Cảnh báo căn bệnh đang hủy hoại hàng triệu người Việt

Sự kiện: Bệnh stress

Căng thẳng thần kinh (stress) đang ngày trở thành một vấn nạn không loại trừ một ai trong cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, căn bệnh này lại không được chú ý đúng mức, nhiều người khi bị đau đầu, đau bụng, rối loạn tiêu hóa... cho rằng mệt mỏi do căng thẳng, quá sức. Đến khi phát hiện bệnh tâm thần thì quá muộn, khiến việc chữa trị trở nên khó khăn, tốn kém.

Cảnh báo căn bệnh đang hủy hoại hàng triệu người Việt - 1

Những người trẻ tuổi bị rối loạn tâm thần cần được hỗ trợ về mặt lâm sàng và tâm lý xã hội sớm và kịp thời để tránh những hậu quả nặng nề. Ảnh: TL

Tưởng mệt mỏi hóa ra rối loạn tâm thần nặng

Anh P.Đ.B (46 tuổi), chủ một doanh nghiệp nhỏ ở Ninh Bình rơi vào trạng thái mệt mỏi thường xuyên khoảng nửa năm nay. Ban đầu anh nghĩ do mình thay đổi chế độ dinh dưỡng và do thời tiết nắng nóng. Tuy nhiên, quay trở lại với chế độ ăn cũ và hạn chế đi ra ngoài vào những lúc cao điểm nắng nóng anh vẫn không thấy khả quan. Tinh thần nhiều lúc thất thường, đang vui có thể lại dễ cáu. Dễ nổi nóng ở công ty, về nhà không thích giao tiếp với vợ con. Các hợp đồng làm ăn cũng làm anh không thấy hứng thú.

Lo lắng về tình trạng của chồng, chị T (vợ anh) đã thuyết phục chồng đi khám. Sau khi khám ở nhiều khoa không phát hiện bệnh gì, các bác sĩ đã giới thiệu anh đến Bệnh viện Tâm thần Trung ương. Tại đây, anh B được chẩn đoán bị rối loạn tâm thần cần phải điều trị.

Tương tự trường hợp của anh B, chị B.L (34 tuổi, ở Tây Hồ, Hà Nội) luôn thấy mệt mỏi, công việc bê trễ. Chị thường xuyên thấy đau đầu, khó thở... Cho rằng chị làm việc nhiều nên gia đình bắt chị nghỉ ngơi khoảng 1 tháng. Tuy nhiên cả tháng này chị không muốn vận động, không thiết gì ăn uống, sợ ánh sáng, tiếng động và không muốn giao tiếp với ai.

Những trường hợp như anh B, chị L không phải là hiếm trong cuộc sống hiện đại.

Thống kê của Bộ Y tế vào năm 2017 cho thấy, tại Việt Nam có khoảng 15% dân số mắc các rối loạn tâm thần phổ biến liên quan tới stress, 3 triệu người bị rối loạn tâm thần nặng. Còn thông báo tại Viện Sức khỏe Tâm thần cho thấy có 30% dân số Việt Nam mắc các bệnh rối loạn tâm thần, trong đó tỷ lệ trầm cảm chiếm 25%.

Tuy vậy, theo GS.TS Cao Tiến Đức - Chủ nhiệm Bộ môn Tâm thần và tâm lý y học (Học viện Quân y), đây là con số thống kê chưa đầy đủ. Bởi thực tế, số người bệnh được chữa trị còn rất thấp, chỉ có 20% số người mắc bệnh đi khám. Nguyên nhân nhiều người cho rằng mình chỉ bị mỏi mệt cơ thể, chứ không phải mắc bệnh liên quan tới tâm thần, hoặc là mắc bệnh liên quan tới tâm thần song không quá quan trọng, không đáng quan tâm.

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, mỗi cá thể trong xã hội phải chịu nhiều tác động của nhiều loại stress. Ví dụ: Điều kiện vật chất khó khăn; làm việc quá tải và căng thẳng; thất vọng trong sự nghiệp; mâu thuẫn vợ chồng, con cái, đồng nghiệp; người thân yêu qua đời; thất vọng chuyện tình cảm; mắc bệnh nan y…

Bệnh nặng vì không đến đúng nơi cần khám

Giai đoạn đầu của rối loạn tâm thần thường rất đáng sợ, khó hiểu và gây phiền toái cho cả người bệnh và người thân của họ. Cả người bệnh và người thân đều bối rối và khó khăn trong việc vượt qua được trạng thái cảm xúc ban đầu. Triệu chứng của các rối loạn ban đầu thường là đau đầu, đau lưng, đau bụng, tim đập nhanh, đau cơ hoặc đau mình, căng thẳng kéo dài, huyết áp cao, đau nửa đầu, đau ngực và đau tim...

Nhiều người chọn cách giấu bệnh, không đi khám chữa... vì sợ ảnh hưởng đến các mối quan hệ, do đó tỷ lệ đi khám các bệnh tâm thần rất thấp. Khi mắc bệnh, rất ít người đến đúng chuyên khoa tâm thần, tâm lý để khám mà thường bắt đầu khám ở các chuyên khoa khác. Chỉ tính riêng 10 bệnh tâm thần thường gặp nhất như: Trầm cảm, động kinh, rối loạn hành vi, tâm thần phân liệt... đã có hơn 13 triệu người mắc, trong đó khoảng 40% bệnh nhân ở độ tuổi dưới 30. Tuy nhiên, số người bệnh được chữa trị còn rất thấp, cứ 10 người thì chỉ có 2-3 người được điều trị.

Bên cạnh việc đi lòng vòng, rồi mới tới đúng chuyên khoa thì nhiều người lại giấu kín tình trạng bệnh của mình hoặc bị người nhà giấu bệnh không đưa đi khám và điều trị, khiến bệnh nặng hơn Trong khi đó, theo các bác sĩ tâm thần nếu được điều trị sớm và đúng cách, người mắc bệnh rối loạn tâm thần sẽ vượt qua được giai đoạn khó khăn và sẽ không bao giờ trải qua một cơn bệnh tâm thần nào khác.

GS Cao Tiến Đức cho hay, các yếu tố gây stress, nếu kéo dài, sẽ gây đến tình trạng trầm cảm, chiếm đến 35% trong các trường hợp bị rối loạn tâm thần. Các vấn đề trầm cảm rõ nhất là người bệnh mất hết hứng thú, không có khả năng tập trung, ảnh hưởng rõ ràng nhất đến công việc. Ngoài ra, người bệnh cũng có những biểu hiện suy yếu về mặt sức khỏe, cơ thể, ví dụ như rối loạn về giấc ngủ, rối loạn về ăn uống, thậm chí có những vấn đề về sinh hoạt vợ chồng, bạn bè, gần như ảnh hưởng tới mọi mặt của cuộc sống.

Theo các bác sĩ chuyên khoa, rối loạn tâm thần thường xuất hiện lần đầu ở giai đoạn muộn của tuổi thanh thiếu niên, hoặc ở lứa tuổi 20. Những người trẻ tuổi bị rối loạn tâm thần cần được hỗ trợ về mặt lâm sàng và tâm lý xã hội một cách sâu sắc, sớm nhất và kịp thời nhất để tránh những hậu quả nặng nề xảy ra cho người bệnh cũng như gia đình của họ. Khi thấy người thân có biểu hiện bất thường trong cuộc sống, sinh hoạt, công việc, những thay đổi về cảm xúc, hành vi, tư duy, tri giác... cần đưa họ đi khám và điều trị kịp thời để bệnh chóng ổn định. Tránh việc ngại ngùng, che giấu. Khi được chẩn đoán có rối loạn tâm thần, cần điều trị tích cực, không nên đi cúng, đi lễ...

GS Cao Tiến Đức đưa ra lời khuyên để phòng ngừa stress, mỗi người phải học cách phân bổ thời gian hợp lý cho mối quan hệ gia đình, bạn bè, công việc và những điều khác. Dành thời gian để có hoạt động thư giãn, không phải giải trí. Có thêm hiểu biết về thông tin bệnh, để biết khi nào mình có vấn đề để cần trợ giúp bên ngoài....

Lý tưởng nhất là chúng ta biết cách sắp xếp hợp lý, có một cuộc sống thật khoa học, quan tâm để ý tới sức khỏe của mình. Những biểu hiện trên cơ thể sẽ cảnh báo cho chúng ta biết cần phải quan tâm tới cơ thể, sức khỏe và tâm trí của mình nhiều hơn. Nếu không đỡ thì cần đến bệnh viện chuyên khoa để được giải quyết.

Stress còn được gọi là “kẻ giết người thầm lặng” khi gây hàng loạt tác động xấu lên cơ thể như huyết áp cao, bệnh tim mạch, tiểu đường và thậm chí là ung thư. Các bệnh lý về tâm thần, thần kinh do stress gây ra nhưng rối loạn lo âu, cũng có thể là cái cớ, là yếu tố kích thích gây ra. Từ stress làm thay đổi nội tiết, thay đổi yếu tố tâm lý nó gây ra bệnh lý khác. Nghĩa là nó vừa nguyên nhân vừa là hậu quả stress.

Căng thẳng làm giảm 40% khả năng thụ thai ở phụ nữ

Nếu bạn đang có kế hoạch mang thai cần tránh các stress, căng thẳng trong thời kỳ rụng trứng vì có thể làm giảm 40% cơ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Anh - Minh Trang ([Tên nguồn])
Bệnh stress Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN