Cho phép bác sĩ kê đơn TPCN: Cần cân nhắc
Bác sĩ nên có trách nhiệm tư vấn, trả lời bệnh nhân sử dụng sản phẩm chứ không nên kê toa, vì kê toa cũng là hình thức ép bệnh nhân sử dụng.
Tại hội thảo Thực phẩm chức năng (TPCN): “Vai trò trong dự phòng, thực trạng quản lý và định hướng trong thời gian tới” do bộ Y tế kết hợp với tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức vào ngày 30/11 vừa qua, nhiều nhà quản lý cho rằng nên để bác sĩ kê toa và hướng dẫn người bệnh sử dụng TPCN sẽ có lợi cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại hoài nghi rằng việc này không ổn.
Thế giới nơi cho nơi không
PGS.TS Nguyễn Thanh Long, thứ trưởng bộ Y tế cho biết: Các nước EU trước đây không cho ghi bất kỳ tác dụng nào trên nhãn TPCN nhưng bác sĩ được kê đơn, hướng dẫn. Gần đây, Hà Lan và Thuỵ Điển đã thay đổi quan điểm này. Một số nước cho phép ghi tác dụng trên nhãn sản phẩm nhưng bác sĩ không được kê đơn (trong đó có Việt Nam).
Thông tư 04 năm 2008 về quy chế kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú của bộ Y tế không cho thầy thuốc kê TPCN trong đơn thuốc. Tuy nhiên, bằng nhiều cách khác nhau, các bác sĩ vẫn lén lút kê TPCN.
Ông Long cũng cho biết, về vấn đề kê đơn TPCN, bộ Y tế đã bàn thảo nhiều lần với hiệp hội Thực phẩm chức năng, các nhà sản xuất, hiệp hội người tiêu dùng và khối cận lâm sàng. Nói về việc bác sĩ kê toa TPCN cho bệnh nhân, hiện nay có hai luồng ý kiến: một luồng cho rằng cần đưa TPCN vào đơn thuốc để làm tăng sự tin tưởng của bệnh nhân vào TPCN. Luồng ý kiến khác lại nói không nên đưa vào để tránh lạm dụng, bắt buộc bệnh nhân phải mua, đồng thời tránh việc tiếp thị của các hãng TPCN với bác sĩ.
Có nên cho phép bác sĩ kê toa thực phẩm chức năng cho bệnh nhân hay không đang là chủ đề gây tranh luận. Ảnh chỉ mang tính minh hoạ. Ảnh: TL
Bộ Y tế đã dự thảo thông tư mới và chuẩn bị ban hành. Trong đó sẽ cho phép bác sĩ kê đơn nhưng phải ghi rõ đơn TPCN để tránh lạm dụng. Thông tư cũng quy định đối tượng được phép kê đơn phải là bác sĩ, cán bộ dinh dưỡng có chuyên môn, đã qua tập huấn. Cho phép kê đơn TPCN sẽ là giải pháp để tránh tình trạng người dân đồn thổi truyền tai nhau dẫn tới sử dụng TPCN không đúng.
Tại buổi hội thảo, bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho rằng ngay thuốc cũng có loại kê đơn và không kê đơn. TPCN ở nước ngoài được bán trong siêu thị không cần kê đơn. Ở ta, nếu kê đơn TPCN thì dư luận cho rằng bác sĩ lạm dụng và hỏi bệnh đó có cần thiết dùng TPCN không, bảo hiểm y tế sẽ phàn nàn không chấp nhận thanh toán hoặc người dân phàn nàn bộ Y tế cho kê đơn để tận thu.
Khó khả thi
Đứng về góc độ của những nhà quản lý bệnh viện, nhiều bác sĩ cho rằng, việc cho phép bác sĩ kê toa TPCN cho bệnh nhân cần phải cân nhắc rồi mới ban hành quy định. Bởi hiện nay chỉ riêng việc quản lý thuốc ở nước ta còn chưa nổi, nay thêm việc kiểm soát TPCN nữa thì càng khó.
BS Phan Văn Nghiệm, phó giám đốc bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho rằng, việc kê toa hay không kê toa tuỳ theo sự quản lý của từng quốc gia, vấn đề là phải đưa ra những thông tin chính xác trên nhãn mác về hàm lượng, công dụng, những cái không tốt của sản phẩm không phù hợp cho người nào, độ tuổi nào nên sử dụng… Khi người dân sử dụng TPCN nên có sự tư vấn của thầy thuốc. Nhưng nếu đưa ra quy định nên cho bác sĩ kê toa thì khó cho các cơ quan quản lý.
Về góc độ nhà quản lý bệnh viện, TS.BS Nguyễn Trường Sơn, giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, cho rằng, nguồn TPCN đa dạng và nhiều nhưng chưa được nghiên cứu đầy đủ như thuốc, vì thế không nên cho bác sĩ kê toa, không nên mở rộng quyền cho y bác sĩ nhiều quá. Các cơ quan quản lý cần có những tiêu chuẩn, những hàng rào chứng minh rõ ràng về sản phẩm. Bác sĩ nên có trách nhiệm tư vấn, trả lời bệnh nhân sử dụng sản phẩm chứ không nên kê toa, vì kê toa cũng là hình thức ép bệnh nhân sử dụng.
Còn khó trong kiểm soát và quản lý Theo cục An toàn thực phẩm – bộ Y tế, trong mười năm trở lại đây, TPCN tại Việt Nam phát triển rất nhanh, hiện có gần 10.000 sản phẩm, trong đó, nhập khẩu chiếm gần 40%. Cả nước hiện có khoảng gần 1.800 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh TPCN và năm sau tăng hơn năm trước. TPCN phát triển quá nhanh trong khi các văn bản chưa theo kịp, công tác thanh tra, truyền thông đến sản xuất kinh doanh tiêu dùng còn hạn chế. Việc kiểm nghiệm còn khó khăn trong định lượng, hàm lượng nên còn gặp nhiều bất cập trong quản lý. Theo TS Trần Quang Trung, cục trưởng cục An toàn thực phẩm, TPCN là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của cơ thể con người, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh, bao gồm thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm dinh dưỡng y học… Vì là thực phẩm nên Nhà nước không quản lý về giá, giá đội lên cao như hiện nay là do tình trạng bán hàng đa cấp. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, phó chủ tịch, tổng thư ký hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, cho rằng nạn hàng giả, hàng lậu, hàng không nhãn mác, hoặc thông tin không đầy đủ, không chính xác đã làm cho thị trường TPCN “vàng, thau” lẫn lộn. Hoàng Nhung |