Chưa có nơi điều trị chuyển đổi giới tính

Tới nay mới có một người Việt Nam được xác định lại giới tính sau phẫu thuật chuyển giới dù quy định đã rõ ràng.

Một lý do quan trọng là ở VN chưa có cơ sở khám chữa bệnh nào đề nghị hoặc đăng ký phạm vi hành nghề là khám và điều trị chuyển đổi giới tính.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Huy Quang, vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, nói: “Chính phủ đã có nghị định 88 năm 2008 về xác định lại giới tính, sau đó ngày 24-5-2010 Bộ Y tế đã có thông tư hướng dẫn thi hành một số điều trong nghị định này. Theo đó, có hai trường hợp có thể xác định lại giới tính, gồm những người có khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới tính chưa định hình chính xác.

Chưa có nơi điều trị chuyển đổi giới tính - 1

Một giọng ca trẻ công khai việc chuyển giới của mình đã nhận được nhiều sự chia sẻ từ cộng đồng - Ảnh: T.T.D.

Khuyết tật bẩm sinh về giới tính như có tinh hoàn ẩn trên bộ phận sinh dục tạm gọi là nữ, hoặc là đàn ông nhưng bộ phận sinh dục lại giống đàn bà. Các trường hợp giới tính chưa được định hình chính xác, ví dụ là đàn ông nhưng tính cách ngược lại, thích đan len, chơi ô ăn quan, đan lát, thêu thùa..., lúc đó cũng cần khám xác định lại giới tính. Đây là quyền được sống thật với giới tính của mình, thực hiện tinh thần điều 36 Bộ luật dân sự”.

* Thưa ông, làm sao để “xác định lại” một cách chính xác, vì có thể có nam giới thích thêu thùa, đan lát nhưng chưa chắc họ đã cần và đúng đối tượng có nhu cầu chuyển giới?

Khoảng 7.000 người có giới tính chưa rõ ràng

Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến năm 2008 có khoảng 7.000 người có giới tính chưa rõ ràng. Ngoài ra, cứ 11.000 người thì có một người gặp rối loạn bất thường về giới tính, chứng tỏ nhu cầu xác định lại giới tính là không nhỏ.

- Trong nghị định 88 đã quy định việc chuyển đổi giới tính với người đã hoàn thiện về giới tính là điều bị nghiêm cấm. Người nam có tính cách nữ, nhưng phải được thăm khám chuyên khoa để xác định, nếu không thì không cho phép. Những trường hợp này phải qua một cơ sở y tế chuyên khoa để xác định, theo quy trình chuyên môn, căn cứ vào các định nghĩa khuyết tật giới tính như thế nào là nam lưỡng giới giả nữ hoặc nữ lưỡng giới giả nam, đầu tiên là khám lâm sàng, nhìn ngoại hình, trắc nghiệm tâm lý giới tính, trên cơ sở đó mới chụp chiếu, siêu âm, nội soi, đặc biệt xét nghiệm nội tiết tố và nhiễm sắc thể giới tính là hai căn cứ quan trọng để xác định một người là nam hay nữ. Đầy đủ các kết luận tại cơ sở y tế được Bộ Y tế thẩm định và cho phép bằng văn bản rồi mới đến cơ quan chuyên môn điều trị, ví dụ như phẫu thuật chuyển đổi nếu có nhu cầu, hay điều trị về hormone, điều trị tâm sinh lý, xã hội để người ta có thể hòa nhập được, nhưng nguyên tắc là càng sớm càng tốt.

* Quy định rõ ràng như thế nhưng xin hỏi vì sao từ năm 2010 đến nay mới có một trường hợp là anh P.V.H. đã được xác định lại giới tính và lý lịch tư pháp với tên mới là P.L.Q.T.?

- Hiện nay ở VN chưa có cơ sở khám chữa bệnh nào đề nghị hoặc đăng ký phạm vi hành nghề là khám và điều trị chuyển đổi giới tính. Nếu có đề nghị, Bộ Y tế sẽ thẩm định và cho phép, tất nhiên đây là loại dịch vụ kỹ thuật cao, theo tôi mới có một số cơ sở như phía Bắc là Bệnh viện Việt Đức, miền Trung là Bệnh viện T.Ư Huế, miền Nam là Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2 có đủ điều kiện chuyên môn để đăng ký thực hiện dịch vụ. Với những người đã thực hiện chuyển đổi giới tính tại nước ngoài, thực tế cũng đã có quy định phải có giấy xác nhận của cơ sở y tế là đã xác định lại giới tính, sau đó đến cơ sở khám chữa bệnh được Bộ Y tế cho phép ở VN để khám, xác định lại. Nhưng như tôi đã nói, hiện chưa có cơ sở y tế nào ở VN đăng ký thực hiện dịch vụ này và đó là vướng mắc hiện nay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo LAN ANH (Tuổi trẻ)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN