Chính thức bước vào giai đoạn 2 của cuộc chiến: Việt Nam ứng phó với Covid-19 như thế nào?
“Điều quan trọng nhất thời điểm hiện tại là phải tiếp tục kiên trì thực hiện nghiêm nguyên tắc chống dịch, đó là ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch”, đại diện Bộ Y tế nói.
Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn 2 của cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 khi đã có 31 ca dương tính.
Trước tình hình này, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã chia sẻ về các biện pháp ứng phó của ngành y tế.
Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn 2 của cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 khi đã có 31 ca dương tính.
Theo ông Khuê, chúng ta đã lường trước các khả năng, đồng thời có kịch bản sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống, ngay cả khi có hàng ngàn ca nhiễm bệnh. Điều quan trọng nhất thời điểm hiện tại là phải tiếp tục kiên trì thực hiện nghiêm nguyên tắc chống dịch, đó là ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch.
Để giảm thiểu sự lây lan của dịch bệnh, trong hai ngày qua, các thành viên trong Ban chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia và các ban chỉ đạo phòng chống dịch các địa phương đã kích hoạt tích cực theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19.
Cụ thể, từ các cơ quan Công an cửa khẩu đến các bộ, ban, ngành và Bộ Y tế trực tiếp tham mưu chuyên môn triển khai phương án khai báo sức khỏe toàn dân qua các nhà mạng để nắm bắt tình hình sức khỏe và khả năng lây lan của bệnh dịch (nếu có).
Đặc biệt, vừa qua Bộ Y tế đã chính thức vận hành Trung tâm quản lý, điều hành hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị người bệnh Covid-19 nhằm kết nối mạng lưới các cơ sở khám chữa bệnh có khả năng thu dung chẩn đoán và điều trị người bệnh Covid- 19 để hỗ trợ kịp thời trong trường hợp dịch bệnh xảy ra trên diện rộng.
Trong trường hợp bất kỳ cơ sở khám chữa bệnh có điều trị người bệnh Covid-19, Trung tâm điều hành sẽ thiết lập điểm cầu để đảm bảo việc giám sát, hỗ trợ từ xa về chuyên môn chẩn đoán điều trị người bệnh Covid-19 tại chỗ.
Trung tâm này ra đời hạn chế tối đa việc chuyển người bệnh lên tuyến trên không cần thiết. Xây dựng hệ thống thông tin giám sát tình hình dịch bệnh, ghi nhận diễn biến từng ca bệnh lâm sàng tại các cơ sở khám chữa bệnh, các cơ sở xét nghiệm.
Tại các cơ sở điều trị, Bộ Y tế vẫn yêu cầu thực hiện phương châm 4 tại chỗ: “cách ly tại chỗ”, “điều trị tại chỗ”, “nguồn lực tại chỗ” và “chỉ huy tại chỗ”. Cùng với các biện pháp rất tích cực, tập trung phát hiện sớm, điều trị và cách ly tất cả các trường hợp người bệnh có biểu hiện đến từ vùng dịch, có triệu chứng bệnh. Khi đến cửa bệnh viện khẩn trương cách ly, dự phòng để tránh lây nhiễm, tránh tử vong cho người mắc Covid-19.
Cũng theo Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, trong phòng chống dịch Covid-19, việc kiểm soát ca bệnh xâm nhập, cách ly người nghi nhiễm và nhiễm có vai trò tối quan trọng.
Chẳng hạn, tại Hà Nội, ngay sau khi phát hiện ca bệnh đầu tiên, TP Hà Nội đã thực hiện quyết liệt trong vấn đề khẩn trương xác minh tất cả những người tiếp xúc trực tiếp F1, F2 đối với các trường hợp dương tính với Covid-19. TP Hà Nội cũng làm rõ được những người tiếp xúc gần F1, F2, F3; lịch trình sinh hoạt của các bệnh nhân; biết đến đâu cách ly đến đó, xử lý rất triệt để.
“Quan điểm của ngành Y tế là không chỉ tập trung vào một trường hợp nhiễm bệnh mà địa phương nào đã có ca mắc bệnh phải quyết liệt trên địa bàn toàn tỉnh, không để "lọt" trường hợp mắc, gây nguy hiểm cho cộng đồng”, ông Khuê nói.
Lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh khuyến cáo người dân nên tin tưởng vào hệ thống y tế, vào sự nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, từ đó hạn chế những thông tin tiêu cực, tăng dần thông tin tích cực chung tay phòng chống đại dịch này ở Việt Nam và trên thế giới.
Đồng thời, người dân cần tự giác, bình tĩnh cùng hợp tác, cùng chung tay với Chính phủ, với ý thức cao nhất về sức khỏe chung của cộng đồng để có những hành động thiết thực nhất phòng chống dịch Covid-19.
Bộ Y tế cũng mong mỏi sự vào cuộc quyết liệt, nỗ lực của các thầy thuốc, sự hợp tác của người bệnh, đồng lòng của người dân với tinh thần "chống dịch như chống giặc”, “không được chủ quan, không để dịch lây lan” để nhanh chóng khống chế dịch.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19: - Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi. - Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác. - Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế. - Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095. |
Nguồn: [Link nguồn]
Bộ Y tế cho biết, đến 8h ngày 10/3, thế giới ghi nhận 114.343 ca mắc trong đó có 4.025 ca tử vong.