3 cách phòng, chung sống an toàn cho bệnh nhân mắc viêm gan B

Sự kiện: Viêm gan b

Việt Nam hiện có khoảng 10 triệu người nhiễm virus viêm gan B và gần 1 triệu người nhiễm virus viêm gan C.

Nhân ngày Viêm gan Thế giới (28/7), PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai đã có những chia sẻ xung quanh bệnh viêm gan.

Theo PGS Cường, Việt Nam hiện có khoảng 10 triệu người nhiễm virus viêm gan B và gần 1 triệu người nhiễm virus viêm gan C. Tuy nhiên, tỷ lệ người bệnh được phát hiện và quản lý còn rất khiêm tốn. Nếu không được kiểm soát tốt, nhiều người trong số đó sẽ tiến triển thành xơ gan hoặc ung thư gan. Hằng ngày, Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai ghi nhận nhiều bệnh nhân đến khám và nhập viện nhưng không biết bị nhiễm virus viêm gan B, C vì đa số có triệu chứng âm thầm, kín đáo, khi đến Bệnh viện đã có biến chứng xơ gan thậm chí ung thư gan.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân. 

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân. 

Mặc dù các bệnh nhân viêm gan hiện nay đều được phát hiện, quản lý và theo dõi định kỳ tại phòng khám chuyên khoa hoặc được uống thuốc theo chương trình bảo hiểm y tế nhưng một số bệnh nhân sau một thời gian uống thuốc thấy đỡ nên đã tự ý bỏ thuốc dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như suy gan cấp, xơ gan mất bù, ung thư gan,...

Hàng ngày, Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai ghi nhận nhiều bệnh nhân đến khám và nhập viện nhưng không biết bị nhiễm virus viêm gan B, C.

Điển hình là bệnh nhân Nguyễn Văn K. (64 tuổi, Hà Nam) vào viện ngày 21/7 với triệu chứng chán ăn, mệt mỏi, vàng da. Bệnh nhân phát hiện xơ gan - viêm gan mạn cách đây 1 năm, điều trị thuốc kháng virus tại tuyến tỉnh thấy có đỡ, tuy nhiên sau đó bệnh nhân bỏ thuốc 6 tháng nay.

Theo lời kể của người nhà, 1 tuần nay bệnh nhân mệt mỏi, ăn ngủ kém, đầy bụng. Bệnh nhân đang điều trị tiểu đường nên vào Bệnh viện Nội tiết khám, xét nghiệm thấy men gan tăng cao nên được chuyển đến Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai. Bệnh nhân được chẩn đoán viêm gan mạn, biến chứng xơ gan, suy gan,.. tiên lượng bệnh rất khó khăn.

PGS. Đỗ Duy Cường nhấn mạnh, điều trị viêm gan B là điều trị suốt đời nên bệnh nhân cần được theo dõi, quản lý chặt chẽ bởi bác sĩ chuyên khoa. Nếu ngừng thuốc, bỏ thuốc thì virus sẽ bùng lên dẫn tới suy gan cấp. Rất nhiều bệnh nhân đến Trung tâm do bỏ thuốc, không tuân thủ điều trị với các triệu chứng vàng da, vàng mắt, biểu hiện xơ gan, men gan cao và suy gan. Bệnh viêm gan B đã có vắc xin phòng bệnh.

Do vậy, các bệnh nhân cần được sàng lọc, phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

3 cách phòng, chung sống an toàn cho bệnh nhân mắc viêm gan B

TS Ngô Chí Cương, chuyên gia truyền nhiễm cho biết, viêm gan B là bệnh truyền nhiễm ở gan hay gặp, bệnh do virus viêm gan B gây ra. Loại virus này lây truyền chủ yếu qua 3 con đường chính gồm đường máu, quan hệ tình dục không an toàn và lây truyền từ mẹ sang con. Do vậy, người bệnh cần chủ động phòng tránh bệnh bằng 3 lưu ý sau.

Phòng tránh lây nhiễm bệnh

Từ mẹ sang con: Khi phụ nữ mang thai có virus viêm gan B nên thực hiện tiêm phòng vaccine viêm gan virus B cho trẻ ngay sau sinh và thực hiện tiêm các mũi tiếp theo theo phác đồ tiêm 0-1-6- 18 tháng tuổi.

Qua quan hệ tình dục: Thực hiện quan hệ tình dục an toàn, khi quan hệ có sử dụng bao cao su để phòng tránh lây nhiễm virus viêm gan từ bạn tình.

Phòng ngừa qua đường máu: Tuyệt đối không dùng chung dao cạo râu, bàn chải đánh răng, lược, bấm móng tay, bơm kim tiêm… với người khác để tránh bị lây nhiễm.

Lưu ý về chế độ ăn uống và luyện tập: Người dân nên tránh thức uống có cồn như bia, rượu; Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, tăng cường rau xanh; Tập thể dục mỗi ngày để nâng cao sức khỏe.

Tầm soát sớm ung thư gan định kỳ: Bệnh viêm gan B diễn biến thầm lặng, ít biểu hiện ra ngoài nên rất nhiều trường hợp bệnh nhân khi phát hiện bệnh thì đã ở cấp độ nặng.

TS Cương lưu ý, những người có tiền sử viêm gan virus B, C, nghiện rượu, đặc biệt bệnh nhân xơ gan do rượu, béo phì, nhiễm độc Aftatoxin... nên đi khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để tầm soát, phát hiện sớm những tổn thương bất thường trong gan, gồm:

Siêu âm bụng định kỳ mỗi 3-6 tháng.

Hoặc người dân cần đi kiểm tra ngay nếu thấy cơ thể xuất hiện các dấu hiệu bất thường như sốt nhẹ, cơ thể mệt mỏi, nước tiểu sẫm màu, vàng da, vàng mắt, đau tức hạ sườn phải...

Sau khi có chẩn đoán xác định mắc bệnh, hoặc giai đoạn bệnh, người dân cần tuân thủ phác điều đồ điều trị của bác sĩ để quản lý sức khỏe lá gan tốt nhất.

Nguồn: [Link nguồn]

Những người nào dễ mắc ung thư gan, cần đi khám sớm?

Bác sỹ Hà Hải Nam, Phó Trưởng khoa Ngoại bụng 1 – Bệnh viện K chỉ ra những đối tượng có nguy cơ cao cần tầm soát ung thư gan.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo VIỆT ANH ([Tên nguồn])
Viêm gan b Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN