Chăm con kiểu này, trẻ có thể tử vong vì viêm phổi
Nhiều trẻ được đưa đến khám tại BV trong tình trạng sốt, ho, viêm phổi nặng vì cha mẹ chăm bẵm quá kỹ nhưng lại không đúng cách. Các BS cảnh báo, sự thiếu hiểu biết của cha mẹ trong việc chăm sóc con có thể gây hại, thậm chí khiến trẻ mất mạng.
Ảnh minh họa: Internet
Tại BV Nhi TƯ, không ít lần các BS gặp cảnh trẻ được bố mẹ đưa đến BV khám trong tình trạng được quấn kín như "nin za" dù khi ấy trẻ đang sốt đến gần 40 độ.
"Trẻ vào khám mà BS chỉ nhìn thấy mỗi đôi mắt, miệng thì được bịt khẩu trang, tay chân đều đi tất, cả người ngoài quần áo còn được quấn kín bằng một cái khăn bông cỡ lớn. BS yêu cầu bố mẹ trẻ cởi bỏ bớt đồ quấn cho trẻ để khám bệnh thì thấy lưng trẻ ướt sũng vì mồ hôi, trong khi trẻ sốt hầm hập cặp lên đến 39 độ 7". Một BS tại khoa Cấp cứu của BV Nhi TƯ kể.
Có trẻ thì cha mẹ thấy nhiệt độ ngoài trời nóng quá nên cho trẻ ở phòng điều hòa 24/24, thậm chí còn cấm con không cho ra ngoài vì sợ "sốc nhiệt". Đến khi thấy trẻ ho nhiều, sốt, người lử đử mới vội vàng mang con đến BV khám thì trẻ phải nhập viện điều trị ngay vì viêm phổi quá nặng.
Viêm phổi là căn bệnh nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời có thể là nguyên nhân gây tử vong cao cho trẻ dưới 5 tuổi.
Dưới đây là các sai lầm của các ông bố, bà mẹ dễ khiến con bị viêm phổi:
Ủ ấm trẻ quá kỹ
Nhiều mẹ nghĩ rằng vào mùa đông cần phải ủ ấm cho trẻ một cách cẩn thận bằng nhiều lớp áo dày mỏng khác nhau. Tuy nhiên đây là một điều hoàn toàn sai lầm, việc ủ ấm quá mức có thể sẽ gây thêm bệnh cho trẻ.
Thực tế thì thân nhiệt của bé không giống như người lớn. Trẻ sẽ cảm thấy nóng hoặc lạnh nhanh hơn. Trẻ thường hay chạy nhảy, chơi đùa nên dễ nóng người, toát mồ hôi ngay cả khi thời tiết đang rất lạnh. Vì thế, mặc quá ấm, trẻ dễ bị ra mồ hôi lưng, đầu. Nếu bố mẹ không sớm nhận thấy điều đó, thì trẻ sẽ bị cảm lạnh, viêm phổi.
Dùng điều hòa hoặc quạt chiếu thẳng vào người con
Tiết trời oi bức của mùa hè khiến trẻ dễ bị ốm. Nhiều gia đình sợ trẻ nóng nên bật điều hòa 24/24 cho trẻ, tuy nhiên, nếu sử dụng không hợp lý sẽ khiến trẻ có thể bị viêm phế quản, cảm lạnh… dẫn đến viêm phổi.
Triệu chứng nhận biết trẻ bị viêm phổi
Chỉ cần cha mẹ quan sát nhịp thở của trẻ bằng cách vén áo để quan sát sự di động của lồng ngực hoặc bụng quan sát lúc trẻ nằm yên hoặc ngủ, không được quan sát lúc trẻ đang quấy khóc. Một số trẻ bị viêm phổi nhưng không ho không sốt mà chỉ ngủ li bì, bỏ bú. Lúc này, cha mẹ phải hay nhìn vào phần ranh giới giữa ngực và bụng xem có dấu hiệu lõm vào khi trẻ hít vào hay không.
- Trẻ sốt cao và kéo dài: Sốt cao có thể là triệu chứng của nhiều bệnh khác, tuy nhiên trẻ sốt cao kéo dài trong 2-3 ngày liền thì lại là triệu chứng viêm phổi. Khi thấy trẻ bị sốt cao mà kéo dài cần được đưa ngay tới bệnh viện gần nhất.
- Cơ thể tím tái: Tím tái là biểu hiện cơ thể trẻ, có thể nhận biết triệu chứng ở mặt, chân, tay cho đến toàn thân có biểu hiện da nhợt nhạt và tím lại thì đó là dấu hiệu của rối loạn hô hấp. Trẻ có hiện tượng này có nghĩa là đang viêm phổi nặng, nếu không được phát hiện và đưa đi cấp cứu kịp thời rất dễ để lại biến chứng, thậm chí là tử vong.
- Nhịp thở nhanh so với lứa tuổi: Đây được coi là dấu hiệu chính và xuất hiện sớm nhất khi trẻ bị viêm phổi.
Trẻ dưới hai tháng, thở nhanh khi nhịp thở từ 60 lần/phút trở lên.
Trẻ từ 2 tháng đến dưới 12 tháng, thở nhanh với 50 lần/phút trở lên.
Trẻ từ 12 tháng đến dưới 5 tuổi, 40 lần/phút trở lên là thở nhanh.
- Rút lõm lồng ngực: Đây là triệu chứng của trẻ đã bị viêm phổi nặng. Cách để cha mẹ phát hiện duy nhất là nhìn vào phần dưới lồng ngực (1/3 dưới) lõm vào khi trẻ hít vào. Nếu chỉ phần mềm giữa xương sườn hoặc vùng trên xương đòn rút lõm thì không phải là rút lõm lồng ngực.
- Triệu chứng khác như: Trẻ khó thở, thở khò khè; Đau ngực, có thể đau ít hoặc nhiều; Môi khô, kèm theo mệt mỏi chán ăn
Bệnh viêm phổi thường bị chẩn đoán nhầm
Một tỷ lệ lớn các trẻ em tử vong do viêm phổi bởi vì chúng không được điều trị đúng cách sau khi bị chẩn đoán nhầm là bị viêm phế quản hay sốt rét…
Viêm phổi là một bệnh nặng và có thể gây tử vong, do đó nếu bạn nghĩ con bạn có khả năng viêm phổi hãy đưa tới gặp bác sĩ nhi khoa ngay lập tức. Hãy gọi xe cấp cứu để được hỗ trợ kịp thời nếu con có một trong các triệu chứng sau: Ngưng thở, da xanh tái hoặc nhợt nhạt, rất khó thở, thở rên, trông trẻ có vẻ rất mệt mỏi và rất gắng sức mới thở được.
Bệnh viêm phổi có thể được ngăn chặn nếu người lớn biết cách
Để phòng tránh bệnh viêm phổi cũng như một số bệnh khác, trẻ phải được bú sữa mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu đời và kéo dài cho đến khi trẻ dược 18 - 24 tháng.
Ngoài ra, người chăm sóc trẻ phải rửa tay thường xuyên, sử dụng nguồn nước sạch và giữ gìn vệ sinh môi trường nhằm bảo vệ trẻ chống lại các mầm bệnh gây viêm phổi, tiêu chảy và các bệnh khác...
Nhiều người thắc mắc vì sao rất nhiều trẻ ăn vạ, tự vật mình, tự đánh đập bản thân? Liệu những trẻ có dấu hiệu...