Chết oan vì dị ứng thuốc

Khảo sát gần đây trên các bệnh nhân bị dị ứng thuốc điều trị tại Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội) cho thấy hơn 60% do tự dùng thuốc, không theo đơn của bác sĩ.

Bệnh nhi Trần Xuân B., 8 tuổi, ở Nghệ An, phải mất gần 1 tháng điều trị tích cực vì dị ứng thuốc Paracetamol. Theo mẹ B., trước đó bé bị cảm, sốt nên chị ra hiệu thuốc gần nhà kể bệnh để nhân viên kê toa. Thế nhưng, chỉ sau vài giờ uống thuốc, người B. có biểu hiện mẩn đỏ, 2 mắt sưng húp, toàn thân nổi đầy nốt phỏng, đau rát, chảy nước...

Tự làm thầy thuốc!

Bà Bùi Thị M., 56 tuổi, ở Nam Định đã trải qua những giờ phút chết đi sống lại chỉ vì mấy viên thuốc chống say tàu xe. Theo bà M., vốn bị say xe nên bà rất hay sử dụng thuốc chống say. Trong một lần có việc phải đi xa mà lại quên chuẩn bị thuốc, lúc bước lên xe thấy mấy người bán dạo mời chào loại chống say, bà mua liền. Chỉ với 10.000 đồng, bà đã có một gói nhỏ gồm 3 loại thuốc chống say lẫn bổ thần kinh. Tuy nhiên, sau vài giờ uống thuốc, bà M. thấy người bứt rứt khó chịu, trên da nổi nhiều đám ban đỏ; hôm sau, mắt và miệng phù nề, mặt biến dạng. Tại Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng,  bà được chẩn đoán bị hội chứng Stevens Johnson do dị ứng thuốc.

Chết oan vì dị ứng thuốc - 1

Quá dễ dãi trong việc sử dụng thuốc có thể gây nhiều tác hại nguy hiểm.

Một trường hợp khác là ông Ngô Mạnh T., 67 tuổi, ở Thường Tín - Hà Nội cũng phải nhập viện sau khi được một y tá gần nhà tiêm cho một loại thuốc kháng sinh không rõ tên để điều trị tình trạng viêm mũi họng. Tại bệnh viện, ông được chẩn đoán mắc hội chứng Lyell do dị ứng thuốc. Do tình trạng quá nặng, ông T. đã tử vong sau hơn 3 tuần điều trị.

Theo PGS-TS Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, phản ứng đầu tiên và thường gặp nhất sau khi dùng thuốc là dị ứng. TS Đoàn cho biết mỗi tuần, trung tâm tiếp nhận hàng chục bệnh nhân bị dị ứng thuốc đến khám và điều trị, trong đó khoảng 20% có các biểu hiện nặng như sốc phản vệ, hồng ban đa dạng. Đáng nói là có một số lượng lớn bệnh nhân bị dị ứng do tự ý dùng thuốc hoặc sử dụng thuốc không theo hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ.

Một khảo sát gần đây trên các bệnh nhân bị dị ứng thuốc điều trị tại Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng cho thấy hơn 60% do tự dùng thuốc không theo đơn của bác sĩ. Ngoài ra, phần lớn bệnh nhân không biết mình được sử dụng những loại thuốc nào, tác dụng và độc tính ra sao. Chỉ có khoảng 24% bệnh nhân có thể nhớ và kể được hết tên các loại thuốc mà mình đã sử dụng và 44% không biết, không nhớ mình đã dùng thuốc gì.

Tùy tiện, thiếu khoa học

Theo TS Đoàn, bên cạnh thuốc tây, gần đây còn xuất hiện nhiều trường hợp di ứng đông y, vitamin các loại và thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, dị ứng thuốc xảy ra nhiều với bệnh nhân sử dụng thuốc kháng sinh, hạ sốt, giảm đau, chống viêm… Trong kháng sinh, họ thuốc Betalactam gây dị ứng nhiều nhất và tỉ lệ tử vong do dị ứng thuốc ở 2 thể Stevens  Johnson và Lyell chiếm cao nhất. “Steven Johnson là hội chứng cấp tính trên da và niêm mạc khá thường gặp do thuốc. Các triệu chứng của hội chứng này xuất hiện vài ngày hay vài tuần sau khi uống thuốc. Bệnh nhân bị sốt cao, mệt mỏi, khắp người nổi ban đỏ, bọng nước hoặc bị lột da” - TS Đoàn nói.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Trường, Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, cho hay không chỉ người bệnh tùy tiện mua hoặc dùng thuốc qua mách bảo mà còn có tình trạng không ít nhà thuốc tư nhân thường tự chế sẵn các gói thuốc “thập cẩm” dùng trong một số chỉ định thông thường như chữa cảm cúm, viêm họng, chống say tàu xe… để bán theo yêu cầu của khách. Hầu hết những gói thuốc “tự chế” này không có đầy đủ nhãn mác và hàm lượng, hạn dùng. Thậm chí, có những thuốc được đưa vào một cách không cần thiết, làm tăng nguy cơ dị ứng, nhiễm độc và tương tác thuốc.

“Đáng ngạc nhiên là nhiều bệnh nhân, kể cả một số người có trình độ, vẫn dễ dàng chấp nhận cách điều trị tùy tiện và thiếu khoa học như vậy. Có những trường hợp chỉ mắc những bệnh hết sức thông thường nhưng đã tử vong một cách oan uổng do dùng thuốc” - bác sĩ Trường lo ngại.

Báo với bác sĩ thuốc từng gây dị ứng

Bác sĩ Trường khuyến cáo người bệnh nên giữ lại những loại thuốc có thể là nguyên nhân gây dị ứng. Để giảm bớt nguy cơ bị dị ứng do thuốc, người bệnh nên thông báo với bác sĩ điều trị tên loại thuốc mà mình đã từng bị dị ứng trong mỗi lần đi khám. Nếu người bệnh không thể nhớ hoặc xác định được loại thuốc mà mình đã sử dụng, thầy thuốc sẽ rất khó xác định nguyên nhân gây dị ứng, dẫn đến khó khăn trong việc lựa chọn thuốc điều trị, đặc biệt khi người bệnh bị các thể dị ứng nặng, có chỉ định dùng kháng sinh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khánh Anh (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN