Căng đầu mau lớn bụng!

Sự kiện: Bệnh stress

Má hồng nào không muốn ngoại hình hấp dẫn dù là phụ nữ nào cũng đẹp. Ấy vậy mà nhiều bà ở tuổi mãn kinh bỗng tăng nhanh vòng số 2.

Tình trạng này càng rõ nét hơn nữa ở nhóm đối tượng kiêng cữ đủ cách để sụt cân nhưng vòng bụng vẫn tăng, trong khi hai chân lại mất… thịt. Kết quả là nạn nhân có vóc dáng tương tự… quả trứng!

Stress và ăn

Chuyên gia về stress ở Đại học Munich (CHLB Đức) đã đưa ra lời giải thích tại sao nhiều người, nam hay nữ cũng thế, có vòng số 2 vượt chỉ tiêu mặc dù họ có cuộc sống căng thẳng từ sáng đến tối. Trước hết, nếu tưởng người thường bị stress gặm nhấm là đối tượng mệt nhoài đến độ nuốt không vô thì lầm. Trái lại là khác, 80% người phải đồng hành cùng stress tuy không vui gì, tuy có thể khó ngủ nhưng lại ăn rất ngon vì hay đói bụng. Người căng đầu thậm chí ăn nhiều, ăn nhiều lần trong ngày nhưng lại ăn quá nhanh và nhất là khoái khẩu với món ngọt. Lý do rất dễ hiểu. Trước, trong và sau trận giao tranh với stress, nạn nhân rất cần năng lượng cho cơ thể đằng nào cũng dễ thiếu hụt đủ thứ, từ năng lượng bước qua chất đạm cho đến khoáng tố vi lượng.

Căng đầu mau lớn bụng! - 1

Minh họa: Khều

Nạn nhân của stress vì thế có khuynh hướng “hảo ngọt” vì đường vừa là chất cung cấp năng lượng nhanh nhất vừa có tác dụng trấn an thần kinh vốn nhạy cảm dưới kích ứng của stress. Kẹt nỗi là thói quen ăn ngọt cũng từa tựa ghiền cà phê, thuốc lá, nghĩa là sớm muộn cũng phải tăng “đô”. Cũng vì quen với lượng đường cao trong máu nên “stress nhân” rất dễ đói bụng và thậm chí “xấu nết” nếu không kịp ăn!

Hình ảnh vừa kể sở dĩ xảy ra là do ảnh hưởng của nội tiết tố corticosteroid của tuyến thượng thận sản sinh trong tình huống stress. Éo le chỉ ở điểm tuyến này bao giờ cũng xài sang nên không phóng thích nội tiết tố ở lượng đủ dùng mà lần nào cũng thế cao hơn nhu cầu thực tế của gia chủ. Do đó, càng cao danh vọng càng tích lũy corticosteroid. Gia chủ khi đó chẳng khác nào ngộ độc thuốc dù không dùng thuốc chỉ vì “nuôi ong tay áo” mà không biết!

Do tác động huy động chất đường của corticoid mà nạn nhân của stress cuối cùng chẳng khác người bệnh tiểu đường bao nhiêu. Cũng từ đó mà rối loạn biến dưỡng, chất béo len lén vào nhà với hậu quả là nạn nhân bị tăng mỡ máu cho dù có cữ béo đến phát thèm. Tệ hơn nữa là mỡ được ký gửi dưới thành bụng khiến vòng số 2 nổi bật trong khi vòng số 1 và số 3 thường khi xẹp lép!

Phòng chống được không?

Đáng lo hơn nhiều là tác hại của nội tiết tố tuyến thượng thận tiếp tục kéo dài khá lâu cho dù tình huống stress đã cao chạy xa bay. Do đó, cách tốt nhất để phòng chống stress là làm sao để stress đừng xuất hiện. Cũng chính vì thế mà chuyên gia về bệnh do stress đã khuyên đối tượng thuộc nhóm “mỡ treo trước miệng mèo” ráng tập vài chuyện không quá khó. Đó là:

- Đừng ăn ngọt khi căng thẳng thần kinh. Thay vào đó nên ăn trái táo, đậu phộng để vừa chống cảm giác đói vừa tránh đường huyết thăng thiên. Kẹt lắm là trái cây khô vì tuy ngọt nhưng vẫn chưa hại bằng đường cát, bột ngọt.

- Tránh món vừa hưng phấn vừa tăng đường huyết như cà phê đá pha ngọt hơn chè.

- Nhai thật chậm để tuy ăn ít nhưng no dai.

- Tập thiền thay vì chọn hình thức giải trí ăn thua đủ vì bao nhiêu đó stress của công việc đã quá đủ để sinh bệnh. Thêm chi cho khổ!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bác sĩ Lương Lễ Hoàng (Người lao động)
Bệnh stress Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN