Chia đôi lá gan của một người chết não ghép cho hai bệnh nhân

Sự kiện: Sống khỏe
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

TP HCM - Một người đàn ông 44 tuổi chết não, lá gan được chia đôi ghép cho một bé gái 9 tháng tuổi và một bệnh nhân nam 53 tuổi.

Đây là kỹ thuật lần đầu tiên được thực hiện tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM. Người hiến khi còn sống có nguyện vọng được hiến tạng, nay bị tai nạn giao thông đột ngột qua đời và được gia đình tôn trọng ý nguyện.

Hai người bệnh trên đang điều trị tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM phù hợp với các chỉ số gan của người hiến. Trong đó, người đàn ông 53 tuổi bị ung thư gan và xơ gan nặng do viêm gan B, đã tìm kiếm cơ hội ghép gan từ lâu nhưng không ai trong gia đình phù hợp do khác nhóm máu và mắc bệnh viêm gan B tiềm ẩn. Người thứ hai là bé gái 9 tháng tuổi bị xơ gan ứ mật nguyên phát, đã nhiều lần nôn ra máu do biến chứng và đang trong tình trạng nguy kịch.

Vấn đề là chỉ có một lá gan trong khi hai bệnh nhân đều cần. Sau hội chẩn, các bác sĩ quyết định chia đôi lá gan của người hiến để cùng lúc ghép cho cả hai bệnh nhân này. Lá gan bao gồm hai phần, phải và trái, với cấu trúc mạch máu và ống mật riêng biệt nhưng kết nối với nhau.

"Mặc dù khá phức tạp, nhưng nếu tính toán và phẫu thuật khéo léo hoàn toàn có thể tách gan thành hai mảnh ghép riêng biệt", TS.BS Trần Công Duy Long, Trưởng đơn vị Ung thư gan mật và Ghép gan, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết. Như vậy, mảnh gan lớn hơn sẽ ghép cho bệnh nhân nam lớn tuối, và mảnh nhỏ hơn dành cho bé gái. Khoa học đã chứng minh rằng các mảnh ghép này sẽ phát triển và lớn lên cùng cơ thể người nhận, giúp họ có một cuộc sống mới.

Ngày 22/8, sau lễ mặc niệm tri ân, ca phẫu thuật lấy tạng được tiến hành. Lá gan sau khi lấy ra khỏi cơ thể người hiến được các bác sĩ tách đôi trên mâm phẫu thuật. Mục tiêu là phải đảm bảo các mạch máu và ống mật của hai mảnh ghép thật tốt, phù hợp với người nhận tạng, để việc ghép sau đó diễn ra thuận lợi. Đồng thời với ca lấy và tách gan từ người hiến, các êkíp khác tiến hành phẫu thuật cắt bỏ gan ở hai người bệnh.

Sau đó, quá trình ghép tạng được thực hiện một cách đồng bộ và chính xác. Khi mảnh gan ghép được tái tưới máu đã nhanh chóng hồi phục chức năng và bắt đầu tiết ra những giọt mật đầu tiên - dấu hiệu cho thấy gan hoạt động.

Hiện, bệnh nhân nam đã tỉnh táo, chức năng gan hồi phục. Bé gái còn ở phòng hồi sức nhưng sức khỏe ổn định.

Các bác sĩ Bệnh viện Y Dược TP HCM thực hiện ca ghép gan chia đôi cho hai bệnh nhân, hôm 22/8. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Các bác sĩ Bệnh viện Y Dược TP HCM thực hiện ca ghép gan chia đôi cho hai bệnh nhân, hôm 22/8. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

BS Long cho biết chia gan để ghép cho hai người bệnh là một kỹ thuật khó, đòi hỏi đội ngũ nhân viên y tế phải có kiến thức, kinh nghiệm và kỹ thuật cao. Thành công của ca chia gan lần này không chỉ giúp cứu sống hai người bệnh mà còn góp phần giải quyết vấn đề khan hiếm tạng ghép hiện nay.

"Hy vọng ngày càng có nhiều người hiểu rõ giá trị của việc hiến tạng, vì tạng hiến không chỉ cứu sống một mà có thể cứu sống nhiều người bệnh", bác sĩ Long nói.

Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM đến nay đã tiến hành thành công 48 ca ghép thận, 53 ca ghép gan và vừa thực hiện ca ghép tim đầu tiên hôm 24/8.

Sau 32 năm ghép tạng và 14 năm lấy tạng từ người cho chết não, các bệnh viện cả nước đã thực hiện hơn 8.000 ca ghép. Hiện, gần 4.000 người trong danh sách chờ ghép, chủ yếu là bệnh nhân chờ ghép thận và gan.

Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) vừa thực hiện thành công ca ghép gan đặc biệt đầu tiên tại Việt Nam cho bé gái mắc hội chứng Budd Chiari rất hiếm gặp.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mỹ Ý ([Tên nguồn])
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN