Cảnh báo những nguy cơ đột tử
Vụ việc phó giám đốc sở tài chính một tỉnh ở miền Tây đột quỵ rồi mất luôn trong lúc ngủ khi tuổi đời còn rất trẻ, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về căn bệnh nguy hiểm với những cái chết đột ngột
Theo các chuyên gia, nếu cách dùng quạt và máy lạnh không đúng, đi kèm với bệnh nền hoặc sau một đêm sử dụng nhiều bia, rượu thì nguy cơ đột tử khi ngủ là rất cao.
Đột tử vì nhiễm lạnh
Bác sĩ (BS) chuyên khoa II nội tim mạch Trương Quang Anh Vũ, Trưởng Phòng Kế hoạch - Tổng hợp Bệnh viện (BV) Thống Nhất, cho biết gốc rễ của nguyên nhân là sự thay đổi nhiệt độ đột ngột tác động đến mạch máu.
Tình huống thứ nhất là sự co mạch làm tăng huyết áp, xảy ra khi đang nóng bức mà gặp lạnh đột ngột: thường gặp ở người đi ngoài nắng, bị đổ mồ hôi, vào ngồi ngay trước máy lạnh, quạt cho mát; buổi tối trời nóng hoặc đi nhậu về có bia, rượu trong người, cảm thấy nóng bức nên mở quạt, máy lạnh công suất lớn rồi đi ngủ; hoặc đang đổ mồ hôi, say rượu mà buổi tối về đi tắm ngay.
Nếu người đó có bệnh lý động mạch vành, hiện tượng co mạch, tăng huyết áp thì có thể dẫn đến cơn nhồi máu cơ tim. Nếu hiện tượng co mạch xảy ra ở các mạch máu nhỏ trong não thì dẫn đến đột quỵ. Trong đêm, đang ngủ mê mệt, nhất là đang say, thì khó lòng nhận biết cơn tăng huyết áp, không kịp kêu cứu khi nhồi máu cơ tim hay đột quỵ xảy ra.
BS Vũ khuyên để phòng tránh điều này, phòng ngủ nên bố trí quạt và máy lạnh không thổi luồng gió trực tiếp vào người nằm trên giường. Quạt không để cố định, mà phải để chế độ quay qua lại, máy lạnh thì ban đêm chỉ từ 26-27 độ C. Với người say rượu, người nhà nên lưu ý điểm này vì người say cơ thể thường cảm thấy nóng bức nhưng thật ra đó lại là lúc họ dễ nhiễm lạnh, nếu không tới mức đột tử thì cũng dễ bị cảm lạnh.
Tình huống thứ hai ngược lại là thay đổi nhiệt độ từ lạnh sang nóng, ví dụ từ phòng lạnh vội vã ra nắng hoặc người đang ướt mưa gặp ngay nắng gắt, nhiệt độ cao. "Điều này có thể khiến thân nhiệt tăng đột ngột, làm tim đập nhanh, tăng huyết áp. Hoặc cơ thể sẽ phản ứng bằng cách giãn mạch, tăng xuất tiết mồ hôi để cố gắng làm giảm thân nhiệt. Khi đó, nếu cơ thể mất nước thì thể tích tuần hoàn giảm, có thể dẫn đến trụy mạch, tụt huyết áp" - BS Vũ giải thích.
Nguy cơ bị nhồi máu cơ tim, đột quỵ do sự thay đổi nhiệt độ làm biến động huyết áp nói trên cao nhất ở người có bệnh lý tim mạch (nhất là bệnh tăng huyết áp mạn tính), người lớn tuổi, sức khỏe yếu hay có các bệnh nền khác. Do đó, kiểm tra sức khỏe thường xuyên để quản lý tốt bệnh nền cũng là cách để giảm thiểu nguy cơ, BS Vũ khuyến cáo.
Sống lành mạnh, không hút thuốc lá, uống ít rượu, bia thì có thể phòng ngừa được đột quỵ (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Đột quỵ gia tăng ở người trẻ
PGS-TS-BS Nguyễn Huy Thắng - Chủ tịch Hội Đột quỵ TP HCM, Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não BV Nhân Dân 115 - cho biết đột quỵ thường gặp ở lứa tuổi trên 60. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là người trẻ không bị đột quỵ. Gần đây, đột quỵ có xu hướng tăng ở người trẻ. Bệnh nhân bị đột quỵ lứa tuổi từ 20-30 khá nhiều, thậm chí 50% số bệnh nhân đột quỵ ở dưới 50 tuổi.
TS-BS Trần Chí Cường - Chủ tịch Hội Can thiệp thần kinh TP HCM, Giám đốc BV Đột quỵ tim mạch Cần Thơ (S.I.S Cần Thơ) - cho hay hiện nay có những cái chết bất ngờ ở tuổi 40 vì đột quỵ, trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người. Tuổi 40-45 chiếm hơn 1/3 các ca đột quỵ bởi họ thường hội đủ các yếu tố nguy cơ, thói quen xấu: stress cao độ, lạm dụng rượu, bia, nghiện thuốc lá... Qua nghiên cứu hơn 1.600 ca đột quỵ đến BV S.I.S Cần Thơ, những yếu tố nguy cơ được ghi nhận nhiều nhất là cao huyết áp, béo phì, cholesterol cao, bệnh lý tim mạch, hút thuốc lá...
Các chuyên gia cho biết dù y học hiện đại có thể cứu kịp nhiều trường hợp đột quỵ song vẫn còn những ngộ nhận, cũng là một trong những thách thức trong điều trị đột quỵ. Sai lầm là khi thấy có người bất tỉnh, nhiều người cho rằng họ bị "trúng gió" và tìm cách sơ cứu bằng những biện pháp dân gian như giật tóc, xức dầu, cạo gió, bấm huyệt làm mất thời gian, thay vì chuyển đến cơ sở y tế có chuyên khoa đột quỵ gần nhất để được sơ cứu và xử trí.
Thực tế tại các BV lớn trên địa bàn TP HCM như Chợ Rẫy, Đại học Y Dược, Nhân Dân 115..., không ngày nào không có bệnh nhân bị đột quỵ nhập viện. Đột quỵ có 20% là xảy ra đột ngột và có đến 80% là xuất hiện triệu chứng báo trước. Nhưng những dấu hiệu này thường ít được cộng đồng quan tâm (méo miệng, nói khó, nói đớ, tê yếu tay chân, bệnh nhân đã từng bị đột quỵ...).
PGS-TS-BS Nguyễn Huy Thắng cho rằng đột quỵ có “thủ phạm” thì hoàn toàn có thể phòng ngừa được. Nếu mắc phải những bệnh cao huyết áp, đái tháo đường, tăng mỡ máu, béo phì... thì cần sớm điều trị, kiểm soát các chỉ số ở mức bình thường. Đồng thời duy trì lối sống lành mạnh, không hút thuốc lá, uống ít rượu, bia thì khả năng bị đột quỵ rất thấp. |
Vào một buổi sáng, mẹ chồng phát hiện cơ thể cô bị cứng và lạnh cóng. Cô đã chết vào giữa đêm, chiếc điện thoại...
Nguồn: [Link nguồn]