Chăm sóc sĩ tử mùa thi

Cả ngày chỉ dành 3-4 tiếng đồng hồ cho việc ăn, ngủ, còn lại Tiến dành tất cả thời gian cho việc ôn thi. Và kéo theo đó, rất nhiều phụ huynh cũng phải ăn, ngủ, làm việc theo lịch học của con.

Chia sẻ với chúng tôi về thời gian học của mình, em Phạm Đức Tiến trường THPT Việt Đức – Hà Nội cho biết, mỗi ngày em chỉ ngủ khoảng 3-4 tiếng đồng hồ. Còn lại tất cả thời gian em đều dành cho việc học. Nhiều lúc học đến nỗi quên ăn, chỉ ăn mì tôm cho nhanh. Dù bố mẹ có vắt nước cam hay pha sữa bê lên tận phòng mà em vẫn không kịp uống.

Em Phan Anh Tuấn trường THPT Hoàng Văn Thụ - Hà Nội vui vẻ chia sẻ về lịch học kín mít của mình. “sắp thi nên em lo lắng lắm lúc nào cũng nghĩ đến việc học, sáng học chính, chiều ôn thi tại trường, tối đến lò luyện, đêm em lại thức khuya để học, dù mệt nhưng em vẫn phải cố vì ngày thi cũng sắp đến rồi”.

Chăm sóc sĩ tử mùa thi - 1

Học sinh học đến nỗi quên ăn, quên ngủ. (Ảnh minh họa)

Nhìn lịch học của các em dày đặc, lúc nào cũng chìm đắm trong đống sách vở, không ít các bậc phụ huynh xót xa. “Cháu mải học, không có thời gian ăn ngủ, tôi e rằng đến ngày thi cũng chỉ vì học mà các cháu đổ bệnh”, chị Nga (Hoàng Mai- HN) lo lắng cho biết.

Nâng con như…nâng trứng

Các em tất bật với việc ôn luyện, vì thế nhiều phụ huynh cũng “toàn tâm toàn ý” chăm lo cho con có được điều kiện vật chất và tinh thần tốt nhất để bước vào kỳ thi đạt kết quả.

Khi được hỏi về cách chăm con trong mùa thi, chị Hà (Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, “trước đây cháu tự đi xe đạp nhưng giờ sắp cận kề ngày thi, thời tiết lại nắng nóng nên hằng ngày tôi xung phong đưa đón cháu”.

Không thể đưa con đến trường như các bậc phụ huynh khác, anh Truyền (Cầu Giấy - H à Nội) chọn phương án thuê xe ôm đưa đón con 2 lần mỗi ngày “Tôi bận quá, nhà lại neo người nên đành phải thuê bác xe ôm gần nhà đưa đón cháu cho tiện. Cháu đi học cách nhà 7 cây số nên tôi không yên tâm để cháu đạp xe, đi lại vất vả đến nơi rồi lại ngồi thở, học không vào”.

Chăm sóc sĩ tử mùa thi - 2

Chị Lan nhận công việc nấu bếp thay con. (Ảnh minh họa)

Vì đây là thời gian gấp rút với các sĩ tử nên ngoài việc đưa đón con đi học, nhiều phụ huynh còn miễn cả việc nhà cho con. Chị Lan (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho hay, trước đây, cứ đến bữa là hai mẹ con chị cùng vào bếp nhưng từ khi con vào lớp 12 mọi công việc bếp núc đều do một tay chị quán xuyến, dành thời gian cho con học hành và nghỉ ngơi.

Áp lực “đỗ đạt”

Nhiều thí sinh căng thẳng do áp lực học hành cộng với thời tiết nắng nóng hoặc chế độ ăn, ngủ không đảm bảo, các em ăn nhanh, ăn ít, ăn tạm bợm ngủ ít gây rối loạn giấc ngủ. Thực tế đã rất nhiều thí sinh bị ngất, tụt huyết áp và phải bỏ thi.

Cùng tâm trạng lo lắng thí sinh đổ bệnh vào mùa thi như mọi năm, chị T cán bộ y tế trường ĐH Công Đoàn cho biết, mỗi đợt thi đại học, tại các cơ sở thi của trường, ngày nào cũng có thí sinh bị ngất, tụt huyết áp, sốt, tiêu chảy…mặc dù đã được cán bộ y tế thường xuyên túc trực, hỗ trợ thuốc men nhưng cũng không ít trường hợp vẫn phải bỏ thi.

Chăm sóc sĩ tử mùa thi - 3

Rất nhiều học sinh bị ngất phải bỏ thi. (Ảnh minh họa)

Chị H, cán bộ y tế của ĐH Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp cho hay, tình trạng thí sinh dự thi bị đổ bệnh trong lúc đang thi khá nhiều, có cháu bị ngộ độc thực phẩm, có cháu bị cảm … . Tại ĐH Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp mỗi năm có vài ba trường hợp không thể tham gia thi được.

Theo BS Nguyễn Đình Phúc, Chủ nhiệm Bộ môn Tâm thần kinh , BV 354, những trường hợp bỏ thi là do các em phải chịu áp lực “đỗ đạt” từ phía gia đình hoặc bản thân các em gây áp lực cho mình. Thêm vào đó là tình trạng học quá tải, khối lượng kiến thức lớn, mật độ thi dày đặc cũng khiến các em căng thẳng, mệt mỏi, kiệt sức và cho đến ngày thi các em không có đủ sức khỏe buộc phải bỏ thi hoặc cố thi thì kết quả thi tuyển cũng rất tệ.

Chế độ ăn, ngủ

Theo TS.BS Cao Thị Hậu, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, các cháu học hành căng thẳng, cộng với thời tiết nóng bức nếu phụ huynh không lưu ý đến chế độ ăn, ngủ các cháu sẽ đổ bệnh.

Sĩ tử nên ăn đủ bữa: 3 bữa chính và 2 bữa phụ. Tuyệt đối không để các cháu bỏ bữa ăn sáng, vì bữa sáng cung cấp nặng lượng cho hoạt động cả ngày của các cháu. Trong mỗi bữa ăn kể cả bữa sáng, phụ huynh cũng cần lưu ý đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm (chất đạm, chất bột, chất béo và rau xanh, hoa quả chín.). Các bữa ăn chính ngoài cơm, thịt, cá, trứng phụ huynh chú ý cho con ăn thêm rau xanh, hoa quả, sữa chua.

Chăm sóc sĩ tử mùa thi - 4

Đảm bảo dinh dưỡng cho con đủ 4 nhóm thực phẩm gồm: chất đạm, chất bột, chất béo và rau xanh, hoa quả. (Ảnh minh họa)

Chẳng hạn: Sáng ăn bánh mỳ với trứng, thêm 1 cốc sữa và 1 qủa quýt hay chuối, hoặc 1 bát phở, mỳ nhưng đừng quên ăn thêm hoa quả chín kèm 1 cốc sữa.

Chú ý cho con uống đủ nước 1,5- 2 lít/ ngày (nước đun sôi để nguội uống thêm nước hoa quả như cam, chanh, chanh leo, dưa hấu…). Hạn chế uống nước ngọt có ga. Nên ăn thêm các bữa phụ, nhất là bữa phụ tối nếu các em thức khuya.

BS Dương Đình Phúc (BV 354) cho biết thêm, các em nên dành ít nhất 6 tiếng/ngày để ngủ và giấc ngủ phải sâu. Không nên dùng thuốc bổ thần kinh, tăng cường trí nhớ bởi chỉ có một vài loại có tác dụng hỗ trợ học sinh trong thời gian ôn thi căng thẳng nhưng hiệu quả rất nhỏ. Những học sinh có các tổn thương về gan, thận như viêm cầu thận mãn tính, viêm gan, viêm thận… tuyệt đối không dùng thuốc bổ thần kinh, tăng cường trí nhớ.

Mùa hè do nhiệt độ, độ ẩm cao là điều kiện cho các vi sinh vật gây bệnh phát triển vì vậy cần chú ý đảm bảo vệ sinh ăn uống, vệ sinh an toàn thực phẩm, tránh ăn thức ăn đường phố, thức ăn chế biến sẵn.  Hạn chế tối đa những yếu tố gây ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa.

Để cho tinh thần thoải mái, tăng cường thể lực các em nên sắp xếp thời gian biểu khoa học, cân bằng thời gian nghỉ ngơi và vui chơi, tham gia các hoạt động thể lực như đi bộ, bơi lội, các môn thể thao mà các em yêu thích.

TS.BS Cao Thị Hậu (Chuyên gia Dinh dưỡng)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo ThuTT ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN