Cập nhật mới nhất sức khoẻ 2 nạn nhân vụ lũ quét Làng Nủ điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai

Sự kiện: Mưa lũ sau bão Yagi
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai hôm nay - 13/9 cho biết các y bác sĩ đang nỗ lực hết sức để chữa trị cho 2 nạn nhân trong vụ lũ quét tại thôn Làng Nủ (Phúc Khánh, Bảo Yên, Lào Cai) đang điều trị tại đây. Tuy nhiên tình trạng hiện vẫn chưa có chuyển biến.

Trong đó, bệnh nhi là bé gái Mông Hoàng Thảo Ng. (11 tuổi, dân tộc Tày) hiện điều trị tại Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai) hiện vẫn phải thở máy, tiên lượng nặng.

Lãnh đạo Trung tâm Nhi khoa cho biết, bệnh nhi Ng. bị viêm phổi, hội chứng vùi lấp, đa chấn thương phức tạp và có cả tình trạng sặc nước. Các điều dưỡng đã thực hiện bơm rửa dạ dày cho bệnh nhi, có rất nhiều bùn đất.

"Bệnh nhi vẫn rất nặng, chúng tôi chỉ biết nỗ lực hết sức, tập trung mọi nguồn lực, thuốc men tốt nhất, hi vọng cháu sẽ qua cơn nguy kịch"- bác sĩ điều trị bệnh nhi Ng. cho biết.

Trước đó, trong vụ lũ quét xảy ra tại thôn Làng Nủ, 4 người trong gia đình bé Ng. gồm bà ngoại, mợ và hai con của cậu đã tử vong. Bố mẹ bệnh nhi làm thợ xây ở Hà Nội, anh trai của bệnh nhi đi học nên thoát nạn.

Các y bác sĩ đang nỗ lực hết sức để chữa cho 2 nạn nhân trong vụ lũ quét tại thôn Làng Nủ (Phúc Khánh, Bảo Yên, Lào Cai) đang điều trị tại đây.

Các y bác sĩ đang nỗ lực hết sức để chữa cho 2 nạn nhân trong vụ lũ quét tại thôn Làng Nủ (Phúc Khánh, Bảo Yên, Lào Cai) đang điều trị tại đây.

Trường hợp khác là nam bệnh nhân H.V.V. (31 tuổi, dân tộc Tày) cũng là nạn nhân trong vụ lũ quét thôn Làng Nủ, hiện tình trạng vẫn rất nặng nề.

Theo bác sĩ điều trị cho biết, bệnh nhân chưa có chuyển biến gì hơn so với thời điểm nhập viện - ngày 12/9. Hút dịch phế quản đã hết sỏi, bùn đất, tuy nhiên, bệnh nhân vẫn đang phải hồi sức tích cực do chấn thương quá nặng do lũ quét gây ra.

"Chúng tôi đang nỗ lực hết mọi nguồn lực, trang thiết bị, thuốc men tốt nhất để cứu người bệnh. Bệnh viện đã tổ chức hội chẩn chuyên môn toàn viện gồm các chuyên gia đầu ngành về Hồi sức cấp cứu, Tim mạch, Hô hấp, Tiêu hóa, Huyết học, Truyền nhiễm, Dinh dưỡng...

Hiện nay, người bệnh đang được an thần, giãn cơ, ECMO hỗ trợ hô hấp và tuần hoàn, lọc máu liên tục phối hợp lọc máu hấp phụ, kháng sinh phổ rộng tối ưu, nội soi bơm rửa phế quản, truyền các chế phẩm máu... nhưng tình trạng hiện nay còn suy đa tạng rất nặng, nguy cơ tử vong cao"- Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai thông tin.

Trước đó, như Sức khỏe và Đời sống đã đưa tin, 01h16 phút ngày 12/09/2024, người bệnh H.V.V được chuyển đếnTrung tâm Cấp cứu A9 Bạch Mai trong tình trạng: hôn mê, thở theo bóp bóng qua nội khí quản O2 100%, toàn thân nhiều xây xát da, SpO2 92%, nhịp tim 111 CK/ph, huyết áp 120/60 mmHg.

0h30 phút ngày 12/09/2024, người bệnh được chuyển vào Trung tâm Hồi sức tích cực trong tình trạng an thần, giãn cơ, thở máy với FiO2 100%, SpO2 88%, nhiều đờm đục bẩn và có nhiều dị vật, giảm thông khí hai phổi, dẫn lưu dịch màng phổi trái ra ít dịch đỏ lẫn máu, huyết áp 100/50 mmHg, nhịp tim 119 CK/phút phải duy trì thuốc vận mạch, trợ tim liều cao;

Xây xát da toàn thân, nhiều vết thương chảy máu, bụng chướng nhiều, siêu âm nhiều dịch nghi máu trong ổ bụng, dịch màng phổi hai bên, xét nghiệm có rối loạn đông máu rất nặng (prothrombin < 5%, tiểu cầu 3 G/L), khí máu có tình trạng toan hỗn hợp nặng, nhiễm trùng nặng, tình trạng tiêu cơ vân CK 6400 U/L (hội chứng vùi lấp), cytokin trong máu rất cao (IL6 32192 pg/mmol).

Ngay khi bệnh nhân vào viện, các bác sĩ đã nhanh chóng thực hiện nhiều kỹ thuật để cấp cứu người bệnh như thở máy theo chiến lược bảo vệ phổi, lọc máu liên tục loại bỏ cytokin. Đồng thời đã báo cáo trực lãnh đạo bệnh viện, Ban giám đốc bệnh viện xin ý kiến điều trị người bệnh. Ngay lúc vào, Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh đã được nội soi phế quản (lần 3) để hút, bơm rửa phế quản. Trong nội soi thấy rất nhiều bùn, và dị vật trong lòng phế quản.

PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện đã trực tiếp chỉ đạo Trung tâm Hồi sức tích cực và các đơn vị trong bệnh viện tập trung tất cả các nguồn lực con người, trang thiết bị vật tư và thuốc men tốt nhất để cấp cứu nạn nhân.

Giám đốc bệnh viện cũng đã chỉ đạo thực hiện thành lập nhóm chuyên trách theo dõi điều trị và cập nhật thường xuyên tin tức người bệnh để các chuyên gia đóng góp ý kiến liên tục. Tất các đơn vị, phòng ban đã và đang tập trung nguồn lực để cứu chữa người bệnh.

Liên quan đến công tác điều trị cho nạn nhân của vụ lũ quyét kinh hoàng tại thôn Làng Nủ, như Sức khỏe và Đời sống đã đưa tin, Bệnh viện Việt Đức cũng đang điều trị một trường hợp nam bệnh nhân được chuyển đến hôm 11/9, tiên lượng cũng rất nặng nề.

Bệnh nhân vào viện trong tình trạng đa chấn thương: Chấn thương sọ não, chấn thương ngực, chấn thương bụng kín, tổn thương mạch máu, tổn thương tĩnh mạch khoeo trái, gãy phức tạp 1/3 trên 2 xương cẳng chân trái.

Để giữ lại mạng sống cho chàng trai 29 tuổi, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật khẩn cấp, cắt bỏ chân trái dập nát. Hàng loạt thiết bị máy móc hiện đại được áp dụng để giúp anh Kiên duy trì mạng sống.

Ngoài ra, tay trái của bệnh nhân đã có chỉ định phải cắt bỏ. Bệnh nhân phải thở máy, lọc máu, hồi sức tích cực… Các bác sĩ đang dồn toàn lực, phương tiện cấp cứu người bệnh.

Trước đó, như Sức khỏe và Đời sống đã thông tin khoảng 6h sáng 10/9, tại xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai, đã xảy ra vụ lũ quét tang thương.

Tính đến 9h20 ngày 13/9, có 48 thi thể được tìm thấy sau vụ lũ quét, 39 người mất tích, 17 người bị thương và 8 người may mắn thoát nạn. Địa phương vẫn đang tiếp tục xác minh một số trường hợp có thể không mất tích mà đi làm ăn xa chưa về.

Nguồn: [Link nguồn]

Sau 20 phút được các bác sĩ cấp cứu, bệnh nhân đã vượt qua cơn nguy kịch.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thái Bình ([Tên nguồn])
Mưa lũ sau bão Yagi Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN