có thể bị lây. Người bệnh có thói quen cạo lông chân, có thể làm lây lan các mụn dày đặc... Để phòng tránh, mọi người cần phải trừ ngay từ các nguồn lây.

Nam sinh 17 tuổi suýt chết vì nặn mụn

Nam sinh 17 tuổi suýt tử vong vì nhiễm trùng máu sau khi nặn một cái mụn trên cổ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Thuận ([Tên nguồn])
Da liễu Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN