Chất tăng trọng: Bộ cấm, bộ cho!

Chừng nào Bộ NN&PTNT và Bộ Y tế chưa thống nhất được công tác quản lý các chất tăng trọng thì chừng đó sức khỏe người dân còn bị đe dọa.

Khảo sát các mẫu chả lụa bày bán tại các chợ, cửa hàng, tiệm bánh mì, siêu thị trên địa bàn TP.HCM trước tết dương lịch 2015, Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM (Bộ Y tế) phát hiện 23 mẫu không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó có đến năm mẫu chứa chất tăng trọng Salbutamol với hàm lượng từ 1,73 µg/kg đến 16,5 µg/kg.

“Mặc dù phát hiện các chất tăng trọng nhưng cơ quan chức năng không thể xử lý cơ sở sản xuất, kinh doanh vì vướng quy định” - ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, bức xúc. “Một khi các chất tăng trọng vào cơ thể, sản sinh ra các hoóc môn sinh trưởng, hoóc môn sinh dục có thể gây biến đổi gien, làm dậy thì sớm ở trẻ, ảnh hưởng đến sự phát triển giống nòi”.

Thông tư chỏi nhau

Theo Thông tư 57/2012 “Quy định về việc kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm các chất cấm thuộc nhóm beta-agonist trong chăn nuôi” do Bộ NN&PTNT ban hành tháng 11-2012, các chất Clenbuterol, Salbutamol và Ractopamin bị cấm sử dụng trong chăn nuôi gia súc, gia cầm. Điều 7 của thông tư này cũng quy định khi các mẫu kiểm tra phát hiện dương tính với các chất cấm trên, cơ quan chức năng sẽ buộc cơ sở chăn nuôi, cơ sở kinh doanh tiêu hủy toàn bộ gia súc, gia cầm hay các sản phẩm gia súc, gia cầm.

Chất tăng trọng: Bộ cấm, bộ cho! - 1

Nhiều mẫu chả lụa bày bán trên thị trường TP.HCM có chứa chất tăng trọng Salbutamol có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Ảnh: TRẦN NGỌC

Tuy nhiên, Thông tư 24/2013 của Bộ Y tế ban hành ngày 14-8-2013 “Quy định mức giới hạn tối đa dư lượng thuốc thú y trong thực phẩm” lại chỉ quy định đối với chất Clenbuterol và Ractopamin mà không quy định đối với Salbutamol.

Chưa hết, thông tư này chỉ quy định mức giới hạn tối đa của chất Clenbuterol trong thực phẩm làm từ thịt trâu, bò, ngựa mà không quy định thực phẩm làm từ thịt heo, gà. Tương tự, đối với chất Ractopamin, thông tư nói trên chỉ quy định đối với thực phẩm làm từ thịt trâu, bò, heo mà không quy định thực phẩm làm từ gà.

Chất tăng trọng trong chả, dăm bông: Vô tư

Theo ông Thảo, Salbutamol là chất tăng trọng được phát hiện sử dụng phổ biến trong thực phẩm chế biến hiện nay nhưng “thoát” kiểm tra. Tương tự, Clenbuterol cũng độc hại không kém Salbutamol nhưng cũng “thoát” kiểm tra dù hiện diện trong thực phẩm làm từ thịt heo, gà. “Do không nằm trong quy định xử lý nên Salbutamol và Clenbuterol vô tư có mặt trong nhiều mẫu thực phẩm làm từ thịt heo, bò, gà như chả lụa, chả bò, dăm bông…” - ông Thảo cho biết.

Trước thực tế trên, tháng 8-2013, Chi cục Thú y TP.HCM đã có công văn kiến nghị Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) xem xét và đề xuất Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 24/2013 cho phù hợp với thực tế. Tháng 9-2013, Cục An toàn thực phẩm có công văn phúc đáp do Phó Cục trưởng Nguyễn Thị Khánh Trâm ký, cho rằng việc ban hành quy định mức giới hạn tối đa dư lượng thuốc thú y trong thực phẩm của Thông tư 24/2013 là phù hợp với khuyến cáo của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế Codex (do Tổ chức Nông lương Thế giới và Tổ chức Y tế Thế giới đồng sáng lập).

Ông Thảo nhận xét: “Codex đưa ra những tiêu chuẩn mang tính chất khuyến cáo cho các nước tham khảo. Tuy nhiên, theo tôi được biết tại mỗi nước đều xây dựng bộ tiêu chuẩn riêng phù hợp với tình hình thực tế của nước mình”. “Chừng nào chưa điều chỉnh lại thông tư trên thì chất tăng trọng vô tư hiện diện trong thực phẩm và người tiêu dùng phải gánh chịu thiệt thòi” - ông Thảo sốt ruột.

Ngày 15-1, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), khẳng định việc Bộ NN&PTNT quy định cấm sử dụng các chất thuộc nhóm beta-agonist, mà cụ thể là Clenbuterol, Salbutamol và Ractopamin trong chăn nuôi là rất cần thiết để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.

Tuy nhiên, trong thực phẩm thì vẫn cho phép một lượng tồn dư nhất định, tùy từng chất cụ thể, bởi trên thực tế hầu như không có thực phẩm nào sạch hoàn toàn. “Chúng ta phải chấp nhận một lượng tồn dư, ngay cả các nước tiên tiến trên thế giới như Mỹ họ cũng quy định một lượng tồn dư nhất định. Vì vậy phải quy định ngưỡng giới hạn tối đa cho phép” - ông Phong nói.

Trả lời câu hỏi tại sao Thông tư 24/2013 chỉ quy định đối với Clenbuterol và Ractopamin mà không quy định đối với Salbutamol, ông Phong cho biết quy định này xây dựng dựa trên tiêu chuẩn của Codex. “Trên thế giới cũng chưa có quy định với chất ấy nên chúng ta cũng chưa thể quy định ngưỡng với chất đó được” - ông Phong nhấn mạnh.

Huy Hà

Các chất tăng trọng Clenbuterol, Salbutamol và Ractopamin tồn đọng lâu ngày trong cơ thể gây nguy cơ mắc bệnh tim mạch, các bệnh liên quan hệ thần kinh.

TS PHAN THẾ ĐỒNG, nguyên Trưởng khoa Công nghệ thực phẩm Trường ĐH Nông lâm TP.HC

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Ngọc (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN