Chủ nhà hàng 33 tuổi đột quỵ vì ngày nào cũng uống rượu tiếp khách, chuyên gia chỉ rõ sự trả giá quá đắt nếu vẫn duy trì thói quen này!
Thói quen lạm dụng thuốc lá, rượu bia, ăn thức ăn nhanh, thức khuya dậy sớm… khiến người bệnh dễ tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid máu và xơ vữa mạch máu, dẫn tới đột quỵ.
Theo BSCKI Phạm Văn Cường - Khoa Đột quỵ não, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, đột quỵ đang trẻ hóa và đáng báo động, chủ yếu do thói quen sinh hoạt thiếu lành mạnh. Trường hợp người đàn ông 33 tuổi ở Hà Nội, chủ một nhà hàng mới nhập viện sau khi bị đột quỵ là một ví dụ điển hình.
Ảnh minh họa
Theo lời kể của bệnh nhân, sáng ngủ dậy anh thấy bị tê liệt nửa người nên được gia đình đưa tới Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cấp cứu. Kết quả phim chụp bệnh nhân có nhồi máu não, đồng thời kết quả xét nghiệm cho thấy anh bị rối loạn mỡ máu và huyết áp cao. Gia đình thự sự sốc vì khi biết bệnh đến với anh khi tuổi đời còn quá trẻ.
Khai thác tiền sử, bệnh nhân chia sẻ do công việc làm chủ nhà hàng nên anh thường xuyên phải tiếp khách. Trung bình mỗi ngày phải uống khoảng 500-750ml rượu, thậm chí có ngày uống 1 lít rượu, ngoài ra còn hút thuốc liên tục, có khi ngày hút 2 bao thuốc...
Các bác sĩ cảnh báo, những thói quen như lạm dụng thuốc lá, rượu bia khiến cho bệnh nhân dễ tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid máu và xơ vữa mạch máu, dẫn tới đột quỵ. Ngoài ra, các thói quen xấu khác như dùng nhiều thức ăn nhanh, lười vận động, thức khuya dậy sớm, sinh hoạt không điều độ… cũng cần phải thay đổi để phòng bệnh.
5 tác hại đáng sợ của rượu với sức khỏe
- Tàn phá gan: Gan có thể ví gan như một nhà máy sản xuất ra tất cả các cơ chất quan trọng đối với cơ thể; đồng thời gan cũng là cơ quan thanh lọc, chuyển hóa tất cả những chất độc đối với cơ thể. Nhưng rượu bia lại là chất gây tổn thương gan đầu tiên và nặng nề nhất. Rượu làm cho gan bị nhiễm mỡ, sau đó xơ hóa và mất dần chức năng dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như xuất huyết tiêu hóa, ung thư gan, nhiễm trùng…
Rượu ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều cơ quan trong cơ thể
- Ảnh hưởng đến não và thần kinh: Uống rượu thường xuyên có liên quan với trầm cảm, lo âu và nhiều vấn đề tinh thần khác. Gần 1/3 các ca tự tử là có liên quan đến rượu.
- Tăng nguy cơ mắc ung thư: Nhiều nghiên cứu cho thấy, thấy rượu làm tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư như vòm họng, thực quản, gan, ruột và ung thư vú. Đặc biệt, người uống rượu lại rất hay kèm hút thuốc, càng làm tăng nguy cơ bệnh tật.
- Ảnh hưởng đến các bệnh lý tim mạch: Cồn là chất độc và có ảnh hưởng trực tiếp đến cơ tim. Do vậy khi một người uống rượu, tế bào cơ tim chết, và thay vào đó là mô xơ không có khả năng co bóp. Dẫn đến bệnh cơ tim do rượu, hậu quả là suy tim, loạn nhịp tim và tử vong.
- Tăng nguy cơ loãng xương và bệnh Gút: Uống rượu thường xuyên gây loãng xương, làm xương mỏng, yếu và dễ gãy hơn, đồng thời cũng lâu liền hơn nếu bị gãy do cồn trong rượu bia ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình tái tạo xương, ức chế sự tân tạo, do đó làm cán cân nghiêng về bên hủy xương.
Thuốc lá tàn phá sức khỏe như thế nào?
Khói thuốc lá chứa tới hơn 7000 chất phần lớn là chất độc hại, trong đó có khoảng 60 chất là tác nhân gây ung thư, đặc biệt nguy hiểm nhất là nicotin. Nicotin dễ tan trong nước và dễ dàng xâm nhập vào cơ thể qua đường miệng, hô hấp, thậm chí qua cả da. Điều đáng sợ là người nghiện hút thuốc lá quá nhiều không bị chết ngay vì liều lượng cứ ngấm dần vào cơ thể.
Khi hút thuốc lá, hoặc sống chung với người hút thuốc, khói thuốc hít qua phổi ngấm vào máu, tích luỹ lâu ngày trở thành điều kiện và nguyên nhân gây nên các bệnh tim mạch, viêm nhiễm đường hô hấp gây tổn thương trong lòng mạch máu. Ngoài ra hút thuốc lá còn làm giảm số lượng và chất lượng tinh trùng, dễ dẫn đến vô sinh ở nam giới; tăng nguy cơ ung thư tử cung, rối loạn kinh nguyệt, ung thư vú, đối với phụ nữ; dễ bị còi xương, trí tuệ chậm phát triển, suy dinh dưỡng đối với trẻ em.
Nguồn: [Link nguồn]
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), uống nhiều rượu lâu ngày có thể khiến bạn mất trí nhớ, mắc bệnh tim, bệnh gan và hậu quả là tử vong.