Chồng hút thuốc, vợ “gánh” ung thư!
Theo điều tra của chương trình phòng chống thuốc lá, ở nước ta, cứ 2 người đàn ông thì có một người hút thuốc và vô tình gây hại cho chính người thân của mình
Lâu nay, khi nói đến ung thư phổi, nhiều người vẫn nghĩ nó xảy ra chủ yếu ở đàn ông hút thuốc lá. Thế nhưng, không ít phụ nữ chưa từng hút thuốc lá lại mắc căn bệnh quái ác này do thói quen phì phèo của người thân trong gia đình.
“Sám hối” muộn màng
Câu chuyện được bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phụ nữ và Chăm sóc sức khỏe sinh sản (thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam), kể tại một hội thảo về tác hại của thuốc lá diễn ra ở Bệnh viện (BV) Hùng Vương (TP HCM) mới đây là một lời cảnh báo cho những người hút thuốc lá. Nhân vật chính trong câu chuyện này là cô giáo N.T.H (41 tuổi, ngụ TP Hà Nội). Dù không hút thuốc lá nhưng cô đã mắc bệnh ung thư phổi từ chính thói quen của chồng.
Cách đây 4 năm, cô giáo H. phát hiện mình mắc bệnh ung thư phổi. Bác sĩ (BS) cho rằng một trong những nguyên nhân gây bệnh có thể là khói thuốc lá. Tìm hiểu từ môi trường sống gia đình, cô mới hiểu ra là đã tiếp xúc khói thuốc của chồng trong thời gian dài. Từ khi biết vợ mắc bệnh, người chồng cũng đã bỏ hút thuốc nhưng sự “sám hối” lại quá muộn màng. Sau 4 năm chống chọi với căn bệnh, cuộc sống của cô H. chỉ còn tính bằng ngày.
Trong phòng lưu bệnh chờ phẫu thuật ung thư phổi (BV Ung bướu TP HCM) những ngày đầu năm 2017 có nữ bệnh nhân trẻ N.T. N (ngụ tỉnh Bình Thuận). Nhà gần biển, chị N. sống với chồng vốn có thói quen hút thuốc. Trước khi lập gia đình, thể trạng chị bình thường, cân nặng 54 kg. Nhưng sau một thời gian, chị sụt ký nhanh chóng và đến khi đi khám mới phát hiện ra căn bệnh chết người. Chỉ sau 2 năm mắc ung thư phổi, giờ trông chị thật tiều tụy so với tuổi 32 của mình.
Một nữ bệnh nhân ung thư phổi đang điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TP HCM
PGS-TS-BS Phạm Hùng Cường, Trưởng Khoa Ngoại 2 BV Ung bướu, cho biết trong số bệnh nhân ung thư phổi được phẫu thuật hằng tuần, nữ giới chiếm 1/3. Theo BS Cường, yếu tố nguy cơ cao dẫn đến ung thư phổi là khói thuốc lá. Ở nữ, nguy cơ hàng đầu là do hút thuốc lá thụ động. Ngoài ra, còn các tác nhân khác như ô nhiễm không khí, bụi amiăng, khí radon (trong vật liệu xây dựng)…
Về điều trị, theo TS-BS Vũ Văn Vũ, Trưởng Khoa Nội 1 BV Ung bướu, mỗi năm, BV tiếp nhận khoảng 1.000 ca ung thư phổi mới, trong đó 80%-85% ở giai đoạn muộn, di căn xa khiến việc điều trị vô cùng khó khăn, hiệu quả không cao. Số người đến khám khi bệnh còn ở giai đoạn khu trú, có thể can thiệp tốt bằng phẫu thuật ước tính chỉ khoảng 15%-20%.
Lời cảnh tỉnh
Thực trạng bệnh nhân ung thư phổi đang tăng báo động ở cả nam và nữ. Theo BS Phạm Hùng Cường, đến nay, chưa có phương pháp nào hiệu quả trong việc phát hiện và điều trị ung thư phổi, kể cả y khoa thế giới. Điều tra dịch tễ cho thấy ở nước ta, bệnh ung thư phổi hiện đứng đầu ở cả hai giới, theo tần suất được xác định là 31,8/100.000 dân (với nam) và 13,6/100.000 dân (nữ).
Các chuyên gia cho biết khói thuốc có chứa 200 chất gây bệnh ung thư. Người hút thuốc lá thụ động chịu nguy hại gấp 20 lần so với người hút trực tiếp. Ung thư phổi tiến triển từ từ, khi khối u đạt đến kích thước nhất định, lan sang các cơ quan khác thì mới gây ra các triệu chứng lâm sàng. Chỉ đến khi khối u to ra, xâm lấn vào đường thở và các cấu trúc lân cận, bệnh mới gây ra triệu chứng thường gặp.
Theo BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang, Trưởng Khoa Sản BV Hùng Vương (TP HCM), coumarin là một trong những hóa chất gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe thai phụ. Coumarin có thể gây sẩy thai, dị tật thai nhi nếu trong giai đoạn thai kỳ, người mẹ có tiếp xúc với độc chất này.
“Người hút thuốc đang bào mòn cuộc sống của những người thân yêu mà không biết. Đến khi điều tồi tệ xảy ra thì việc bỏ hút thuốc hay hối hận ăn năn gì cũng đã muộn. Câu chuyện cô giáo H. thật sự là lời cảnh tỉnh đối với những người đàn ông đang chìm sâu trong khói thuốc” - một chuyên gia nhấn mạnh.
Trong số gần 9.000 ca ung thư mới mắc mỗi năm tại TP HCM, hơn 700 ca ung thư phổi là nam và gần 450 ca là nữ. 53% người Việt hút thuốc thụ động Theo Bộ Y tế, Việt Nam nằm trong nhóm những nước có tỉ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới với tỉ lệ hút thuốc thụ động trong nhà là hơn 53% (28,5 triệu người), tại nơi làm việc là gần 37%, trường học là 16%. PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, cho biết khói thuốc mà người hút thải ra không khí xung quanh gấp 5 lần lượng khói hít vào. Người không hút thuốc nhưng làm việc thường xuyên trong môi trường có khói thuốc có thể hít vào lượng khói thuốc tương đương với hút 5 điếu/ngày. Trên phạm vi toàn cầu, mỗi năm có 600.000 người chết vì khói thuốc thụ động, trong đó phụ nữ chiếm tỉ lệ cao nhất. Việt Nam chuẩn bị ghép phổi PGS-TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BV Phổi trung ương, ngày 8-1 cho biết BV đang phối hợp với các chuyên gia nước ngoài xây dựng chương trình ghép phổi cho người bệnh tại Việt Nam. Để chuẩn bị cho ca ghép phổi đầu tiên dự kiến thực hiện vào đầu năm 2018, BV sẽ cử một kíp cán bộ đi học tập nước ngoài. BV đang thực hiện đề tài cấp bộ về sàng lọc những người bệnh có chỉ định ghép, nghiên cứu việc điều trị trước ghép và chuẩn bị chờ ghép. Theo PGS Nhung, việc ghép phổi phát triển rất mạnh trên thế giới, số ca ghép liên tục tăng qua các năm. Tại Việt Nam, hiện có khoảng 1,5 triệu người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và nếu đã ở giai đoạn cuối, người bệnh sẽ có chỉ định ghép phổi. Ngoài ra, nhiều căn bệnh khác cũng được chỉ định ghép phổi như: xơ phổi, xơ nang phổi giai đoạn cuối... Trước đó, BV Phổi trung ương đã khởi công xây dựng trung tâm công nghệ cao và ghép phổi hiện đại ngang tầm với quốc tế. Trung tâm có 10 phòng mổ, trong đó có 2 phòng mổ đặc biệt phục vụ cho các kỹ thuật phẫu thuật lồng ngực và ghép phổi… N.Dung |