Chơi đá bóng, nam thanh niên bị hoại tử tinh hoàn, không thể cứu chữa

Sự kiện: Sinh lý nam giới

Nam thanh niên này bị thương ở vùng “hạ bộ” nhưng không đến viện điều trị ngay sau chấn thương mà để quá 24 giờ nên một bên tinh hoàn đã bị hoại tử, không thể cứu chữa.

Ngày 24/12, BS Đinh Hữu Việt, Trưởng Khoa Ngoại Tiết niệu, BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận một nam thanh niên 18 tuổi trong tình trạng tinh hoàn đau dữ dội.

Nam thanh niên này gặp nạn khi chơi đá bóng. Sau đó tinh hoàn hơi sưng nhưng nghĩ chỉ đau nhẹ do chấn thương nên không đi khám. Hai ngày sau, tình trạng đau tăng dần nên nam thanh niên mới đến viện kiểm tra.

Nam thanh niên này gặp nạn khi chơi đá bóng. (Ảnh minh họa)

Nam thanh niên này gặp nạn khi chơi đá bóng. (Ảnh minh họa)

Vì không đến viện điều trị ngay sau chấn thương mà để quá 24 giờ nên một bên tinh hoàn đã bị hoại tử, không thể cứu chữa. Bác sĩ Việt phẫu thuật cắt bỏ một bên tinh hoàn cho nam thanh niên.

Bác sĩ Đinh Hữu Việt, người khám trực tiếp cho bệnh nhân, nhận định bệnh nhân bị xoắn tinh hoàn. Tinh hoàn của nam thanh niên tự xoay quanh trục gây tắc nghẽn đột ngột thừng tinh, làm giảm hoặc tắc lượng máu đến tinh hoàn.

Bác sĩ Việt cho biết thanh thiếu niên tuổi 10-25 thường bị xoắn tinh hoàn. Hiện nay, chưa rõ nguyên nhân chính xác của bệnh, một số tác nhân thường gặp là do chấn thương, bị viêm, sự chuyển đổi đột ngột nội tiết tố trong cơ thể khi bước vào tuổi dậy thì... Xoắn tinh hoàn nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây biến chứng hoại tử, mất tinh hoàn, nhiễm khuẩn, vô sinh thứ phát, biến dạng tinh hoàn.

Nam giới chỉ còn một bên tinh hoàn, nhu cầu sinh lý không thay đổi, tuy nhiên khả năng có con giảm ít nhất 50%. Do một bên bị xoắn tinh hoàn sẽ ức chế bên còn lại trong việc sản xuất tinh trùng, chưa kể yếu tố tâm lý.

Bị xoắn tinh hoàn nếu điều trị trước 6 giờ, tỷ lệ thành công 90-100%. Điều trị sau 12 giờ đến 24 giờ kể từ khi có triệu chứng, chỉ 10% khả năng cứu được, nguy cơ cao phải cắt bỏ tinh hoàn bị xoắn.

Bác sĩ khuyến cáo nam giới có biểu hiện đau tinh hoàn đột ngột, không sốt, không đái buốt, đặc biệt thanh niên dưới 18 tuổi chưa có quan hệ tình dục mà bị đau buốt đột ngột bộ phận sinh dục, tinh hoàn treo cao hơn bên đối diện... cần đến bệnh viện khám ngay.

“Chẩn đoán nhanh chóng tình trạng xoắn tinh hoàn đóng vai trò rất quan trọng để bảo tồn khả năng sinh con của bệnh nhân. Tỷ lệ bảo tồn được xấp xỉ 100% trong 3 giờ đầu, 83 - 90% trong 5 giờ, 75% trong 8 giờ, và 50 - 70 % trong 10 giờ”, BS Việt khuyến cáo.

Các yếu tố nguy cơ bị xoắn tinh hoàn:

- Tuổi: Thường gặp nhất ở nam giới từ 10 - 25 tuổi.

- Tiền sử bị xoắn tinh hoàn: nếu bệnh nhân đã từng bị xoắn tinh hoàn nhưng các triệu chứng đã thuyên giảm không cần điều trị vẫn có khả năng mắc bệnh trở lại.

- Thời tiết: xoắn tinh hoàn thường xuất hiện khi thời tiết lạnh, chẳng hạn bạn đi nghỉ mát ở vùng núi cao có nhiệt độ lạnh.

- Bất thường bẩm sinh: bất thường quả lắc chuông dẫn đến trục dài của tinh hoàn nằm ngang thay vì theo trục thẳng của cơ thể, khiến tinh hoàn xoay trên thừng tinh, gây tắc tĩnh mạch và tụ máu, với hệ quả là thiếu máu động mạch và hoại tử tinh hoàn.

- Do chấn thương, tác động của ngoại lực.

Nguồn: [Link nguồn]

Xoắn tinh hoàn... vì quần jeans

Mặc quần jeans bó sát trong thời gian dài có thể gây xoắn tinh hoàn, nhiễm nấm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Sinh lý nam giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN