Cảnh giác với giun móc chó, mèo dưới da

Vừa qua, một phụ nữ cư ngụ tại Khương Đình, Hà Nội đã phải vào bệnh viện vì trên nhiều vùng da cơ thể, nổi lên những đám ngoằn ngoèo nhìn giống như những mạch máu nhỏ, nhưng lại gây ngứa ngáy dữ dội. Kết quả xét nghiệm cho thấy chị đã bị nhiễm một loại giun móc, vốn chỉ sống ký sinh trong chó, mèo…

Tên khoa học của loài giun này là Anylostoma caninum, Ancylostoma braziliense, Uncinaria stenocephalaoccur, sống ký sinh trong hệ tiêu hóa của chó, mèo và một vài loài động vật hoang dã khác.

Theo chu trình phát triển, giun đẻ trứng, trứng sẽ theo phân ra ngoài rồi từ 3 đến 6 ngày - tùy theo nhiệt độ, môi trường, trứng nở thành ấu trùng. Ấu trùng giun móc chó, mèo phát triển tốt trong những vùng đất ẩm hoặc bùn sình rồi sau đó, khi chó, mèo tiếp xúc với đất có ấu trùng, nó sẽ đi xuyên qua da chó, mèo, vào máu, về tim, về phổi rồi cuối cùng trưởng thành ở ruột non của chó, mèo.

Giai đoạn ấu trùng phát triển trong đất ẩm, bùn sình, và nếu gặp người đi chân đất, hoặc dùng tay không bốc đất, nó sẽ theo các lỗ chân lông chui vào cơ thể. 30 phút sau khi xâm nhập vào cơ thể, thường có triệu chứng ngứa nhẹ. Theo các tài liệu về bệnh học ký sinh trùng, ấu trùng có thể nằm im dưới da cả tuần hay cả tháng, hoặc cũng có thể di chuyển ngay, tạo thành những hang ngoằn ngoèo, rộng từ 2 đến 3mm, nhìn thấy bằng mắt thường.

Trung bình mỗi ngày, ấu trùng đi được từ 3 đến 4cm, gây cảm giác ngứa ngáy khó chịu. Nếu có nhiều ấu trùng xâm nhập thì những hang ngằn ngoèo này rất đa dạng. Những vị trí ấu trùng thường xâm nhập là bàn chân, khe ngón chân, ngón tay, đôi khi ở dưới móng. Do vật ký sinh của ấu trùng giun móc là chó, mèo nên khi vào người, nó chỉ sống được từ 4 đến 8 tuần  rồi chết, tạo thành kén, y học gọi là ngõ cụt ký sinh.

Ở Việt Nam, giun móc chó, mèo có mặt khắp nơi. Bệnh viện Nhiệt đới Tp HCM đã từng tiếp nhận và điều trị cho nhiều bệnh nhân nhiễm loại ấu trùng này. Bác sĩ Trần Phủ Mạnh Siêu, Trưởng khoa Xét nghiệm BV Nhiệt đới cho biết trước đây, có một người đàn ông 35 tuổi, cư ngụ tại quận 8, Tp HCM, vào viện với triệu chứng ngứa vùng ngực kéo dài. Qua thăm khám, dưới da bụng, ngực, mặt trong cánh tay phải, xuất hiện một số đường ngoằn ngoèo. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị nhiễm giun móc chó, mèo.

Theo bác sĩ Trần Phú Mạnh Siêu, giun móc chó, mèo có nhiều loại như Ancylostoma tubaeforme, thường thấy ở mèo; Ancylostoma caninum thấy ở chó, Ancylostoma brazilense và Uncinaria stenocephalaoccur, thường thấy ở cả chó và mèo. Những loại giun móc này có thể lây nhiễm sang người nếu thường xuyên tiếp xúc với chó, mèo hoặc đi chân trần trên nền đất ẩm có chứa phân chó, mèo.

Cảnh giác với giun móc chó, mèo dưới da - 1

Giun móc chó, mèo ở bụng một bệnh nhân.

Gần đây nhất, tháng 11/2012, 3 nữ du khách từ Tp HCM đi nghỉ mát tại một resort ở Bình Thuận. Trong quá trình nghỉ dưỡng, họ được nhân viên chăm sóc da (spa) tư vấn đắp bùn rồi ủ người trong cát để giải trừ độc tố ở gan vì bùn và cát có muối khoáng, có chất nóng nên sẽ hút hết… chất độc (?!).

Sau chuyến du lịch trở về, cả ba thấy ngứa nhiều vùng trên da. Một trong 3 người là chị M, kể: "Một tuần sau khi về, tôi cảm thấy ngứa ở ống chân như kiến bò. Lấy tay gãi chỗ ngứa thì thấy có một vệt nhỏ như sợi chỉ, màu hồng, di chuyển. Điện thoại hỏi bộ phận spa ở resort thì họ nói bùn nhập từ Trung Quốc nên tôi rất sợ".

Chẳng riêng gì chị, hai người bạn cùng đi với chị, một người ngứa ở đùi và ống chân, một người ngứa ở ngực. Đi khám tại Bệnh viện Đại học Y Dược, cả ba phát hoảng khi biết mình nhiễm giun móc chó, mèo - vốn là bệnh thường gặp ở trẻ từ 3 đến 8 tuổi vì chúng thường chơi dưới đất, cát! Sau khi được điều trị bằng thuốc, cả ba đã bình phục hoàn toàn.

Tương tự như vậy - nhưng nặng hơn là ông K, ở Lâm Đồng, làm nghề trồng rau. Một hôm, ông phát hiện ở mặt trên bàn chân, bắp chân, bụng, ngón tay, mu bàn tay có nhiều đám ngoằn ngoèo, di chuyển liên tục khiến ông ngứa ngáy rất khó chịu. Đi khám, ông được bác sĩ định bệnh là… giãn mao mạch ngoại biên!

Uống thuốc mãi không khỏi, ông xuống Tp HCM, đến Trung tâm chẩn đoán Y khoa Hòa Hảo thì mới hay ông đã nhiễm giun móc chó, mèo mà nguyên nhân là ông thường xuyên đi chân đất, cũng như dùng tay không bốc phân động vật đã ủ khô để bón rau. Cũng may những tổn thương trên da chưa bị nhiễm khuẩn thứ phát nên một tuần sau khi điều trị, ông đã lành bệnh.

Người Việt thường có tập tục nuôi chó, mèo trong nhà nên cũng cần phải nói thêm về những loại ký sinh trùng sống trong chó, mèo nữa: Đó là giun chỉ Dirofilaria Repens, Thelazia callipaeda và Toxacara.. Khi xâm nhập vào người, những loại giun này thường cư trú ở mắt, dưới kết mạc, ngoài ra còn có thể tìm thấy ở phổi, cơ, não, mô mềm như vú, dưới da, gan. Đã từng có một bệnh nhân thấy cộm ở mắt trái, soi gương rồi lật mí mắt ra xem thì thấy có 3 con giun nhỏ chui ra nhưng mắt vẫn cộm và ngứa. Khi đến bệnh viện để kiểm tra, các bác sĩ đã gắp nốt số giun còn lại đang "thường trú" trong mắt, tổng cộng là 7 con, loại Thelazia callipaeda, sống ký sinh ở chó.

Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Đề, người nhiễm các loại ký sinh trùng này ngày càng phổ biến, có năm phát hiện tới hơn 40 trường hợp. Trước đây, một khảo sát với 323 phụ nữ có thai, sinh sống ở huyện Củ Chi trên 5 năm, thực hiện tại Trung tâm Y tế huyện Củ Chi thì thấy tỉ lệ nhiễm giun lươn là 8%, nhiễm giun móc chó, mèo là 18%, giun đũa chó mèo 41%, đa nhiễm giun là 54%.

Theo các chuyên gia về ký sinh trùng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến nhiễm ấu trùng giun móc chó, mèo, chẳng hạn như tiếp xúc với đất, cát bằng tay không hoặc chân không (bón phân, trồng trọt, đi chân không hoặc chơi đùa ở những nơi chó, mèo thường phóng uế). Bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng và có thể điều trị dễ dàng chỉ với một liều thuốc duy nhất.

Bác sĩ Đỗ Ngọc Ánh, giảng viên Bộ môn Ký sinh trùng - Học viện Quân y, nói: "Điều trị cần được thực hiện sớm khi tổn thương còn khu trú và chưa có nhiễm khuẩn thứ phát. Triệu chứng ngứa sẽ giảm đáng kể trong vòng từ 1 đến 2 ngày sau khi uống thuốc và hầu hết tổn thương sẽ lành trong vòng 1 tuần".

Để phòng ngừa, biện pháp tốt nhất là không nên dùng tay không tiếp xúc với đất cát, thường xuyên mang giày, dép, găng tay nếu phải hoạt động ở những nơi đất, cát ẩm ướt. Tập thói quen rửa tay trước khi ăn, hạn chế cho trẻ con chơi với chó, mèo, hạn chế ăn tiết canh, gỏi cá sống hoặc uống rượu pha tiết. Nhà có nuôi chó, mèo, nên tẩy giun cho chúng theo định kỳ. Phân chó, mèo thải ra, nên chôn sâu xuống đất sau khi đã rắc vôi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo V.C (Công an nhân dân)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN