Cha mẹ quá kỳ vọng, con "chuyển khẩu" từ trường học sang giường bệnh
Tại Viện sức khỏe Tâm thần Quốc gia, chị Nguyễn Thị M. trú tại Nghệ An, có gương mặt khắc khổ, đầu tóc rối bù. Có lẽ 5 năm qua là quãng thời gian dài dằng dặc với chị.
Con là niềm hi vọng của gia đình
Sinh ra ở vùng núi Diễn Châu, Nghệ An, chị M đặt niềm hi vọng vào cả cậu con trai Vũ Mạnh H. với hi vọng con có thể học giỏi, sau này học đại học và giúp cả gia đình thoát nghèo.
Là con thứ 3 và là con trai duy nhất trong gia đình nên ngay từ khi biết cầm bút, vợ chồng chị M. khẳng định người lớn rau cháo thế nào cũng xong nhưng con cái phải được đầu tư học hành. Suốt 6 năm con trai đều là học sinh giỏi. Vợ chồng chị cũng được an ủi vì con không phụ công. Mỗi lần nhìn con cầm tấm giấy khen về là chị vui lắm.
Mẹ con chị M.
Mọi việc chỉ xảy ra khi bé vào lớp 7. Trong một lần đi học giải bài toán, H. không giải được nên bị thầy khiển trách. Về nhà, H. kể với mẹ rồi mẹ lại đem nói chuyện này với bố. Không động viên con, bố H, cảm thấy tức tối vì con trai bị thầy giáo chê. Năm nào con cũng học giỏi, đi họp phụ huynh được khen nên khi thấy con bị thầy giáo chê, anh không đồng ý và tra hỏi H. vì sao không làm được bài.
Một thời gian sau, H. không học giỏi mà ngược lại sức học của cậu càng ngày càng đi xuống. Bố mẹ em ngắt cả ti vi, cắt mọi mối quan hệ với bạn bè để cậu chuyên tâm vào học hành. Tuy nhiên mọi nỗ lực đều không ăn thua và hậu quả của việc đó là H. bị tâm thần.
Chị M. nhớ lại, đó là cuối năm 2009, thấy con có biểu hiện khóc cười vô cớ, hay nói linh tinh. Cha mẹ lại cho rằng con bị ma làm. Vợ chồng chị thuê thầy cúng về nhà cúng bái cho con để đuổi ma trừ tà. Có bao nhiêu tiền anh chị đều thuê thầy về cúng. Không chỉ thuê thầy ở Nghệ An, vợ chồng chị ra tận Thanh Hóa tìm thầy những mong đuổi được “con ma” trong người cháu H.
Nói trong nước mắt, bà mẹ này kể “nếu đưa cháu đi viện ngay từ đầu thì tốt biết bao. Nhà tôi tốn cả 40 – 50 triệu đồng tiền cúng nửa năm trời mà bệnh con không đỡ. Khi đưa lên bệnh viện tỉnh, bác sĩ bảo cháu bị rối loạn tâm thần phải điều trị lâu dài. Tôi chỉ còn biết khóc.”
Thời gian đó, chị M. cho con điều trị ở tỉnh nhưng cháu không đỡ. Cháu vẫn phá phách và khóc cười vô cớ. Sau đó chị cho con ra Hà Nội điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Từ đó cho đến nay. Cứ ở viện vài tháng, về nhà bệnh cháu lại nặng hơn.
Nhìn đứa trẻ 17 tuổi dáng nhỏ thó và liên tục giật tay mẹ để được chạy ra ngoài đi chơi, thích nghịch những trò mà em thích, người mẹ cố giữ tay con lại vì bỏ tay ra là bé chạy đi đâu không biết mà tìm,
Chị M trầm ngâm “nếu vợ chồng tôi không đặt lên vai con gánh nặng học hành, có lẽ cháu không mang bệnh. Chúng tôi cũng không vất vả và khánh kiệt về kinh tế để điều trị bệnh cho con. Điều mà tôi lo nhất là tương lai của con rất mịt mờ. Nếu không mang bệnh, cháu đã học lớp 12 rồi thi cùng đại học với các bạn. Vậy mà giờ đây, hai mẹ con tôi là “người quen” của bệnh viện này”.
Càng đặt ánh hào quang cho con, càng hại con
Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng – Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia giọng buồn rầu, ông mở từng trang bệnh án của các bệnh nhân tâm thần. Trong số đó nhiều trẻ em và các em đều là những học sinh xuất sắc nhưng do cha mẹ các em đặt lên vai cho con ánh hào quang quá lớn, xây dựng cho con tượng đài vĩnh cửu nên khi gặp các sự cố nhỏ, các cháu không biết xử lý và thường gây ra rối loạn tâm lý, lâu ngày chuyển sang rối loạn tâm thần.
Bác sĩ Dũng cho biết một ngày tâm thần, điều trị cả năm nhưng không phải ông bố, bà mẹ nào cũng biết. Có những bệnh nhân là chính nạn nhân niềm hi vọng của cha mẹ mình. Đặc biệt, khi bố mẹ càng hi sinh cho con nhiều và tạo gánh nặng cho con phải học, thoát nghèo, thoát khổ chỉ thành hại con.
Có những cháu, bác sĩ Dũng kể khi đến viện ai cũng thương vì các cháu sợ mọi thứ. Còn trường hợp của H. cứ điều trị đỡ được thời gian, em lại tái phát và gia đình lại cho ra Hà Nội. Nhìn đứa trẻ từng là học sinh giỏi của trường giờ tương lai lỡ dở, thay ghế nhà trường là giường bệnh mọi người đều ám ảnh và thương xót.