Cây dâu tằm bổi bổ sức khỏe, hỗ trợ trị âm huyết hư suy
Biểu hiện của chứng âm huyết hư suy: Người mệt mỏi, thiếu máu, mất ngủ, mắt kém, da khô, râu tóc bạc sớm… Cây dâu tằm có thể sử dụng để bồi bổ sức khỏe, hỗ trợ điều trị tình trạng này.
1. Các vị thuốc từ cây dâu tằm
- Lá dâu có tên thuốc là tang diệp, vị ngọt đắng, tính mát; tác dụng bổ âm, phát tán phong nhiệt, giải cảm, thanh nhiệt lương huyết, mát gan, mát phổi... Chủ trị các chứng mắt đỏ, mắt mờ, đau nhức chảy nước mắt..., có thể vừa uống trong vừa nấu nước để dùng ngoài.
Lá dâu có tác dụng chữa bệnh đổ mồ hôi trộm ở trẻ em.
Cách dùng: Uống và vò lá dâu vào nước tắm cho trẻ.
Lá dâu còn có tác dụng dưỡng âm; thường được dùng để chữa tăng huyết áp, mất ngủ, phát ban, đau mắt đỏ.
Lá dâu ( tang diệp)
- Quả dâu chín trong Đông y có tên thuốc là tang thầm.
Tang thầm có vị ngọt, tính hàn, vô độc; vào 2 kinh Can và Thận; có tác dụng tư âm dưỡng huyết, tức phong (trừ gió độc), an thần ích trí, sinh tân chỉ khát, nhuận tràng thông tiện, minh nhĩ mục (thính tai sáng mắt) và ô tu phát (làm đen râu tóc)…
- Vỏ rễ cây dâu (tang bạch bì).
- Tầm gửi cây dâu (tang ký sinh ).
- Tổ con bọ ngựa trên cây dâu (tang phiêu tiêu ).
- Sâu dâu, sâu nằm trong thân cây dâu, vốn là ấu trùng của một loại xén tóc ... đều được sử dụng làm thuốc với đặc tính dược lý khác nhau.
2. Bài thuốc từ cây dâu tằm
Bài 1: Quả dâu chín phơi hoặc sấy khô, nghiền thành bột mịn, trộn với mật ong hoàn thành viên to cỡ hạt ngô; ngày uống 3 lần, mỗi lần 10-15g.
Hoặc dùng bài: Quả dâu chín 1 kg, mật ong 300 ml; quả dâu sắc với nước 2 lần (sau mỗi lần chắt lấy nước cốt), hợp hai nước lại, cô nhỏ lửa cho tới khi đặc quánh, thêm mật ong vào đun sôi lại là được; chờ nguội cho vào lọ nút kín dùng dần; mỗi ngày dùng 3 lần, mỗi lần 20g, hòa với nước ấm.
Tác dụng: Bồi bổ sức khỏe, chữa thiếu máu, mất ngủ.
Bài 2: Tổ bọ ngựa cây dâu 1 cái, nướng khô, tán nhỏ, uống với 1 chút rượu lúc đói, ngày 2 lần.
Tổ bọ ngựa cây dâu (tang phiêu diêu)
Tác dụng: Trị tiểu buốt, nước tiểu đục
Bài 3: Quả dâu tươi 30g, gạo nếp 50-60g, đường phèn vừa đủ. Gạo nếp và quả dâu vo rửa sạch, thêm nước vào nấu thành cháo, khi cháo chín thêm chút đường phèn cho đủ ngọt.
Tác dụng: Trị mất ngủ, khó ngủ, da khô xạm, thị lực kém và tóc bạc sớm.
Bài 4: Trái dâu chín và rượu trắng trên 40 độ, lượng thích hợp. Ngâm quả dâu tươi với rượu trắng theo tỷ lệ khoảng 1/3 (1kg dâu ngâm trong 3 lít rượu), sau nửa tháng có thể sử dụng; mỗi lần uống 10-15ml.
Tác dụng: Bổ huyết, dưỡng huyết, giúp ngủ ngon.
Bài 5: Trái dâu chín 5kg, đỗ đen 2kg, hồng táo (táo tầu) 2kg. Đỗ đen rửa sạch, cho vào nồi, nấu kỹ với nước ép quả dâu cho chín, vớt ra phơi khô - nấu và phơi như vậy 5 lần (ngũ chưng ngũ sái) rồi nghiền thành bột mịn; hồng táo hấp chín, bỏ hạt, giã nhuyễn, trộn với bột đậu đen hoàn thành viên, to bằng đốt ngón tay; mỗi ăn ngày vài lần, nhâm nhi thuốc này như ăn kẹo.
Tác dụng: Dưỡng nhan, dưỡng tóc.
Bài 6: Lá dâu non 500g, hắc chi ma (vừng đen) 145g, mật ong 500g. Lá dâu phơi hoặc sấy khô tán thành bột mịn, vừng đem hấp chín rồi giã nhuyễn; hai thứ trộn đều với mật ong, làm thành viên to cỡ hạt đậu xanh; ngày uống 2 lần (sáng sớm và buổi tối), mỗi lần 20g, sáng chiêu thuốc bằng nước muối loãng, tối chiêu thuốc bằng rượu.
Tác dụng: Bổ gan ích thận, chống lão suy.
Bài 7: Cành dâu 5000g, ích mẫu thảo 1500g.
Cách chế biến và sử dụng: Hai vị thuốc rửa sạch, thái nhỏ, nấu với 10 lít nước; sau khi nước sôi, đun nhỏ lửa cho đến khi còn khoảng 1 lít, bỏ bã, lấy nước cốt cô đặc thành cao mềm; hàng ngày, trước khi đi ngủ uống 1 thìa, hòa cao vào một chén rượu ấm.
Tác dụng: Chữa chứng "tử điến phong" (ban xuất huyết trên da).
Bài 8: Tầm gửi cây dâu 15g, đương quy, địa hoàng, bạch thược, xuyên khung, mỗi vị 10g
Tác dụng: Chữa phong thấp, lưng gối đau nhức.
Bài 9: Tầm gửi cây dâu 15g, a giao nướng thơm 20g, ngải diệp 20g. Sắc với 600ml, còn 200ml, chia 2 phần uống trong ngày. Nếu là người tạng nhiệt thì bỏ ngải diệp.
Tác dụng: Chữa động thai, đau bụng, rong huyết
Nguồn: [Link nguồn]
Lượng đường huyết phụ thuộc rất nhiều vào các loại thực phẩm mà chúng ta nạp vào cơ thể hằng ngày.