Cao huyết áp: Nên ăn mặn tới đâu?
Một chế độ ăn nhạt, nhiều rau và quả chín có tác dụng hạ huyết áp.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên quan giữa muối ăn và bệnh cao huyết áp. Những quần thể dân cư có tập quán ăn mặn luôn có tỷ lệ người cao huyết áp lớn hơn các quần thể có tập quán ăn nhạt. Công tác khám chữa bệnh của các thầy thuốc cũng cho thấy: một chế độ ăn nhạt, nhiều rau và quả chín có tác dụng hạ huyết áp. Những người bị cao huyết áp dùng thuốc lợi tiểu thải muối sẽ hạ được huyết áp.
Muối: “khắc tinh” của huyết áp
Thành phần chính của muối ăn là natri. Natri trong chế độ ăn có từ hai nguồn: nguồn có sẵn trong thực phẩm và nguồn cho thêm vào thức ăn trong quá trình chế biến (phần này phụ thuộc vào từng người). Theo một số tác giả, một chế độ ăn không thêm muối cũng đã cung cấp 1,6g natri, tương đương 4,1g muối ăn.
Để kiểm soát tốt huyết áp, người bệnh cần lưu ý một muỗng càphê muối tương đương 5g muối; một muỗng canh nước tương, nước mắm tương đương 2g muối; một gói mì ăn liền chứa gần 2g muối. Người bình thường không nên ăn quá 6g muối/ngày. Bệnh nhân tăng huyết áp: không ăn quá 4g muối/ngày.
Người bị tăng huyết áp không nên dùng thêm nước chấm mặn. Ảnh: Lê Kiên
Bệnh nhân bị suy tim không nên ăn quá 3g muối/ngày.
Lời khuyên cho người tăng huyết áp
Không dùng các loại thực phẩm có nhiều muối như các loại khô, mắm, cà muối, dưa muối, thực phẩm đóng hộp, giò chả, tương chao… Hạn chế dùng thực phẩm chế biến sẵn có nhiều muối: cải muối chua, trứng muối, thịt hộp, chả lụa, thịt chà bông (ruốc), xúc xích... Không dùng thêm nước chấm mặn trong bữa ăn; nước mắm nguyên chất, muối tiêu, mắm nêm, mắm tôm… Ăn nhạt hơn lúc chưa có bệnh. Nêm ít muối và bột nêm khi chế biến món ăn (giảm ít nhất 50% so với lúc bình thường).
Giảm sử dụng chất béo, đặc biệt khi có thừa cân, bằng cách hạn chế các món chiên xào nhiều dầu mỡ. Giảm sử dụng các loại nước xốt pha sẵn vì có nhiều dầu và muối (xốt cà chua, xốt ớt, xốt mayonnaise, dầu hào…) Ăn cá thay thịt tối thiểu ba lần/tuần, đặc biệt là các loại cá có nhiều chất béo omega 3 như cá thu, trích, mòi, ngừ, hồi, basa… Tăng cường ăn rau củ và quả chín theo khả năng. Bổ sung các loại khoai củ và đậu hạt. Uống thêm 1 – 2 ly sữa tách béo hoặc sữa đậu nành/ngày. Theo dõi cân nặng thường xuyên để điều chỉnh chế độ ăn kịp thời, tránh béo phì. Ngưng thuốc lá, hạn chế rượu bia và các chất kích thích thần kinh.
Rèn luyện cơ thể đều đặn mỗi ngày hoặc cách ngày. Bệnh nhân lớn tuổi đi bộ là tốt nhất.
Luôn vui tươi, lạc quan yêu đời để giảm bớt áp lực cho tim mạch. Uống thuốc và tái khám định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị. Không tự ý ngưng thuốc.