Cha đẻ của thuốc kháng sinh thay đổi nền y học nhờ một phát hiện tình cờ
Trước khi có sự xuất hiện của thuốc kháng sinh, có một số căn bệnh không quá nguy hiểm ở ngày nay nhưng có thể gây tử vong.
Nguồn gốc của thuật ngữ “thuốc kháng sinh”
Thuật ngữ kháng sinh có nghĩa đen là “chống lại sự sống”, trong trường hợp này là chống lại vi khuẩn. Có nhiều loại kháng sinh khác nhau như kháng virus, kháng nấm, kháng ký sinh trùng. Có một số loại thuốc kháng sinh chống lại được nhiều sinh vật, được gọi là kháng sinh phổ rộng. Những loại khác chỉ chống lại 1 hoặc một số sinh vật nhất định gọi là kháng sinh phổ hẹp.
Thuốc kháng sinh được sử dụng phổ biến nhất là kháng khuẩn.
Chẳng hạn như một đứa trẻ bị nhiễm trùng tai sẽ được cho dùng ampicillin, hoặc penicillin để trị viêm họng. Ngay cả khi một đứa trẻ bị cảm nhẹ, một số cha mẹ muốn con mình được chữa khỏi bệnh nhanh chóng. Lúc này, họ yêu cầu bác sĩ kê đơn thuốc kháng sinh.
Tuy nhiên, thuốc kháng sinh không cần thiết được kê đơn đối với mọi căn bệnh. Dựa trên kết quả xét nghiệm và từng loại bệnh, việc sử dụng thuốc kháng sinh đôi khi không cần thiết vì có thể dẫn tới tình trạng kháng kháng sinh.
Trong những năm gần đây, có một mặt trái của việc điều trị bằng thuốc kháng sinh, đó là nếu những loại thuốc này được sử dụng khi không cần thiết hoặc dùng không đúng cách, nó có thể khiến con người gặp nhiều rủi ro về sức khỏe hơn.
Lịch sử của thuốc kháng sinh
Những căn bệnh nghiêm trọng từng cướp đi tính mạng của hàng nghìn trẻ mỗi năm gần như bị loại bỏ ở nhiều nơi trên thế giới do việc tiêm chủng rộng rãi.
Tương tự như vậy, việc phát hiện ra thuốc kháng vi trùng (kháng sinh) là một trong những thành tựu y học quan trọng nhất của thế kỷ 20. Tuy nhiên, nó không phải là thứ gì đó thần kỳ có thể chữa lành mọi căn bệnh.
Hàng tỷ vi khuẩn cực nhỏ thường sống trên da, trong ruột, miệng và cổ họng của chúng ta. Hầu hết chúng vô hại đối với con người, nhưng một số có thể gây bệnh như nhiễm trùng ở tai, cổ họng, da và các bộ phận khác của cơ thể.
Trong thời kỳ tiền kháng sinh vào đầu những năm 1900, con người không có thuốc chống lại những vi trùng phổ biến này. Kết quả con người phải chịu đựng sự đau đớn của bệnh tật.
Mặc dù hệ thống miễn dịch của cơ thể có thể chống lại nhiễm trùng do vi khuẩn, nhưng đôi khi vi trùng quá mạnh, chúng sẽ gây ra bệnh.
Trước khi có kháng sinh, 90% trẻ em bị tử vong do viêm màng não. Những đứa trẻ may mắn sống sót đều bị khuyết tật như điếc hoặc chậm phát triển trí tuệ.
Viêm họng đã từng là một căn bệnh gây tử vong, thậm chí việc nhiễm trùng tai nếu không được điều trị sẽ lan từ tai lên não, gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng.
Các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng khác, từ bệnh lao đến viêm phổi, ho gà, đều do vi khuẩn sinh sôi nảy nở với tốc độ khủng khiếp, khiến bệnh tình chuyển biến nặng trong thời gian ngắn, có thể dẫn tới tử vong.
Sự xuất hiện của Penicillin
Với việc phát hiện ra penicillin và sự khởi đầu của kỷ nguyên kháng sinh, hệ thống phòng thủ của cơ thể đã có được một “đồng minh” hùng mạnh.
Vào những năm 1920, nhà khoa học người Anh - Alexander Fleming làm việc trong phòng thí nghiệm tại Bệnh viện St. Mary ở London tình cờ phát hiện ra một chất có thể tấn công lại vi khuẩn.
Trong một thí nghiệm của mình vào năm 1928, Fleming đã quan sát thấy các khuẩn lạc của vi khuẩn Staphylococcus aureus bị nấm mốc làm mòn hoặc giết chết. Ông nhận ra rằng, nấm mốc đã tạo ra được một chất có thể hòa tan vi khuẩn. Ông gọi chất này là penicillin, đặt theo tên của loại nấm mốc Penicillium đã tạo ra nó.
Không lâu sau, các nhà nghiên cứu khác ở Châu Âu và Mỹ bắt đầu tái tạo các thí nghiệm của Fleming. Họ có thể tạo ra đủ lượng penicillin để bắt đầu thử nghiệm trên động vật và sau đó là con người.
Bắt đầu từ năm 1941, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, ngay cả lượng penicillin thấp cũng có thể chữa khỏi các bệnh nhiễm trùng rất nghiêm trọng và cứu sống nhiều người.
Nhờ vào những khám phá của mình, Alexander Fleming đã giành được giải Nobel Sinh học và Y học.
Các công ty dược phẩm rất quan tâm đến phát hiện này và bắt đầu sản xuất penicillin cho mục đích thương mại. Thuốc kháng sinh bắt đầu được sử dụng rộng rãi để điều trị cho binh lính trong Thế chiến thứ II, giúp chữa nhiễm trùng và viêm phổi.
Từ giữa đến cuối những năm 1940, penicillin trở nên phổ biến với công chúng. Báo chí ca ngợi penicillin như một loại thuốc kỳ diệu có thể chữa được nhiều bệnh nguy hiểm.
Với sự thành công của penicillin, cuộc đua sản xuất các loại thuốc kháng sinh khác bắt đầu.
Ngày nay, các bác sĩ có thể chọn từ hàng chục loại thuốc kháng sinh khác nhau trên thị trường để kê đơn điều trị cho bệnh nhân.
Vấn đề với thuốc kháng sinh
Sự thành công của thuốc kháng sinh đã mở ra một kỷ nguyên mới cho nền y học. Tuy nhiên, cùng với đó cũng xuất hiện một hiện tượng gọi là kháng kháng sinh. Đây là một vấn đề nổi lên không lâu sau khi penicillin ra đời, hiện đang đe dọa tính hữu dụng của những loại thuốc kháng sinh quan trọng.
Ngay từ đầu, các bác sĩ đã lưu ý rằng, trong một số trường hợp, penicillin không hữu ích đối với một số chủng Staphylococcus aureus (vi khuẩn gây nhiễm trùng da).
Kể từ đó, vấn đề kháng thuốc trở nên tồi tệ hơn, liên quan đến các vi khuẩn và các loại thuốc kháng sinh. Càng ngày một số căn bệnh nhiễm trùng nặng càng khó điều trị hơn, buộc các bác sĩ phải kê những loại thuốc kháng sinh nặng hơn sau khi lần đầu tiên điều trị không hiệu quả.
Trước tình trạng kháng thuốc kháng sinh ngày càng gia tăng, nhiều bác sĩ đã trở nên cẩn thận hơn khi kê đơn. Họ nhận thấy tầm quan trọng của việc chỉ dùng thuốc kháng sinh khi thực sự cần thiết.
Để thuốc kháng sinh phát huy công dụng tốt nhất, nó cần được sử dụng đúng cách theo chỉ dẫn của bác sĩ, người dân không được tuỳ ý tự mua uống.
Nguồn: [Link nguồn]
Việc tạo ra vắc-xin là một bước ngoặc mang tính đột phá trong y học. Đây cũng là một trong những phát minh quan trọng nhất của nhân loại.