Cảnh báo các bệnh dị ứng thường gặp ở trẻ khi thay đổi thời tiết

Vào thời điểm giao mùa, thời tiết và độ ẩm không khí thay đổi thất thường chính là môi trường thuận lợi cho vi rút, vi khuẩn gây bệnh hoạt động mạnh. Đặc biệt, trẻ em là đối tượng nhạy cảm do cơ thể chưa phát triển đầy đủ, sức đề kháng yếu khiến cho cơ thể của trẻ không thích ứng kịp và dễ mắc phải những căn bệnh có liên quan đến đường hô hấp, trong đó có các bệnh dị ứng.

Dị ứng đại diện cho các bệnh mãn tính phổ biến ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm triệu người trên thế giới hiện nay, đặc biệt là ở đối tượng trẻ nhỏ. Trong thời điểm thay đổi thời tiết như dịp cuối năm và đầu xuân thường làm tăng phát tán phấn hoa trong không khí, các loại bọ hoặc bụi bẩn gia tăng, nấm mốc dễ phát triển… sau khi tiếp xúc với cơ thể sẽ sinh ra phản ứng dị ứng, và histamine là một trong những chất trung gian hóa học gây ra các triệu chứng như: ngứa, sưng đỏ ở các bộ phận khác nhau trên cơ thể trẻ, từ đó dẫn đến các bệnh như viêm mũi dị ứng, mày đay, viêm da cơ địa…

Cảnh báo các bệnh dị ứng thường gặp ở trẻ khi thay đổi thời tiết - 1

Ngoài ra, tỉ lệ người mắc dị ứng ở nước ta có chiều hướng tăng liên tục vì mức độ ô nhiễm ngày một nghiêm trọng. Theo một báo cáo của Đại học Yale (Hoa Kỳ), Việt Nam là một trong 10 quốc gia ô nhiễm không khí nhất ở khu vực Châu Á1. Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm do bụi mịn hiện nay đang ở mức đáng báo động. Bụi mịn (PM 2.5) có thể dễ dàng xâm nhập sâu vào cơ thể thông qua hệ hô hấp gây viêm mũi dị ứng, viêm mũi, viêm xoang và gặp nhiều nhất ở trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, trẻ em cũng là đối tượng đang chịu tác động nhiều nhất của việc hấp thu khói thuốc thụ động.

Những căn bệnh dị ứng thường gặp

Trong những căn bệnh dị ứng thường gặp ở trẻ, phổ biến nhất là viêm mũi dị ứng và nổi mề đay.

Viêm mũi dị ứng là phản ứng của cơ thể khi gặp các vật lạ như bụi, khói thuốc, phấn hoa, lông chó, mèo, bào tử nấm, nhiệt độ, độ ẩm thay đổi… Khi tiếp xúc với các tác nhân dị ứng, cơ thể sẽ giải phóng histamin, gây ngứa, sưng và tích tụ chất lỏng bên trong mũi. Thông thường, viêm mũi dị ứng xuất hiện ở trẻ có cơ địa  mẫn cảm. Trẻ bị viêm mũi dị ứng thường có các triệu chứng như ngứa mũi, hắt hơi nhiều, sổ mũi (nước mũi trong hoặc có màu vàng hoặc xanh - khi đó là đã bị bội nhiễm vi khuẩn), có bé bị nghẹt mũi và dễ bị nhầm lẫn với cảm lạnh. Bệnh thường kéo dài theo đợt từ 5-14 ngày, trở nặng vào ban đêm khiến cho trẻ khó chịu, quấy khóc. Viêm mũi dị ứng có thể làm các bệnh lý như hen phế quản, hen suyễn, viêm amidan ở trẻ tiến triển nặng hơn.

Mề đay là bệnh gặp phải ở khoảng 20% dân số ở một thời điểm nào đó trong đời2. Nổi mề đay là một chuỗi phản ứng phức tạp giải phóng histamin và các hóa chất trung gian gây ra viêm. Biểu hiện của bệnh là nổi các mảng ban đỏ hoặc trắng, phù nề, giới hạn rõ. Vị trí các nốt ban xuất hiện trên da, niêm mạc, thanh quản, đường tiêu hóa, ngứa nhiều hay ít thay đổi tùy bệnh nhân.

Trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh nổi mề đay do nhiễm khuẩn bởi vi-rút, vi khuẩn, các vật thể lạ xâm nhập qua da hoặc đường hô hấp vì sức đề kháng còn yếu. Hải sản, các loại hạt, sữa và hoa quả cũng có thể là nguyên nhân gây dị ứng nổi mề đay ở một số trẻ. Trong thời điểm giao mùa, trẻ tiếp xúc với phấn hoa, lông động vật, các chất hóa học, bị côn trùng đốt đều dễ dẫn tới  nổi mề đay.

Bảo vệ sức khỏe của trẻ trước các bệnh dị ứng vào thời điểm thay đổi thời tiết

Mặc dù không quá nguy hiểm nhưng nếu không được điều trị đúng cách, các bệnh dị ứng dễ biến chứng nặng, có thể gây tử vong. Viêm mũi dị ứng kéo dài có thể dẫn đến viêm xoang, viêm tai giữa. Trẻ bị viêm mũi dị ứng có thể kèm thèo những bệnh lý dị ứng khác như hen suyễn, hay viêm da cơ địa (chàm thể tạng). Các nghiên cứu cho thấy 40-50% trẻ bị viêm mũi dị ứng có kèm với hen, 80% trẻ em bị hen suyễn có kèm theo viêm mũi dị ứng3. Nổi mề đay cũng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nếu người nổi mề đay cấp tính trong tình trạng nặng, rất dễ bị phù thanh quản, khó thở, choáng váng, ngất xỉu do huyết áp xuống thấp.

Theo Ban Khoa học của Hội Tai Mũi Họng Tp. HCM, khi trẻ bị dị ứng, cần xác định và loại bỏ yếu tố gây bệnh để tránh tình trạng bệnh trở nặng hơn; bên cạnh đó, cũng cần kiêng các thực phẩm dễ gây dị ứng, vệ sinh đồ dùng chăn, ga, gối, đệm, vải bọc thường xuyên, không hút thuốc trong nhà… Đối với trường hợp dị ứng nghi ngờ do thời tiết thay đổi, các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để điều trị. Phác đồ điều trị của bác sĩ đối với các trường hợp dị ứng hiện thường bao gồm nhóm thuốc kháng histamine. Ban Khoa học của Hội Tai Mũi Họng Tp. HCM cũng cho biết, với trẻ từ 6 đến 11 tuổi, phụ huynh cần tìm hiểu lời khuyên của bác sĩ để lựa chọn các sản phẩm kháng histamine có tác dụng nhanh, kéo dài và không gây buồn ngủ để ảnh hưởng đến việc học tập và sinh hoạt hàng ngày của trẻ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
([Tên nguồn]) .
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN