Chật vật phòng chống HIV/AIDS

HIV/AIDS ở Việt Nam đang có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, dịch HIV vẫn diễn biến phức tạp trong bối cảnh nguồn kinh phí tài trợ từ nước ngoài đang bị cắt giảm dần.

Theo thống kê của Cục Phòng chống HIV/AIDS, số người có HIV mới được phát hiện hằng năm giảm mạnh, từ mức 30.846 ca vào năm 2007 xuống còn 16.086 ca vào năm 2009 và còn 14.127 ca vào năm 2012. Số người nhiễm AIDS và tử vong do AIDS cũng giảm đáng kể. So sánh số liệu từ tháng 5-2011 và tháng 5-2013, số người nhiễm AIDS giảm 2.003 ca, số người tử vong do AIDS cũng giảm 733 ca.

Kinh phí đang cạn dần

Có được những thành quả trên là do Việt Nam đẩy mạnh thực hiện các dự án phòng chống HIV, trong đó phần lớn là từ nguồn tài trợ quốc tế. Vì thế, khi viện trợ thế giới bị cắt giảm sẽ là thách thức lớn đối với công tác phòng chống HIV/AIDS.

Theo BS Trần Thịnh, Phó chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban Phòng chống HIV/AIDS, từ năm 2005, chương trình miễn phí thuốc kháng virus (ARV) được thực hiện là nhờ có nguồn tài trợ từ các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên hiện nay, nguồn tài trợ này đang bị cắt giảm dần, năm 2013 cắt giảm khoảng 20%, dự báo đến năm 2017 sẽ cắt giảm hoàn toàn.

Chật vật phòng chống HIV/AIDS - 1

Khám và điều trị HIV miễn phí tại một phòng khám ngoại trú ở TP HCM

Theo anh Nguyễn Minh Hiếu, thành viên của nhóm tự lực Nụ Cười - một nhóm hoạt động, tiếp cận, tư vấn cho những người có HIV tại TP HCM, nguồn tài trợ cạn thì người bị HIV sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì đa số họ là lao động phổ thông, đời sống kinh tế khó khăn. Hiện những người này đang được uống thuốc miễn phí nhưng khi không còn nguồn tài trợ thì phải bỏ tiền ra mua. Anh N.N.H.Đ (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) cho biết anh đang uống thuốc ARV miễn phí, thấy sức khỏe đã cải thiện nhiều, chất lượng cuộc sống tăng lên nhưng nếu phải bỏ tiền ra mua thuốc thì không thể tiếp tục điều trị vì điều kiện khó khăn.

Thách thức lớn

Theo ThS Chu Quốc, nguyên Phó cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, tình hình HIV đã giảm ở những năm gần đây, tuy nhiên dịch HIV lại đang diễn biến phức tạp, tiếp tục lan rộng về địa dư. Tính đến hết tháng 12-2012 đã có hơn 79% xã, phường; hơn 98% số quận, huyện và 100% tỉnh, TP trong cả nước phát hiện người có HIV/AIDS. Mặt khác, sự lây truyền HIV qua quan hệ tình dục có xu hướng gia tăng, cảnh báo sự lây lan của dịch trong cộng đồng dân cư, bao gồm cả những nhóm người được coi là có nguy cơ thấp, làm cho công tác phòng chống HIV/AIDS trở nên khó khăn hơn.

Các biện pháp tiên quyết cho việc phòng chống HIV/AIDS một cách căn bản là nghiên cứu thành công vắc-xin chống HIV và thuốc điều trị bệnh AIDS nhưng triển vọng đó có thể đến năm 2020 vẫn chưa có kết quả khả quan. Bên cạnh đó, do khủng hoảng kinh tế toàn cầu và rất nhiều yếu tố khác khiến nguồn viện trợ quốc tế bị cắt giảm. Việc cắt giảm này rõ rệt nhất là từ năm 2011 trở lại đây. Từ đó đòi hỏi Việt Nam phải đầu tư tiếp, phải kiên trì trong công tác phòng chống HIV/AIDS, thúc đẩy các hoạt động phòng chống AIDS, tăng sự cam kết của chính quyền địa phương, sự tham gia của người dân trong công tác phòng chống HIV/AIDS.

Ông Đặng Đôn Tuấn, Phó Giám đốc Quỹ Dự án toàn cầu, cho biết hiện nay Bộ Y tế đang làm việc với BHYT Việt Nam để thực hiện BHYT cho những người bị HIV, đưa thuốc điều trị HIV vào danh mục thuốc được cấp của BHYT. Từ nay đến năm 2015, Chính phủ sẽ cấp khoảng 3.700 tỉ đồng cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS, nếu thiếu thì Bộ Y tế báo cáo lại và Chính phủ sẽ lo các nguồn ngân sách nhằm bảo đảm duy trì và phát triển các hoạt động phòng chống HIV/AIDS.

HIV lây qua đường tình dục tăng nhanh

Theo thống kê từ Cục Phòng chống HIV/AIDS, chiều hướng lây truyền của HIV đang có sự thay đổi rõ rệt. Những năm trước, HIV lây truyền qua đường máu là chính (năm 2006, HIV lây qua đường máu chiếm 60%, qua đường tình dục chỉ 18%) thì đến năm 2012, lây truyền qua đường máu giảm còn 42,1% (giảm 17,9%), trong khi lây qua đường tình dục tăng lên 45,5% (tăng 27,5%) so với năm 2006.

HIV lây qua đường máu chỉ lây truyền nhanh trong nhóm đối tượng có nguy cơ cao, trong khi lây truyền qua đường tình dục lại âm ỉ nhưng rất nguy hiểm vì nó hướng tới cả những đối tượng có nguy cơ thấp, khó phát hiện để phòng chống. Hơn nữa, đây cũng là nhu cầu sinh lý cơ bản của con người.

 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Đào (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN