Cảnh báo những bệnh trẻ dễ mắc mùa tựu trường

Mùa tựu trường là lúc giao mùa Hè - Thu, nóng lạnh thất thường, độ ẩm cao, môi trường học đường đông đúc… khiến trẻ dễ mắc nhiều bệnh. Ngoài bệnh sốt xuất huyết đang hoành hành, cha mẹ cần biết thêm những chứng bệnh trẻ dễ mắc khi đi học để có biện pháp phòng ngừa.

Cảnh báo những bệnh trẻ dễ mắc mùa tựu trường - 1

Nhắc trẻ thường xuyên rửa tay bằng xà phòng để hạn chế mắc bệnh. Ảnh minh họa

Các bệnh dễ mắc mùa tựu trường

1. Chứng đau họng: Theo BS Duy Anh, Khoa khám bệnh, Bệnh viện E Hà Nội. Chứng đau họng do vi khuẩn gây ra khiến trẻ sưng họng, sốt, ớn lạnh, đau đầu, buồn nôn… Chữa trị sớm để tránh diễn tiến xấu thành bệnh đường hô hấp.

Bệnh đường hô hấp gồm viêm họng do siêu vi, viêm phế quản, viêm hô hấp trên/dưới... khiến trẻ đột ngột là sốt vài ngày, hắt xì hơi, ngạt mũi, chảy nước mắt, đau họng, ho… Nếu chỉ bội nhiễm khuẩn do siêu vi sẽ tự khỏi sau 4 - 5 ngày. Cần theo dõi vì bệnh hay tiến triển thành viêm phổi rất nguy hiểm trong thời gian ngắn.

2. Cảm cúm: Do virus lây lan qua không khí, hoặc tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, gây nghẹt mũi, chảy nước mũi, sốt, đau đầu… Nếu sốt cao, phải đưa trẻ đi khám ngay vì dễ bị biến chứng nguy hiểm đường hô hấp.

3. Bệnh nhiễm siêu vi: Đặc điểm nổi bật của bệnh là sốt cao đột ngột > 39oC liên tục. Dùng thuốc hạ sốt, thân nhiệt có giảm một thời gian rồi lại tăng lên. Kèm theo phát ban, đau bụng, nôn, tiêu chảy. Nhiễm siêu vi thường xuất hiện cấp tính, trẻ hết sốt sau 3-5 ngày, khỏe lại từ từ.

4. Viêm màng não mủ: Rất nguy hiểm vì triệu chứng giống viêm họng, viêm phổi, tiêu chảy… khiến nhiều mẹ dễ nhầm lẫn. Trẻ có thể sốt cao, chảy nước mũi, ho, tiêu chảy, nôn… Bệnh chỉ điều trị hiệu quả ở giai đoạn sớm.

5. Bệnh tay chân miệng: Tháng 8 bệnh tay chân miệng vào mùa. Trẻ có thể bị sốt nhẹ thoáng qua, hoặc sốt cao 39 - 40oC, mỏi mệt, kém ăn, đau họng… và xuất hiện những nốt ban hồng khoảng 2mm ở miệng, da lòng bàn tay, gan bàn chân, đôi khi ở mông, cẳng chân. Bệnh dễ lây thành dịch, nếu không chăm sóc và điều trị đúng sẽ biến chứng, dẫn đến tử vong.

6. Bệnh nhiễm trùng mắt: Mùa tựu trường là lúc dịch đau mắt đỏ hay tái phát và rất dễ lây. Dạy trẻ không lấy tay dụi mắt, không dùng chung vật dụng cá nhân (khăn, áo, gối...), nhỏ nước muối sinh lý hàng ngày.

7. Bệnh đường tiêu hóa: Bảng, phấn, giẻ lau... và thói quen quẹt mũi, cắn móng tay, bốc thức ăn… mà không rửa tay, hoặc rửa tay không có xà phòng… rất dễ mắc các bệnh về đường tiêu hóa. Thói quen ăn quà vặt ngoài cổng trường dễ làm trẻ bị ngộ độc thực phẩm, rối loạn tiêu hóa.

8. Sốt phát ban: Nếu bệnh do virus sởi gây ra gọi là ban đỏ, bệnh gây ra bởi virus rubella còn gọi là ban đào. Sốt phát ban lây truyền qua đường hô hấp, khiến trẻ mệt mỏi, đau đầu, sổ mũi, đau họng, viêm kết mạc mắt, niêm mạc vòm họng có thể xuất hiện những chấm xuất huyết nhỏ. Hai bên cổ, sau tai xuất hiện hai hạch sưng to và đau. Da trẻ xuất hiện những nốt đỏ nhỏ li ti ở vùng mặt, rồi lan nhanh ra toàn thân và chân tay.

Ngoài ra, trẻ hay bị dị ứng, viêm tai, viêm tắc thanh quản và khí quản do viêm nhiễm virus (khiến trẻ thở khò khè, ho nhiều về đêm), bệnh nhiễm trùng đường tiểu (do nhịn tiểu, uống ít nước… phổ biến ở bé gái), bị căng thẳng tâm lý do thay đổi môi trường sống ở nhà và ở trường.

Món ăn tăng sức đề kháng

Mùa tựu trường, cha mẹ cần giúp con điều chỉnh đồng hồ sinh học cho phù hợp. Nên gọi con dậy trước giờ đi học 1 giờ để cơ thể khỏe khoắn, tỉnh táo. Buổi sáng nên ra ngoài khoảng 30 phút để tắm nắng sớm. Buổi tối đi ngủ sớm và ngủ đủ giấc, 2-3 giờ trước khi đi ngủ nên tránh ánh sáng mạnh vì chúng trì hoãn cơn buồn ngủ. Ngày nghỉ cũng không nên cho trẻ ngủ muộn, ngủ trưa giấc dài vì trở dậy trẻ rất mệt mỏi.

Theo Lương y quốc gia Anh Đào (nguyên bác sĩ Bệnh viện Y học cổ truyền Quân đội), mùa tựu trường phòng bệnh hơn chữa bệnh, cha mẹ chăm sóc bồi dưỡng giúp trẻ tăng sức đề kháng sẽ hạn chế được ốm đau. Bí kíp giúp trẻ đề kháng tốt là bổ sung dinh dưỡng, uống nước đủ (khoảng 8 ly/ngày), tập thể dục thể thao…

- Nên ăn nhiều cam, quýt, lê, dâu tây, rau cần, ớt xanh, trà xanh, trái cây tươi, rau cải xanh… để bổ sung vitamin C ngừa cảm cúm, tăng sức đề kháng, đẩy các chất có hại ra ngoài, phục hồi khả năng các tế bào bị thương tổn.

- Khi trẻ bị ốm, cơ thể thiếu vitamin A, giảm khả năng kháng virus, vi khuẩn, chức năng bảo vệ đường hô hấp yếu đi… Vitamin A trong cà rốt, gan động vật, thịt đỏ, rau ngót, đu đủ… giúp ổn định màng tế bào, tăng khả năng miễn dịch. Tỏi là “vua” gia vị phòng ngừa cảm cúm rất tốt.

- Chất kẽm là khắc tinh của virus, ăn nhiều trong thịt nạc, hàu, gan lợn, các loại cá, lòng đỏ trứng… sẽ tăng sức đề kháng.

- Bổ sung caroten có trong dưa hấu, dưa vàng, rau ngò, cải bó xôi… Bổ sung vitamin E có trong dầu đậu nành, hạt điều, hạt dẻ…

Ngoài ra, cần bổ sung khoáng chất (sắt, DHA, omega 3…) hợp lý, có chế độ ăn uống vệ sinh, chọn thực phẩm phù hợp, dễ tiêu hóa, ít dầu mỡ, cân đối giữa chất đạm, bột, chất xơ.

Bữa sáng nên cho trẻ ăn no ở nhà để tránh ăn quà vặt ngoài đường. Ngày nắng nóng thì nấu những chất mát (bổ âm) giải nhiệt như chè đậu đen, bột sắn dây, nước chanh, cam vắt, sinh tố hoa quả.

Thực tế, nhiều trẻ vào viện trong tình trạng bệnh nặng do cha mẹ dùng thuốc bừa bãi. Vì thế, khi trẻ ho, sốt, chảy mũi… cũng cần đưa trẻ đi khám để điều trị đúng, loại trừ bệnh nguy hiểm và mau lành.

Nên làm khi trẻ bị ốm:

- Bệnh gì cũng cần đưa trẻ khám và điều trị chuyên khoa, không tự mua thuốc điều trị để tránh biến chứng.

- Trẻ ốm sốt vẫn cần lau rửa, tắm giặt, vệ sinh mũi họng… hàng ngày.

- Nếu trời đột ngột nắng nóng, dạy trẻ không ra ngoài khi trời nắng gắt.

- Ngày mưa đi học về, giục trẻ rửa ráy thay quần áo để tránh bị cảm lạnh, nhiễm bệnh ngoài da.

- Chú ý tới giấc ngủ sâu sẽ khiến trẻ khỏe mạnh hơn, tăng sức đề kháng.

- Dạy trẻ thói quen rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn uống và sau khi đi vệ sinh.
- Vệ sinh không gian sống sạch sẽ, thoáng mát. Tăng cường diệt muỗi, diệt bọ gậy.
Không nên:
- Hạn chế cho trẻ ăn đồ ăn nhanh, thức ăn để lâu. Không uống nhiều nước đá, ăn thực phẩm quá lạnh.
- Không để quạt điện, máy lạnh xối thẳng vào người, nhất là sau khi tắm, đi ngoài đường đầy mồ hôi về… vì dễ bị cảm lạnh.
- Tránh để trẻ tiếp xúc nơi khói, bụi, thuốc lá, không khí lạnh, cách ly trẻ với người bệnh để tránh bị lây.

(BS Duy Anh, Khoa khám bệnh, Bệnh viện E Hà Nội)

7 dấu hiệu sức khỏe nghiêm trọng dễ bị bỏ qua ở trẻ

Rất nhiều dấu hiệu sức khỏe bất thường trẻ nhỏ nếu cha mẹ lơ là dù chỉ một chút cũng đủ để dẫn đến các tình...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Hà (Gia Đình & Xã Hội)
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN