Cạo gió cũng có "chống chỉ định"

Sự kiện: Sống khỏe

Tôi có thói quen cạo gió để chống mệt mỏi, đau nhức nhưng bị người nhà phản đối vì bảo lớn tuổi mà còn cạo gió rất nguy hiểm. Có thật thế không?

Cạo gió cũng có "chống chỉ định" - 1

Bạn đọc Trần Hải Hà (nữ, 57 tuổi, quận Gò Vấp, TP HCM), hỏi: Từ ngày còn bé, mỗi lần nhức đầu, đau mỏi tôi đều được mẹ cạo gió, bắt gió, sau đó cảm thấy khá dễ chịu. Tôi vẫn duy trì thói quen đó. Nhưng vừa rồi chắc tại con tôi cạo mạnh tay quá nên chỗ cạo gió trên vai bị tím bầm, đau. Đi khám thì bác sĩ không cho tôi cạo gió nữa. Tôi nghe nói cạo gió, bắt gió trong Đông y có sử dụng, chắc tại bác sĩ Tây y không rành? Những phương pháp đơn giản này chắc không có "chống chỉ định"?

Lương y Đinh Công Bảy, Tổng Thư ký Hội Dược liệu TP HCM, trả lời:

Cạo gió thật ra cũng có chỉ định và chống chỉ định cụ thể, có thể bác sĩ của chị không cho chị cạo gió nữa vì chị có những bệnh lý khiến việc cạo gió trở nên không an toàn.

Cạo gió có tác dụng trị đau, nhức mỏi do nhiễm nước (dầm mưa lâu, đang đổ mồ hôi vội tắm ngay), do đi nắng về bị nhức đầu, nhức mỏi do ngồi lâu, nằm sai tư thế, làm việc nặng, bị cảm gây mỏi cơ và sốt hâm hấp…

Cách cạo là dùng dầu dạng nước, ví dụ dầu gió, bôi lên chỗ bị đau, dùng vật cứng dạng tròn, nhẵn như đồng xu hay đầu muỗng để cạo nhẹ nhàng. Ví dụ đau cổ - vai thì cạo gió từ hai bên cột sống cổ kéo xuống vai, đau lưng thì cạo dọc hai bên cột sống lưng…

Việc cạo gió nhằm làm vỡ một số mạch máu ngoại biên li ti, giải quyết tình trạng ứ huyết gây đau nhức. Việc vỡ những mạch máu nhỏ này không gây nguy hiểm ở người bình thường.

Còn việc "bắt gió" theo kiểu dùng dầu bôi lên và day từ hai thái dương kéo vào ấn đường, có khi ngắt cho đỏ cả khu vực này thì không đúng. Không nên dùng dầu tại vùng này vì gần mắt, dễ gây hại cho mắt. Cách day ấn huyệt đúng là day hai huyệt Thái dương, hoặc có thể day từ trong ra ngoài: từ ấn đường dọc theo cung mày ra đến hai bên thái dương. Ngoài ra có thể day ấn huyệt Phong trì sau gáy.

Lưu ý những trường hợp không được cạo gió như: người bị cao huyết áp và các dạng bệnh tim mạch khác, có bệnh tan máu, khó đông máu, bệnh ngoài da, sốt xuất huyết. Nếu bị các bệnh trên mà cạo gió sẽ rất nguy hiểm. Chị nên xem lại mình có bị một trong các vấn đề trên không? Nếu có, đó là lý do bác sĩ cấm chị cạo gió.

Ngoài ra, không cạo gió cho trẻ em dưới 6 tuổi. Trẻ lớn nếu có cạo thì cũng phải thật nhẹ nhàng, dùng dầu vừa phải bởi da các em rất mỏng manh, dễ kích ứng.

Trẻ bị cảm có nên cạo gió để chữa trị?

Cạo gió là một phương pháp chữa bệnh dân gian được dùng rất phổ biến. Tuy nhiên, một số người tuyệt đối không được...


 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Thư (Người lao động)
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN