Câu chuyện cảm động về người bác sĩ giành giật sự sống cho thai nhi của người mẹ bị ung thư máu cấp tính

Sự kiện: Sống khỏe

Khi nghe tin mình bị ung thư máu, cô giáo trẻ đang mang thai tuần 30 sốc nặng vì nghĩ bệnh đó chỉ có trên phim ảnh. Bệnh tiến triển nhanh chóng và chỉ đến khi nằm cấp cứu truyền máu, chị mới cảm nhận đầy đủ sự sống quan trọng thế nào. Trong khi gia đình xin bằng mọi cách cứu được người mẹ nhưng bác sĩ Nguyễn Quốc Nhật vẫn quyết tâm phải giữ bằng được cháu bé…

Cho đến bây giờ, sau 2 năm trải qua những ngày tháng kinh hoàng nhất cuộc đời, mỗi lần đến Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tái khám, chị Thanh (giáo viên một trường cấp 2 ở Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội) vẫn đưa bé Thiên Phúc đến thăm bác sĩ Nguyễn Quốc Nhật (Phó trưởng Khoa Điều trị hóa chất). Chị tâm sự: "Cháu bé được sinh ra là nhờ phúc của bác sĩ Nhật, của Khoa Điều trị hóa chất và Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương…".

Hai năm trước, khi chị Thanh mang thai con đến tuần thứ 30 thì bất ngờ phát hiện bị bệnh ung thư máu cấp tính thể tiền tủy bào. Nhắc đến bệnh ung thư có mấy ai sống được dài, vì thế chị rơi vào trầm cảm, chán chường.

Bệnh diễn biến ngày một nguy hiểm, chồng chị Thanh và gia đình khẩn khoản đề nghị các y bác sĩ bằng mọi giá cứu được người mẹ. Thế nhưng sau nhiều lần hội chuẩn chuyên môn và bằng kinh nghiệm của bản thân, bác sĩ Nguyễn Quốc Nhật đã xin ý kiến lãnh đạo khoa và bàn với gia đình nên giữ lại cháu bé. 

"Dù biết rằng khi bỏ cháu bé để cứu chữa người mẹ thì tỷ lệ thành công sẽ cao hơn nhưng để bỏ đi một hình hài đã bước sang tuần tuổi 30 thì không gì đau xót bằng. Được sự hỗ trợ của Bệnh viện Phụ sản trung ương, tôi và các y, bác sĩ ở khoa quyết tâm giữ cháu bé dù khi ấy áp lực luôn đè nặng", bác sĩ Nhật chia sẻ.

Bác sĩ Nguyễn Quốc Nhật đã có 10 năm làm việc tại Khoa Điều trị hóa chất - Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Ảnh: Cao Tuân

Bác sĩ Nguyễn Quốc Nhật đã có 10 năm làm việc tại Khoa Điều trị hóa chất - Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Ảnh: Cao Tuân

Sau một tháng điều trị, đến khi thai nhi bước sang tuần thứ 34, chị Thanh được chuyển đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương mổ bắt thai. Một bé trai kháu khỉnh nặng hơn 3kg chào đời trong niềm hân hoan hạnh phúc của gia đình và những y bác sĩ của cả 2 bệnh viện. Sau đó chị Thanh quay lại Viện huyết học - Truyền máu Trung ương để tiếp tục điều trị. 

Đến nay, qua 4 đợt điều trị hóa chất và uống thuốc, bệnh tình của chị Thanh đã không còn nguy hiểm và được dùng thuốc đều đặn, tái khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ…

Câu chuyện về chị Thanh là một trong rất nhiều câu chuyện mà chúng tôi được nghe về bác sĩ Nguyễn Quốc Nhật. Anh là nhân vật đặc biệt ở Khoa Điều trị hoá chất. Từ ngày đang ngồi trên ghế giảng đường, anh là sinh viên ưu tú được cử đi học lớp bồi dưỡng cảm tình Đảng, sau đó được kết nạp Đảng ngay tại trường đại học. Không chỉ là một sinh viên giỏi, anh còn là Bí thư chi Đoàn năng động, đi đầu trong phong trào thi đua và tham gia công tác thiện nguyện.

Đến nay, chàng trai sinh năm 1982 đến từ vùng quê nghèo khó Hà Tĩnh đã có 12 năm tuổi Đảng với bề dày thành tích phấn đấu mà mỗi sinh viên trường y đều mơ ước.

"Đối với sinh viên thì cần tiếp tục phấn đấu đạt được những kết quả, mục tiêu trong công việc học tập và hoạt động phong trào để có thể đứng vào hàng ngũ của Đảng. Đối với cán bộ trẻ cần là phải nâng cao năng lực chuyên môn, năng lực nghiên cứu, có sáng kiến, sáng tạo trong công việc, rèn luyện đạo đức tác phong để xứng đáng với vai trò đảng viên của mình", anh Nhật nhắn nhủ.

Bác Nhật chia sẻ, nhiệm vụ chính trị đi liền với hoạt động chuyên môn, vì vậy phải luôn nỗ lực, cố gắng...

Bác Nhật chia sẻ, nhiệm vụ chính trị đi liền với hoạt động chuyên môn, vì vậy phải luôn nỗ lực, cố gắng...

Sau khi ra trường và theo học sau đại học tại trường Đại học Y Hà Nội, năm 2010, anh được cử về công tác ở Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Do Viện được tách từ Bệnh viện Bạch Mai nên đa phần là đội ngũ nhân viên trẻ, số lượng Đảng viên của Viện cũng không nhiều. 

Ý thức được điều đó, bác sỹ Nguyễn Quốc Nhật luôn nỗ lực cố gắng. Với anh, nhiệm vụ chính trị đi liền với hoạt động chuyên môn. Vì thế phải luôn trau dồi, học hỏi để đạt kết quả tốt nhất trong công việc khám chữa bệnh hàng ngày của một bác sĩ chuyên khoa huyết học.

Khoa Điều trị hóa chất cũng là khoa đông bệnh nhân nhất của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, với khoảng trên 250 bệnh nhân điều trị nội trú và hàng trăm bệnh nhân ngoại trú thăm khám thường xuyên. Đến phòng họp giao ban của khoa cũng nhường lại làm phòng bệnh và tận dụng lại phòng nhỏ hơn để sử dụng. 

Trong khi đó, khoa thường xuyên quá tải về nhân lực do chỉ có 11 bác sỹ gồm cả lãnh đạo và hơn 30 điều dưỡng. Ngoài công tác quản lý ở khoa, bác sĩ Nhật cũng tham gia điều trị trực tiếp 30-40 bệnh nhân ung thư nặng và khám bệnh 1-2 buổi/tuần ở Khoa khám bệnh của Viện.

"Ung thư máu hiện tại chưa có phương pháp điều trị khỏi bệnh hoàn toàn, chỉ có cách hỗ trợ và điều trị bằng thuốc và hóa chất để duy trì sự sống. Thuốc và hóa chất điều trị ung thư máu cũng gây ảnh hưởng không ít đến sức khoẻ và khả năng chịu đựng của bệnh nhân. Mỗi tháng, tôi và đồng nghiệp đều chứng kiến những bệnh nhân viết đơn xin không tiếp tục điều trị hoá chất. Cũng không ít bác sĩ của Viện vì áp lực công việc đã chuyển công tác", bác sĩ Nhật trăn trở.

Hơn 10 năm điều trị cho bệnh nhân ung thư máu, anh đã gặp nhiều trường hợp khó khăn. Dù vậy, anh luôn động viên họ cố gắng chữa trị bệnh và huy động những nguồn tài trợ bên ngoài giúp đỡ thông qua phòng công tác xã hội của Viện hỗ trợ.

Bác sỹ Nguyễn Quốc Nhật thăm hỏi, động viên bệnh nhân đang điều trị ung thư máu.

Bác sỹ Nguyễn Quốc Nhật thăm hỏi, động viên bệnh nhân đang điều trị ung thư máu.

Như trường hợp một cô gái trẻ ở Phú Thọ ở cùng mẹ già, gia cảnh khó khăn. Khi cô có ý định không chạy chữa bệnh ung thư máu do gia đình neo người và quá khó khăn về kinh tế, bác sĩ Nhật đã liên hệ với phòng công tác xã hội của Viện xin giúp đỡ. Anh cũng hứa với cô gái sẽ kêu gọi những nguồn tài trợ bên ngoài, kể cả việc ăn uống hàng ngày cho 2 mẹ con để cô an tâm chữa bệnh. Thế nhưng niềm tin và nghị lực sống không đủ lớn khiến 2 mẹ con cô quyết tâm viết giấy xin từ chối điều trị và về nhà. 

"Thực sự tôi thấy tiếc, nếu cô gái ấy quyết tâm chữa bệnh sẽ có cơ hội sống. Nhìn mẹ con khăn gói ra về mà tôi ứa nước mắt, xót xa", bác sĩ Nhật nhớ lại.

Không chỉ vững chuyên môn, với vai trò là một Đảng viên ưu tú, bác sĩ Nhật luôn năng nổ tham gia các hoạt động thiện nguyện của Viện. Anh luôn căn dặn các y bác sĩ trẻ của khoa thể hiện sự quan tâm, chia sẻ với người bệnh bằng những hành động nhỏ nhất. Phong trào "Nói lời cảm ơn thân thiện với người bệnh, người hiến máu" cũng từ đó trở thành một nét đẹp văn hóa và đã nhận được sự hưởng ứng và tham gia tích cực của toàn thể cán bộ, nhân viên Viện huyết học - Truyền máu Trung ương.

Là người được đánh giá luôn tận tụy, gắn bó với bệnh nhân ung thư nhưng bác sĩ Nguyễn Quốc Nhật rất kiệm lời khi nói về mình. Anh chia sẻ, là một bác sĩ, một Đảng viên cứ làm việc hết mình, cống hiến hết mình để không e ngại với đồng nghiệp, không phải áy náy với người bệnh và gia đình người bệnh. 

"Là một Đảng viên lại được khoác trên mình chiếc áo blouse trắng là cơ hội để tôi và các thầy thuốc cứu chữa cho người bệnh cũng như rèn luyện y đức, cổ vũ tinh thần sống đẹp, nhân ái vì sức khỏe cộng đồng như lời Bác dạy: Lương y như từ mẫu", Phó Trưởng khoa Điều trị hóa chất chia sẻ thêm.

"Từ khi đứng dưới cờ Đảng và đọc lời thề, tôi thấy rất vinh dự, tự hào và tự nhủ bản thân phải sống có trách nhiệm hơn. Vì vậy, ngoài học tập tốt, tiên phong, gương mẫu trong các phong trào, hoạt động, tôi còn hiến kế xây dựng các chương trình Đoàn - Hội, đóng góp sức trẻ vào các hoạt động an sinh xã hội, chương trình tình nguyện.

Khi ra trường làm bác sĩ, tôi luôn nỗ lực phấn đấu để xứng đáng như lời Bác dạy: Cán bộ cần phải thương yêu, phải chăm sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi nỗi đau của người bệnh cũng là nỗi đau của mình. Lương y phải như từ mẫu", Ths, BS Nguyễn Quốc Nhật (Phó Trưởng khoa Điều trị hóa chất – Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương) chia sẻ.

Nguồn: [Link nguồn]

Bác sĩ trong tâm dịch virus Corona ngậm ngùi kể chuyện về đường dây nóng

“Điều đáng buồn là hầu hết các cuộc gọi đến đều nhằm mục đích thử đường dây...“

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cao Tuân ([Tên nguồn])
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN